Bộ Công thương kiến nghị dừng cấm xuất khẩu gạo: Chính phủ chỉ đạo lập Đoàn thanh tra, đánh giá nguồn cung

Trước tác động kép bởi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu và hạn mặn xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp khống chế đại dịch và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Bộ Công thương kiến nghị dừng cấm xuất khẩu gạo: Chính phủ chỉ đạo lập Đoàn thanh tra, đánh giá nguồn cung

Đây là việc làm đúng đắn thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, có nguy cơ thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Trước tình hình này, ngày 24/03, Bộ Công thương đã có công văn hoả tốc xin dừng áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo. Ngày 25/03, Văn phòng Chính phủ có công văn giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và đánh giá nguồn cung làm cơ sở điều chỉnh lệnh cấm xuất khẩu gạo…

Cần đảm bảo lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp

Như đã nêu ở trên, ngày 24/03 Tổng cục Hải quan có công điện khẩn gửi Cục Hải quan các tỉnh thành phố: “Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan yêu cầu: Tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3.

Giải quyết thủ tục thông quan theo quy định đối với các lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3/2020. Cục quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc các phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.

Sau khi lệnh cấm trên được ban hành, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành lương thực bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ bị phạt hợp đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Trao đổi với phong viên, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Tông Cty Thương mại Hà Nội (Hapro thuộc Tập đoàn BRG) cho biết: Hapro là một trong các đơn vị đã tham gia hoạt động xuất khẩu gạo nhiều năm và nhiều năm liền nằm trong Top đầu đạt danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín về các mặt hàng gạo, hạt điều, hạt tiêu và thủ công mỹ nghệ, có thị trường xuất nhập khẩu hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt trên 100 triệu USD. Hapro đã đầu tư Nhà máy sản xuất, chế biến Gạo tại Huyện Lai Vung, Tỉnh Đồng Tháp từ nhiều năm nay.

Mặt hàng Gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hapro. Ngay từ đầu năm, Hapro đã và đang ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo theo kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo của Hapro có nguy cơ bị phạt vì lệnh cấm
Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo của Hapro có nguy cơ bị phạt vì lệnh cấm

Việc Tổng cục Hải quan ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo quá đột ngột như trên sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi trước thời điểm 0h ngày 24/3/2020, nhiều Doanh nghiệp xuất khẩu Gạo trong đó có Hapro đã ký hợp đồng xuất khẩu với một số khách hàng tại thị trường Châu Phi, Singapore, Philippines, Hong Kong với tổng trị giá các lô hàng còn phải giao 3.530 tấn, trị giá 1,625,650 USD sắp đến hạn giao hàng trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020.

Để thực hiện các hợp đồng ngoại, Hapro đã ký kết hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng thu mua trong nước với các khách hàng trong nước và thanh toán 50% giá trị hợp đồng. Cho đến nay, phần lớn hàng hóa đã được tập kết tại kho và một số lượng hàng đã được đóng vào container chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu.

Theo các điều khoản của hợp đồng, đối tác nước ngoài của Hapro đã chuyển tiền ngoại tệ đặt cọc cho các lô hàng. Nếu bất ngờ dừng triển khai các hợp đồng xuất khẩu gạo sẽ gây ra những tổn thất lớn về mọi mặt cho doanh nghiệp do phải chịu các chế tài phạt theo Hợp đồng đã ký kết với khách hàng ngoại, nhà cung cấp trong nước.

Trước lệnh cấm nêu trên, Hapro đã có công văn kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép các doanh nghiệp đã ký Hợp đồng với khách ngoại được xuất khẩu phần còn lại số lượng hàng hóa đã ký kết hợp đồng xuất khẩu trước ngày 24/3/2020 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp”.

Tạm dừng ký hợp đồng mới, lập Đoàn kiểm tra đánh giá nguồn cung

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ngày 24/03/2020, Bộ Công thương đã có công văn hoả tốc số 2011/BCT-XNK “… Trân trong đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng thực hiện mục b, khoản 2 và một phần mục c, khoản 2 của Thông báo số 121/TB-VPCP để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn thực kho thực tế ở các doanh nghiệp. Việc mở tờ khai hải quan cho xuất khẩu gạo, theo đó, vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.

Theo đó, ngày 25/03, Văn phòng Chính phủ có công văn hoả tốc số 2280/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng :“Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định.

Công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu lập Đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo nguồn cung

Công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu lập Đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo nguồn cung

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo. Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua. Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.

Cần phải nói thêm rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đều chung sức một lòng phòng chống dịch rất hiệu quả. Đáng nói là, có hàng trăm doanh nghiệp góp công, góp của trị giá hàng trăm tỷ đồng để cùng chung tay với Chính phủ xây dựng bệnh viện dã chiến, hỗ trợ những bệnh nhân, những người bị cách ly vượt qua đại dịch. Vậy nên, trong lúc gian khó này, Chính phủ cũng cần xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp sao cho thấu lý hợp tình, vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng lại không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm