Bộ Công Thương hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho thương mại điện tử

Thời gian qua, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đã tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bộ Công Thương hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho thương mại điện tử

Với mục tiêu thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử (TMĐT).

Ngày 28/2/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) bao gồm đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số Cục Quản lý thị trường tại địa phương. Ngay sau khi được thành lập, Tổ 368 đã triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, trong đó nổi bật là việc kiểm tra đồng loạt Hệ thống Ansan Cosmetics, website kagawa.vn tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong cả năm 2019, lực lượng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, cùng với lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về TMĐT là công cụ pháp lý quan trọng đối với TMĐT. Cho đến nay, sự phát triển của TMĐT phát sinh những vấn đề mới dẫn tới yêu cầu sửa đổi Nghị định 52, bao gồm:

Vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Hiện nay, các sàn giao dịch TMĐT là nơi tập trung phần lớn giao dịch TMĐT B2C và C2C, đồng thời cũng là nơi mà vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất. Thực tiễn cho thấy mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT.

Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.

Hoạt động TMĐT trên mạng xã hội đang bùng nổ và khó kiểm soát. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cần có những yêu cầu cụ thể đối với đơn vị quản lý mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch thương mại điện tử trong văn bản ở mức Nghị định thay vì ở Thông tư như hiện nay.

Do đó, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lập dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 và đã tổng hợp ý kiến ban soạn thảo về định hướng xây dựng nghị định. Nghị định dự kiến sẽ điều chỉnh những vấn đề lớn cùng quan điểm xây dựng như sau:

Tiếp tục khuyến khích TMĐT, xem xét bổ sung một số biện pháp quản lý với đối tượng mới (mạng xã hội, thương nhân có yếu tố nước ngoài);

Mở rộng đối tượng áp dụng, bao trùm cả thương nhân, tổ chức nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh doanh thu từ TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam;

Quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; Bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT;

Sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt quản lý như đối với thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam; Kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT là phù hợp với thực tiễn hiện nay, đảm bảo an ninh quốc gia, cam kết quốc tế và Luật đầu tư (sửa đổi).

Có thể bạn quan tâm