Cần cải tổ ngành du lịch trước khi quá muộn

Năm 2018 được dự báo sẽ là năm đón lượng khách du lịch mỗi ngày cao nhất trong lịch sử. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch, song, hiện tượng này cũng kéo theo nhiều vấn đề cần phải được quan
Cần cải tổ ngành du lịch trước khi quá muộn

Ước tính trong năm 2018, mỗi ngày sẽ có 3 triệu du khách đi khắp nơi trên thế giới. Đây là hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người. Và, điều mà người ta quan tâm nhất là lợi nhuận, còn những yếu tố khác liên quan đến tác động của ngành du lịch lên đời sống xã hội, văn hóa và môi trường đang bị xem nhẹ.

Trong một báo cáo công bố gần đây, nhà nghiên cứu Sameer Kaoor đã đưa ra danh sách 20 địa điểm bị tàn phá do hoạt động du lịch. Có thể kể đến một số như: Nam Cực và tình trạng ô nhiễm đáng báo động; Đền Taj Mahal nổi tiếng của Ấn Độ với những tảng đá cẩm thạch màu trắng đục đã chuyển sang màu vàng sẫm; Đỉnh Everest đầy rác; Vạn Lý Trường Thành bị sụp đổ nhiều khoảng; Rặng san hô lớn nhất thế giới Coral Reef Barrier ở Úc đã mất một phần ba; Đảo Galapagos, nơi nhà sinh vật học Charles Darwin nghĩ ra lý thuyết về sự chọn lọc trong tự nhiên, đã bị UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy cơ vào năm 2007; Đền Parthenon bị du khách lấy gạch mang đi, vẽ và khắc trên những cột trụ xưa, buộc chính quyền Hy Lạp phải thành lập đội cảnh sát đặc nhiệm để hạn chế sự xuống cấp của di sản hay kỳ quan Angkor Wat của Campuchia cũng chịu cảnh tương tự.

Ví dụ tiêu biểu nhất về tác động tiêu cực của du lịch lên đời sống con người là ở thành phố Venice, Ý. Năm 1970, Venice có khoảng 100 ngàn dân, nhưng nay chỉ còn 50 ngàn. Bình quân mỗi năm có 1.000 cư dân Venice rời thành phố để đến định cư tại nơi khác. Giá thuê nhà, sinh hoạt đắt đỏ khiến họ không thể kéo dài cuộc sống trong những điều kiện khắc nghiệt vốn chỉ phù hợp với những du khách lắm tiền. Ngày nay, tại Venice, có một sự xung đột rõ rệt giữa người sống nhờ vào hoạt động du lịch và người sống bằng các ngành nghề khác. Tương tự như ở Barcelona (Tây Ban Nha), cư dân Venice cũng đang biểu thị sự chống đối hình thức du lịch đại chúng (mass tourism) có nguy cơ gây tổn hại lớn về nhiều mặt của đời sống.

Ngày nay, du lịch là ngành công nghiệp ngốn nhiều nhân lực nhất: cứ 11 người thì có một người làm du lịch. Năm 2016, người Trung Quốc chi tiêu 261 tỷ USD cho du lịch, con số này đến năm 2020 sẽ là 429 tỷ USD. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc LHQ (UNWTO), đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có 92,6 triệu gia đình có thu nhập hằng năm khoảng 20 - 30 ngàn USD; 63 triệu gia đình từ 35-70 ngàn USD, 21,3 triệu gia đình từ 70 - 130 ngàn USD. Một số không nhỏ sẽ đi du lịch và tiêu tiền.

Cơ hội hái ra tiền của ngành du lịch cũng đồng thời làm phát sinh những tiêu cực mà phần lớn người dân bản địa sẽ là nạn nhân. Các khách sạn nguy nga mọc lên ở những địa điểm đẹp nhất, phá nát cảnh quan và đẩy giá thuê phòng tăng cao. Tại các khu du lịch, nhiều cửa hàng mọc lên dành cho du khách giàu có, buộc dân địa phương phải mua hàng với giá cao so với túi tiền của họ. Địa điểm du lịch trở thành nơi đánh mất bản sắc của chính mình để thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách. Những hãng thức ăn nhanh McDonald’s, Pizza Hut… cũng đẩy các món ăn truyền thống vào quên lãng.

Trong tương lai gần, mỗi năm ước tính có 1,8 tỷ người đi du lịch, riêng Trung Quốc năm 2020 sẽ có 100 triệu người đi du lịch khắp thế giới, trong đó, châu Âu là đích đến đầu tiên của họ. Thiết nghĩ, ngành du lịch thế giới cần mau chóng tìm ra các biện pháp cải tổ trước khi quá muộn.

(Theo Doanhnhanplus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Có thể bạn quan tâm