Các nước thảo luận khung mới để thực thi "TPP - không Mỹ"

Ngày 13/7, trưởng đoàn đàm phán 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận thương mại tự do khu vực này theo một khung mới sau k
Các nước thảo luận khung mới để thực thi "TPP - không Mỹ"

Phát biểu với báo giới sau khi chủ trì cuộc họp hai ngày về TPP, diễn ra tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hakone, tỉnh Kanagawa, phía Tây Nam Tokyo, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cho biết TPP ban đầu được 12 nước thành viên ký kết, vì vậy để hiệp định này có hiệu lực với 11 nước, cần có một thỏa thuận quốc tế mới. 

"Ông cho biết thêm: "Hiện chúng tôi đã hình dung ra thỏa thuận đó sẽ như thế nào". Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các cuộc thảo luận sắp tới có được suôn sẻ hay không, khi 11 nước còn lại đang chia rẽ về nhiều vấn đề, như giữ lại bao nhiêu phần trăm văn bản gốc.

 Theo ông Umemoto, 11 nước đã nhất trí không giảm tiêu chuẩn thương mại - vốn đang rất cao - được quy định trong hiệp định ban đầu. Công việc sắp tới là 11 nước cần quyết định khung mới sẽ dưới dạng hiệp định, nghị định thư hay dạng thức nào khác, và sẽ phải thảo luận liệu có sửa đổi các quy định về thương mại và đầu tư so với bản gốc hay không. Và tất nhiên, mọi thay đổi sẽ cần phải được từng quốc gia thành viên phê chuẩn. 

Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết các quan chức cấp làm việc sẽ bắt đầu thảo luận nội dung chính của khung dự kiến, dựa trên định hướng mà các trưởng đoàn đàm phán đưa ra. Sau đó, các trưởng đoàn đàm phán sẽ gặp nhau vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới tại Australia để thúc đẩy đàm phán thực thi thỏa thuận trước tháng 11, thời điểm nguyên thủ quốc gia các nước thành viên tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam. 

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước còn lại. Tokyo hy vọng đạt một sự đồng thuận giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định, nhấn mạnh rằng TPP là kết quả của nhiều năm đàm phán trước khi ký kết vào tháng 2/2016. 

Tuy nhiên, một số nước có thể kêu gọi đàm phán lại nội dung, bao gồm các loại thuế xuất nhập khẩu. Theo Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara, Tokyo muốn thúc đẩy đàm phán hướng tới sớm thực thi TPP, bao gồm cả việc làm thế nào để đưa Mỹ trở lại hiệp định.

Có thể bạn quan tâm