Bỏ đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế

Bộ Tài chính xác nhận đã bỏ đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Thay vào đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bỏ đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế

Trong dự thảo mới nhất Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính công bố, đề xuất trao quyền điều tra cho cán bộ thuế được nêu ra trong các dự thảo trước đã được bãi bỏ.

Theo đó, cơ quan quản lý thuế chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra trong việc thực hiện điều tra tội phạm về thuế theo quy định của pháp luật.

Dự thảo mới cũng bổ sung quy định thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế khi có vi phạm về trình tự, thủ tục thanh tra; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra… 

Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra đề xuất trao cho cơ quan thuế chức năng khởi tố điều tra, tương tự như ngành Hải quan và Công an. Tuy nhiên, các đề xuất này đều chưa nhận được sự đồng thuận từ các bên.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán,…

“Cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời”, Bộ Tài chính lập luận.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo vẫn bảo lưu ý kiến phải cho thuế chức năng điều tra, vì các hành vi tội phạm về thuế thời gian qua nhiều, đều được chuyển sang cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố, nhưng số vụ xử lý lại không được bao nhiêu.

Cụ thể, năm 2017, cơ quan thuế chuyển cơ quan công an hơn 2.500 vụ vi phạm về thuế, nhưng chỉ khởi tố hình sự được 3 vụ, khởi tố 2 bị can, chuyển xử lý hành chính 112 vụ.

Mặt khác, theo lãnh đạo Bộ Tài chính điều tra thuế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, chỉ điều tra khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều tổ chức, cá nhân với nhau. Điều này nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc.

Có thể bạn quan tâm