Các Bộ ngành và hệ thống ngân hàng tham gia “giải cứu thịt lợn”

Trước thực trạng giá thịt lợn xuống quá thấp gây tổn hại lớn cho người nông dân, các Bộ, ngành đang tích cực tham gia hỗ trợ người dân; hệ thống ngân hàng có nhiều các chính sách và gói tín dụng nhiều
Các Bộ ngành và hệ thống ngân hàng tham gia “giải cứu thịt lợn”

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Bộ đã công khai rất nhiều giải pháp trước mắt, vì vậy những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đ/kg thịt lợn hơi. Ở các siêu thị so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, rất nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op… đã giảm giá bán 10-20%.

Cùng Bộ Nông nghiệp, để giúp đỡ người chăn nuôi, Bộ Công an đã lập ban chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong nước nhằm hỗ trợ thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thực phẩm, nông sản cùng Bộ Nông nghiệp. Đơn vị mới này sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động trong lực lượng công an nhân dân nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm, nông sản được kịp thời, hiệu quả.

Trước đó, ngày 28/4/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 3091/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều qua (04/05), Phó Thống đốc NHNN cho biết, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng (cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%), với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết.

“Như vậy, có thể nói vấn đề nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ”, Phó Thống đốc cho biết.

Phó Thống đốc chia sẻ thêm, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y như cơ cấu lại thời hạn trả nợ (NHTM được giữ nguyên nhóm nợ 01 lần đối với một khoản nợ), miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, cho vay mới... “Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những doanh nghiệp, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là ngân hàng đầu tiên tung ra gói vay 500 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 2% so với thị trường dành cho các đối tượng nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh khi vay vốn trong thời hạn một năm. Ngay sau đó tiếp tục có nhiều động thái từ các ngân hàng khác.

Giải cứu thịt lợn đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hàng đầu hiện nay. Việc tham gia của các bộ ngành cùng hệ thống ngân hàng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho người nông dân nhanh chóng thoát khỏi khó khăn.

>> Bộ Tài chính yêu cầu “giải cứu” giá thịt lợn 

Có thể bạn quan tâm