Bộ Tài chính muốn áp thuế cao với nước ngọt vì... "lo dân béo phì"

Bộ Tài chính đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng nước giải khát có đường với mức 10% nhằm giảm tình trạng tăng cân, béo phì, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ Tài chính muốn áp thuế cao với nước ngọt vì... "lo dân béo phì"

Đây là quy định đáng chú ý tại dự thảo sửa đổi 5 luật thuế trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017.

Qua các lần sửa đổi, lấy ý kiến, đến nay, các dự thảo đang dần dần được hoàn thiện. Đáng nói, lần nào Bộ Tài chính lấy ý kiến và đề cập đến chuyện đánh thuế thì không chỉ các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội mà người tiêu dùng cũng… đồng loạt phản đối.

Đối với Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.

Một trong những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường.

Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.

Cụ thế, đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015, tại TP HCM mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).

Bộ Tài chính cũng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm