Các "ông lớn" thương mại điện tử "so găng" tại châu Á

Sự hiện diện của Amazon, Alibaba và những doanh nghiệp mới ra đời thổi bùng sự cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử.
Các "ông lớn" thương mại điện tử "so găng" tại châu Á

Rosanita Ali (người Singapore) là bà nội trợ, 49 tuổi, đã không đi làm 10 năm nay. Giờ bà là nhân viên tự do của hãng thương mại điện tử HonestBee. Mỗi ngày Rosanita chọn thức ăn sạch và hàng hóa cho khách hàng thông qua ứng dụng HonestBee. "Công việc mang đến cho tôi sự linh hoạt và kiếm tiền", bà nói.

Rosanita kiếm trung bình 100 USD mỗi tuần với thời gian làm việc hai giờ mỗi ngày. Người phụ nữ này cũng có thể kiếm thêm nếu muốn bởi không có giới hạn về số đơn đặt hàng.

"Đứng từ góc độ sản phẩm, người tiêu dùng tại đây đang tìm kiếm những trải nghiệm tốt hơn", Joel Sng - nhà sáng lập, CEO HonestBee chia sẻ. Anh xây dựng startup này hai năm trước và khởi đầu ở Singapore, giờ đã mở rộng ra 8 thị trường khác tại châu Á. Sng nói công ty có thể sinh lợi nhuận nếu ông đầu tư vào những dự án khác. Tuy nhiên, CEO này đang tập trung toàn lực vào dự án thương mại điện tử. Ông hào hứng về tiềm năng phát triển của ngành này, bởi không tới 2% người Đông Nam Á mua hàng qua hình thức online hiện nay. "Hầu hết họ đều ở trong độ tuổi trẻ. Cách duy nhất cho sự phát triển chính là cứ tiếp bước", ông nói.

Dữ liệu từ Google và công ty đầu tư Temasek cho thấy thương mại điện tử tại khu vực được kỳ vọng sẽ tăng vọt trong vài năm tới, từ 55 tỷ USD năm 2015 lên 88 tỷ USD vào 2025. Đó mới chỉ là những con số được dự báo.

Tất cả mọi hoạt động đang diễn ra trong lĩnh vực này đã thúc đẩy gã khổng lồ trong ngành bán lẻ online tại Mỹ và toàn cầu là Amazon ra mắt dịch vụ Prime Now tại Singapore hồi tháng trước. Họ chuẩn bị một kho chứa rộng tới 9.290 m2. Dịch vụ sẽ có thể giao hàng trong vòng hai giờ cho tất cả các mặt hàng từ trứng đến nôi em bé.

"Singapore là địa điểm tuyệt vời để kinh doanh. Người tiêu dùng tại đây rất bận rộn, vì vậy mà họ thích sự tiện lợi và cũng thích ý tưởng có nhiều mặt hàng cùng hiện diện. Điều này hoàn toàn trùng khớp với mục tiêu của chúng tôi", Henry Low - Giám đốc vận hành Amazon Prime tại Singapore cho biết.

Tuy nhiên, thị trường này không phải là đích nhắm sau cùng bởi chỉ có 5 triệu dân. Một khu vực rộng lớn hơn mới chính là điều mà gã khổng lồ này quan tâm, tại thị trường tiềm năng với 600 triệu người tiêu dùng.

Amazon vẫn chưa công bố kế hoạch nhưng với động thái bước chân vào thị trường Singapore vừa qua và tiếp theo là Australia, dấu hiệu bành trướng là khá rõ.

Những gì diễn ra tại Singapore và Australia không là tất yếu với mọi nơi ở châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á. "Một số quốc gia khá thách thức với vấn đề về cơ sở hạ tầng như Indonesia hay Thái Lan. Một trong các vấn đề nữa là các hình thức thanh toán. Trả bằng tiền mặt khi giao hàng là một trong các thách thức", Ajay Sunder từ hãng tư vấn nghiên cứu Frost & Sullivan cho hay.

Singapore có hệ thống thanh toán thương mại điện tử và người tiêu dùng rất thoải mái khi trả tiền online. Tuy nhiên, điều này không phải là mẫu số chung trong khu vực. Có nghĩa là doanh nghiệp cần một bên thứ ba thu tiền hộ, một hệ thống ít hiệu quả hơn và dễ xảy ra tình trạng gian lận.

Khu vực này cũng đang cho thấy là nơi đầy cạnh tranh khi gần đây tập đoàn hùng mạnh của Trung Quốc là Alibaba đã mua lại cổ phần Lazada, đơn vị sở hữu trang thương mại điện tử Redmart của Singapore.

Bên cạnh đó, Alibaba cũng đã có những bước đầu tư quan trọng trong lĩnh vực kho vận tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Lần đầu tiên họ đã tạo nên khu vực thương mại tự do trên nền tảng số tại Malaysia. Ông chủ Jack Ma đã được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế số tại Malaysia vào năm ngoái, với nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử tại quốc gia này.

Còn rất nhiều đối thủ nhỏ khác trong khu vực nhưng ông Sunder không hy vọng đó sẽ là nền tảng của tương lai. "Thương mại điện tử theo truyền thống là cuộc chơi của những đối thủ cuối. Với thị trường cạnh tranh hiện nay, chúng tôi hy vọng vào những làn sóng hợp nhất trong năm tới. Có nghĩa ta sẽ thấy nhiều đối thủ lớn mua lại cổ phần của đối thủ nhỏ", ông nói.

Nhưng đây không phải là vấn đề đáng lo lắng với những người như bà Rosanita, đang làm việc cho HonestBee hay bất cứ doanh nghiệp thương mại điện tử nào, ít nhất là trong hiện tại. Mỗi ngày bà chọn rau củ và hàng hóa rồi đưa cho một người lái xe vận chuyển đến người tiêu dùng. Ngành thương mại điện tử trong khu vực vẫn còn tươi mới và những cuộc giao dịch lớn vẫn chưa rõ ràng. Khi đó, các cuộc chiến sẽ giúp giá cả cạnh tranh hơn.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm