Bỏ vốn vào vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm?

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc lựa chọn kênh đầu tư tùy vào cảm nhận và khẩu vị rủi ro của mỗi người, với từng công cụ đầu tư.
Bỏ vốn vào vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm?

Nhưng bối cảnh hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn tốt, nhất là khi lãi suất huy động dự báo sẽ còn tăng.

Trước “sức nóng” của vàng, theo ông, có nên tranh thủ đầu tư vào kim loại quý này để kiếm lời, hay nên thận trọng?

Diễn biến của giá vàng thế giới trong thời gian gần đây đã có những bước sóng tăng, nhưng ở thị trường nội địa, giá vàng tăng-giảm bất thường do cung-cầu trên thị trường có những thời điểm bất cân xứng, dẫn đến dễ bị “làm giá”, khiến giá vàng leo thang và nhiều người đã không kịp chốt lời hoặc cắt lỗ. Thực tế cho thấy, giá vàng tăng cao chỉ trong 3 ngày, từ 5-7/7.

Có người chấp nhập rủi ro và chốt lời đúng thời điểm nên đã kiếm được lợi nhuận, song bên cạnh đó, cũng có không ít người mất vốn vì không kịp bán ra trước khi giá giảm. Kênh đầu tư vàng vẫn luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư quốc tế khi tình hình chính trị bất ổn…

Tuy nhiên, vàng cũng chính là kênh đầu tư rủi ro, đòi hỏi những người tham gia vào thị trường này phải am hiểu, nắm sâu sát các thông tin, diễn biến thị trường thế giới đang xảy ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Chẳng hạn, sau sự kiện Brexit, giá vàng đã chịu tác động mạnh. Vì thế, với các nhà đầu tư nhỏ, lẻ trong nước, không nên đầu tư vàng theo kiểu “té nước theo mưa”, bởi dễ dẫn đến rủi ro mất vốn.

Ngược lại, với những người am hiểu thị trường, chấp nhận rủi ro cao và luôn chế ngự được ham muốn, thì lợi nhuận trong đầu tư vàng là khá cao, bởi lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro.

Trong thời điểm hiện tại, đầu tư vào vàng rủi ro cao. Ông nghĩ sao đối với kênh đầu tư bất động sản?

Với thị trường bất động sản, giá nhà, đất đã tăng lên đáng kể (khoảng 20%) từ nửa cuối năm trước cho đến nửa đầu năm nay. Trong khi, cung-cầu trên thị trường này đang có phần mất cân đối, trong đó, nguồn cung ngày càng tăng, còn cầu thực tế về nhà ở dù luôn tồn tại và ở mức cao, nhưng do giá bất động sản được các chủ đầu tư và các nhà phân phối nâng lên, nên lượng hàng bán được không nhiều.

Khảo sát hoạt động tín dụng ở một số ngân hàng cho thấy, nhu cầu tín dụng cá nhân vay mua nhà trong nửa đầu năm 2016 tăng khá chậm so với cùng kỳ năm trước. Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36 được ban hành mới đây đã tác động tích cực lên tín dụng vay mua nhà.

Thế nhưng, hoạt động cho vay mua nhà vẫn tăng chậm. Hiện các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh tín dụng cá nhân, với các chương trình tín dụng ưu đãi, song thực tế, dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân chưa có sự đột biến.

Một phần, do tâm lý của người mua nhà vẫn còn chờ đợi diễn biến mới từ thị trường. Lãi suất cho vay không tăng cao, nhưng chi phí huy động vốn ngân hàng đã gia tăng thời gian gần đây, đồng thời do áp lực cạnh tranh lãi suất, chỉ tiêu tín dụng và hơn hết là việc đảm bảo lợi nhuận, nên lãi vay sẽ khó giảm. Đối với những người mua bất động sản để đầu tư trong lúc này, theo tôi, cần theo dõi thị trường thêm một thời gian nữa, chưa nên vội rót vốn mạnh.

Vậy gửi tiền vào ngân hàng có là lựa chọn tốt lúc này, thưa ông?

Xét trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, tiết kiệm vẫn là lựa chọn khả dĩ, vì kênh này có tỷ suất sinh lời hợp lý. Hiện mức lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống dao động ở mức 5,5-6,5%/năm và 6,5-7,7%/năm cho kỳ hạn 6 đến trên 12 tháng tùy từng ngân hàng.

Mặt khác, lãi suất tiết kiệm đã tăng trong 2 quý đầu năm và khả năng sẽ chưa dừng lại trong nửa cuối năm 2016. Do vậy, việc gửi tiết kiệm để hưởng mức lãi suất như trên được xem là phù hợp, khi vừa có được tỷ lệ sinh lời hợp lý, vừa đảm bảo an toàn.

Với dự báo lạm phát sẽ tăng, liệu lãi suất có tăng kịp với xu hướng và gửi tiết kiệm có đảm bảo giá trị nguồn vốn, cũng như hưởng lãi suất thực dương, theo ông?

Lãi suất huy động thực tế thời gian qua có tăng. Mức lãi suất tiết kiệm hiện nay được cho là hợp lý và theo các dự báo, sẽ còn nhích dần từ đây đến cuối năm. So với lạm phát hiện tại, người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương và kể cả khi lạm phát có tăng lên như dự báo, lãi suất cũng sẽ khó có thể đứng yên.

Mặt khác, gửi tiết kiệm ngân hàng ngoài tỷ suất sinh lời hợp lý, người gửi tiền sẽ tránh được rủi ro, nên khó có thể kỳ vọng lợi suất cao. Thế nhưng, trước diễn biến thị trường hiện nay, khi vàng biến động mạnh, bất động sản khó kỳ vọng bứt phá và tỷ giá trong vòng kiểm soát, thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn.

Theo ĐTCK

Có thể bạn quan tâm