Bộ Tài chính kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe tải hạng nặng lên 10%

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu chủng loại xe này lên mức 10% thay vì 0% như hiện hành để khuyến khích sản xuất và lắp ráp xe tải trên 45 tấn.
Bộ Tài chính kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe tải hạng nặng lên 10%

Mới đây, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung biểu thuế nhập khẩu ưu đãi số 125, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu nguyên chiếc đối với xe tải hạng nặng (trên 45 tấn) lên 10% thay vì 0% như hiện hành.

Bộ Tài chính dự kiến, việc điều chỉnh tăng thuế suất với chủng loại xe này sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước 1,9 triệu USD, tương đương 43,7 tỷ đồng.

Để khuyến khích doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất, lắp ráp dòng xe trên 45 tấn, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế NK mặt hàng xe tải nguyên chiếc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 45 tấn từ 0% lên 10%, bằng với mức thuế suất cam kết WTO.

Theo đó, xe tải trên 45 tấn là dòng xe có công năng, cấu hình đơn giản mà đa số doanh nghiệp trong nước đang sản xuất lắp ráp.

Mức thuế suất trung bình của bộ linh kiện nhập khẩu để lắp ráp xe tải trên 20 tấn đang được quy định là 5-7%, trong khi thuế suất của xe nguyên chiếc trên 45 tấn là 0%. Bộ Tài chính đánh giá, xe tải trong nước khó cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Trong khi đó, nhu cầu thực tế tại Việt Nam đối với xe tải trên 45 tấn hiện đạt khoảng 500-700 xe/năm, chủ yếu là xe nhập khẩu với các thương hiệu (HOWO, BELAZ, VOLVO...) đến từ Trung Quốc, Thụy Điển, các nước Đông Âu.

Việt Nam hiện có 3 đơn vị đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp nhóm xe tải có khối lượng toàn bộ trên 45 tấn là THACO, HINO và TMT. Công suất lắp ráp của 3 doanh nghiệp trên đối với dòng nhóm xe tải nặng trên 45 tấn đạt khoảng 2.000 xe/năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch nhập khẩu năm 2018 của mặt hàng xe tải nhập khẩu nguyên chiếc trên 45 tấn thuộc mã 8704 đạt 117 chiếc, trị giá đạt 19 triệu USD.

Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước nhập 265 chiếc, trị giá đạt 43,8 triệu USD, gấp 2 lần so với kim ngạch nhập khẩu năm 2018 và nhập khẩu chủ yếu dòng xe này từ Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm