Cảm xúc mùa gặt

Cánh đồng lúa vàng rực rỡ trĩu bông ngày mùa luôn là hình ảnh đẹp đẽ, thân thương của nhiều người. Người thì nhớ nó là kỉ niệm ngày còn ở nhà với gia đình làm ruộng, càng xa quê nỗi nhớ càng dày lên,
Cảm xúc mùa gặt

Người thì biết về nó như biết về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông để cảm nhận sự đổi thay của thời tiết, để nương theo cảm xúc mơ mộng sớm nắng chiều mưa! Mùa vàng năm nào cũng có nhưng cảm xúc của mỗi năm lại khác nhau. Vụ chiêm này là một xúc cảm được mùa!

 

Những nơi nông dân nhàn nhã hơn là nơi ruộng đồng được hợp thửa hay cũng vuông vắn, có lối cho máy gặt vào. Nông dân giờ đi xe máy ra tận bờ ruộng đợi thóc từ máy gặt tuôn ra, đóng bao chở về phơi. Bớt bát mắt mặt, dành thời gian làm việc khác! Giá thuê một sào giờ chừng 170.000 – 180.000 đồng một sào. Đỡ hơn cả thuê hay nuôi công thợ cấy như xưa. Vụ chiêm này lúa tốt, ít sâu bệnh và đa số là được nắng để phơi.

 

Nhưng máy gặt vẫn chưa đại trà do nhiều nguyên nhân. Đa số vẫn là máy tuốt lúa. Máy được đánh ra tận gần bờ ruộng, lên kế hoạch thăm đồng, định ngày gặt và hợp đồng với nhà có máy tuốt lúa, có thể trong gia đình, làng xóm đổi công cho nhau gặt rồi gom và gánh vào bờ thuê tuốt, giá rẻ hơn nhưng lại mất khá nhiều công hơn so với gặt máy.

 

Vẫn tranh thủ ra đồng sớm hay về muộn tránh nắng như thuở xưa, vẫn có nhà có người mang cơm ra ruộng cho thợ gặt ăn nhưng giờ đây có nước chanh đá đựng phích mang theo hoặc ít ra cũng có nước mát. Nụ cười tươi rói và không có sự mệt nhọc của chị nông dân làm tôi vui lây với câu khoe xởi lởi của chị: Năm nay được mùa cô ạ!

 

Nhưng mùa gặt năm nào chẳng có mưa và vùng chiêm trũng, ruộng trũng lại còn khá nhiều. “Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi!”. Không thể chạy trước trời mưa mùa hạ hoặc lúa chưa đủ chín. Cực nhọc vô cùng khi ruộng lúa chín ngập sâu và còn ở xa bờ. Bà con thường cho lúa vào mảnh chiếu ni lông rồi kéo, đẩy, bốc đưa lên bờ. Đưa lúa đã cắt vào bờ vừa nặng vừa khó khăn và nỗi lo nhất là thiếu nắng để phơi nếu trời giở chứng mưa tiếp. “Non nhà hơn già đồng” để chỉ vụ chiêm lúa ăn đến nơi mà còn chết ngập hoặc mất trắng vì mưa triền miên, lúa nảy mầm trên ruộng hay đã tuốt chỉ đợi phơi. Ngậm ngùi thương mẹ quê nhà sau trận mưa xối xả cả ngày qua.

 

Không phải tất cả các vùng đều có thể đưa máy tuốt lúa ra gần bờ ruộng. Nông dân vẫn dùng mọi phương tiện chuyên chở để đưa lúa về tuốt ở sân kho. Nơi chở xe công nông, nơi chở xe cải tiến, lúa tươi nặng kéo cũng đổ mồ hôi, cần lao động khoẻ mà lao động khoẻ ở nông thôn đi thoát ly cũng nhiều. Vẫn còn nhiều nơi dựa trên đôi vai của các bà, các mẹ các chị.

 

Còn tôi vẫn mơ mộng lắm, ngắm lúa chiêm “ non nhà hơn già đồng”, rạ vẫn xanh và lúa chín vàng tôi không thôi nghĩ về một loài hoa, một mùa hoa đẹp nhất của mẹ tôi, hoa của đất trời, hoa của no ấm: Hoa lúa!

Ngược về quá khứ chưa xa nhưng giờ còn ít lắm là hình ảnh bà tôi vẫn chắt chiu sàng sảy, mót lại những hạt thóc sau khi thu rơm. Hình ảnh bà sàng sảy uyển chuyển, khéo léo, cần mẫn góc đường làng sao yêu thương muốn chảy nước mắt khi mình ở phố đổ đi cơm thừa. Mẹ tôi vẫn nhắc con cháu đổ đi cơm thừa hay ăn cơm bỏ mứa là : Phải tội!

 

Rồi bóng bà dắt cháu đi qua rơm phơi ở cổng làng cổ kết thúc cho một ngày về nơi mùa gặt quen thuộc nơi vùng quê bắc bộ. Rơm bây giờ chỉ một số nuôi trâu bò trữ để lót chuồng hay làm thức ăn dự trữ. Đường làng không còn trải thảm rơm vàng mọi ngõ ngách như xưa nhưng tôi vẫn nhớ như in hình bóng bà tôi dắt cháu giữa trưa hè qua đống rơm vàng rộm, êm ái, vấn vít bước chân làm tôi chạy líu ríu. Làng quê ngày mùa đẹp và thân thương làm sao!

Bài Thu Vân, Ảnh Trần Xuân Thiều - Nguyễn Thuý Vân

Có thể bạn quan tâm