“Bơm” hàng tỷ USD cho EVN, có cảnh báo sớm nợ xấu?

Bốn ngân hàng lớn gồm Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank đã “bơm” hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay đầu tư các dự án trọng điểm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Nhưng EVN làm ăn thua lỗ lớn, đ
“Bơm” hàng tỷ USD cho EVN, có cảnh báo sớm nợ xấu?

Nhiều ngân hàng đã nhận "quả đắng" mất vốn khi cho Vinashin, Vinalines vay vốn, còn số phận nợ vay ở EVN thì sao? 

Trong khi các doanh nghiệp vẫn than thở khó khăn về nguồn vốn, lãi suất cao, khó tiếp cận… thì các ngân hàng quốc doanh vẫn tiếp tục mạnh tay cho vay, thu xếp vốn cho các dự án ngành điện lớn của EVN.

Cuối tháng 7/2015, bốn ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank đã cùng ký một hợp đồng tín dụng 5.500 tỷ đồng tài trợ vốn cho dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải của Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco 1). Tập đoàn EVN cũng đứng ra bảo lãnh và cam kết trả nợ vay đúng hạn.

Ưu ái thu xếp vốn cho EVN

Dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tại tỉnh Trà Vinh) nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư là 10.795 tỷ đồng. Đây là hệ thống cảng nước sâu gồm khu bến 30.000 DWT có khả năng tiếp nhận 12 triệu tấn than/năm và bến tiếp nhận dầu 1.000 DWT phục vụ vận hành các nhà máy điện trong Trung tâm Điện lực.

Việc hợp vốn cho vay này cho thấy mức độ đầu tư ngày càng “mạnh tay” hơn của BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank vào lĩnh vực sản xuất điện, cảng biển, nhất là thực hiện tài trợ vốn cho EVN theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vài năm gần đây, các ngân hàng này cũng đồng hành tài trợ vốn cho nhiều dự án sản xuất điện quy mô lớn của EVN.

Theo số liệu của NHNN, đến năm 2013, bốn ngân hàng này đã cam kết tài trợ tới 17.500 tỷ đồng cho dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La, đáp ứng 50% tổng mức đầu tư của dự án. Tại dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng.

Nếu tính cả 6.000 tỷ đồng vốn ủy thác thông qua Vietinbank, tổng số vốn tài trợ là 20.500 tỷ đồng. Chỉ riêng hai dự án này, các ngân hàng đã cam kết tài trợ 38.000 tỷ đồng, chưa kể sự hỗ trợ nguồn ngoại tệ, cơ chế ưu đãi, lãi suất thấp… nhằm tháo gỡ khó khăn cho EVN trong mỗi giai đoạn khó khăn.

Vụ Tín dụng thuộc NHNN công bố, tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất dành cho một tập đoàn nhà nước, với sự hợp vốn cho vay của nhiều ngân hàng.

Bí ẩn nợ xấu ngành điện

Với quy mô tín dụng lớn cấp cho EVN và các đơn vị thành viên, việc thực hiện cho vay của bốn ngân hàng cũng có sự khác biệt, theo cơ chế ưu đãi riêng đối với từng dự án, như hạn mức vay, thời hạn vay, lãi suất, phương án trả nợ…

Lãnh đạo NHNN cũng từng thừa nhận là hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Do đó, mỗi khi muốn cho EVN vay thêm, ngân hàng đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Phía EVN cũng “xin” cơ chế tín dụng riêng: Vay vốn không bị giới hạn bởi tỷ lệ 15% vốn tự có ngân hàng đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng…

Xét ở từng ngân hàng, dù không bóc tách cụ thể trên báo cáo tài chính về dư nợ của nhóm khách hàng EVN, song số liệu nợ ở lĩnh vực sản xuất điện rất lớn. Đơn cử, đến cuối năm 2015, Vietcombank đã “bơm” 27.270 tỷ đồng cho vay sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước, tăng hơn 3.636 tỷ đồng so với năm 2014.

Số nợ này chiếm tỷ trọng 7% tổng dư nợ theo phân ngành, và bằng hơn 60% vốn tự có của Vietcombank ở cùng thời điểm.

Tương tự, đến cuối năm 2015, lượng vốn cho vay lĩnh vực điện, khí đốt và nước của BIDV lên tới 38.148 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,37% tổng dư nợ, tức đã tăng thêm 4.900 tỷ đồng so với năm 2014. Lượng tín dụng này bằng tới 90% nguồn vốn chủ sở hữu của BIDV.

Mặc dù quy mô tín dụng cho ngành điện khí rất lớn, vượt giới hạn quy định cấp tín dụng thông thường, nhưng trong các báo cáo tài chính của BIDV, Vietcombank, Vietinbank lại không phản ánh mức độ rủi ro của việc cho vay này.

Không rõ các ngân hàng đã phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và có bao nhiêu nợ xấu từ nhóm khách hàng EVN? Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cũng đánh giá là phần lớn các dự án điện lại có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn nên cũng gây nhiều khó khăn trong thẩm định cho vay vốn của ngân hàng. Chất lượng thẩm định khắt khe sẽ giúp xác định hạn mức cho vay hợp lý, lường trước rủi ro cho vay và hạn chế sai phạm, gây thất thoát vốn nhà nước…

Một báo cáo từ năm 2013 của NHNN cho biết, nhu cầu vốn đầu tư của ngành điện trong giai đoạn 2011-2020 là rất lớn, khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Bình quân mỗi năm sẽ cần khoảng 4,9 tỷ USD vốn đầu tư. Năng lực tài chính của EVN và các doanh nghiệp thành viên chỉ thu xếp được 20-30% tổng mức đầu tư, còn lại chủ yếu là nguồn vốn vay ODA, ngân hàng. Do đó, việc đánh giá, thẩm định và đưa ra cảnh báo rủi ro nợ xấu sớm là nhiệm vụ thực sự cần thiết.

Theo Thu Hằng/TBKD 

Có thể bạn quan tâm