Các cổ phiếu ngân hàng chào sàn 2017 đã biến động thế nào?

VIB, Kienlongbank, VPBank và LienVietPostBank là những ngân hàng đã đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn trong năm nay, trong đó chỉ VPBank lên sàn chính thức HoSE, 3 ngân hàng còn lại có mặt tại UPCoM.
Các cổ phiếu ngân hàng chào sàn 2017 đã biến động thế nào?

VIB là ngân hàng đầu tiên lên sàn năm 2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đầu cổ phiếu này tăng được đôi chút nhưng sau đó nhanh chóng sụt giảm có lúc về 15.000 đồng hồi giữa tháng 2, song đó cũng là đáy tính đến thời điểm này.

VIB liên tục đi lên, đạt đỉnh cao nhất là 26.000 đồng/cổ phiếu vào trung tuần tháng 5, và rồi lại giảm và đi ngang suốt từ đó tới nay quanh vùng 21.000 – 22.000 đồng/cổ phiếu. So với thời gian đầu lên giao dịch, cổ phiếu VIB đã tăng khoảng 26%.

Tiếp đến là KLB của Kienlongbank chào sàn với giá đúng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng không may mắn, cổ phiếu này từ cuối tháng 6 đến nay không một lần nào đạt được mức ban đầu mà nhịp nhàng xuống nhanh hơn lên, hiện còn chưa đến 9.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự là biến động của VPBank. Niêm yết trên HoSE như một “hiện tượng” của không chỉ ngành ngân hàng mà trong giới doanh nghiệp nói chung khi nhà đầu tư ngoại cự kỳ hưng phấn với ngân hàng trẻ tuổi này, mà nói như nhà tư vấn của họ là Công ty chứng khoán Bản Việt thì chắc có lẽ kỷ lục VPBank từng thiết lập là có tới hơn 1 tỷ USD được đặt mua khi chào bán ở nước ngoài sẽ rất khó bị phá vỡ trong tương lai của chứng khoán Việt. Thế nhưng từ khi lên sàn vào trung tuần tháng 8 tới nay, cổ phiếu VPB lại chưa một lần quay về điểm xuất phát, thay vào đó là biến động quanh vùng giá 37.000 đồng.

LPB của LienVietPostBank thì vừa lên sàn UPCoM tuần trước với giá khởi điểm 14.800 đồng/cổ phiếu, song qua 3 ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu này cũng khá “đuối” khi liên tục giao dịch dưới mức giá chào sàn.

Nhóm cổ phiếu có gì hấp dẫn? 

VIB đang chứng tỏ mình có sức hấp dẫn hơn so với các ngân hàng còn lại về biến động giá. Tuy nhiên tính thanh khoản thì cổ phiếu này cũng chẳng khá hơn so với hai bạn đồng hành là KLB và LPB trên UPCoM. Có chăng VIB đang tạo nên sự khác biệt đó là những giao dịch thỏa thuận với khối lượng khổng lồ đến từ nội bộ gia đình ông chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Khắc Vỹ.

Trong vòng 1 tháng qua, số liệu trên sàn cho thấy có tổng cộng hơn 50 triệu cổ phiếu VIB đã được trao tay, tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, và phần lớn trong số ấy chắc hẳn đến từ sự trao đi đổi lại cổ phần giữa hai cha con ruột là vợ và bố vợ ông Vỹ (một người đăng ký bán một người đăng ký mua cùng số lượng cổ phiếu trong cùng một thời điểm). Hiện con trai ông Vỹ cũng đã đăng ký mua hơn 28 triệu cổ phiếu tương đương gần 5% vốn điều lệ ngân hàng nhưng chưa thực hiện xong, nên sắp tới các giao dịch thỏa thuận ở VIB chắc chắn còn xuất hiện.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại dường như cũng chẳng mấy mặn mà với nhóm cổ phiếu ngân hàng mới lưu hành trên UPCoM trong năm nay là VIB và KLB. LPB của LienVietPostBank thì có khác hơn đôi chút là trong 3 phiên đầu giao dịch thì có đến 2 phiên khối ngoại mua ròng, tổng cộng hơn 1,2 triệu cổ phiếu, và điều này cũng chưa thể nói lên điều gì ở thời điểm này.

Trong khi đó VPBank niêm yết trên HoSE - ngân hàng đầu tiên niêm yết kể từ đầu năm 2014 với sự hiện diện của BIDV, nhưng dường như cũng không mấy hấp dẫn nhà đầu tư khi thanh khoản của cổ phiếu này thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác, chỉ nhỉnh hơn so với EIB của Eximbank và NVB của Ngân hàng Quốc Dân. Một số ý kiến cho rằng, có vẻ giá cổ phiếu VPB quá cao nên chưa hút được dòng tiền.

Trên sàn, VPB và VCB của Vietcombank đang là hai cổ phiếu đắt đỏ nhất dòng bank, còn cổ phiếu của các ngân hàng sáng danh khác là ACB dù đã tăng liên tục cũng chỉ hơn 30.000 đồng đôi chút, rồi cổ phiếu MB, VietinBank, BIDV chỉ hơn 20.000 đồng, còn các cổ phiếu khác thì chỉ quanh 12.000 đồng, thậm chí là dưới 10.000 như là SHB, NVB...

Biến động của giá cổ phiếu là khó lường, không chỉ phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường, vào nền kinh tế, mà còn tùy thuộc vào kết quả kinh doanh cũng như triển vọng của các ngân hàng này và nhiều những yếu tố khác. Song biến động thời gian qua của nhóm ngân hàng chào sàn 2017 rõ ràng kém hấp dẫn hơn so với bức tranh chung của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay khi MBB đã tăng giá gần gấp đôi, ACB tăng hơn 60%, BID và STB tăng gần gấp rưỡi, CTG cũng trên dưới 40%, SHB thì tăng đến hơn 70%...

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

>> Hạn chế cấp vốn tín dụng đầu tư cổ phiếu ngân hàng

Có thể bạn quan tâm