Cảnh giác với các doanh nghiệp có dòng tiền âm

Nhiều công ty có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm trong năm qua như: PC1 (-56 tỷ đồng), TLH (-78,2 tỷ đồng), PVS (-77,8 tỷ đồng), VPH (-247,7 tỷ đồng), ITA (-897,6 tỷ đồng), VSH (-1.188 tỷ đồng)...
Cảnh giác với các doanh nghiệp có dòng tiền âm

Dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm 2016 của ITA bị âm 897,6 tỷ đồng

Lợi nhuận trăm tỷ đồng, dòng tiền âm

Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2016, trong đó Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam nhấn mạnh, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Nguyên nhân chính là do dòng tiền hoạt động kinh doanh trong kỳ của VPH bị âm 247,7 tỷ đồng.

So với những vấn đề thường được báo cáo tài chính kiểm toán đề cập như nghi ngờ về công nợ phải thu, hàng tồn kho, nợ phải trả…, thì câu chuyện VPH bị kiểm toán nhấn mạnh về dòng tiền hoạt động kinh doanh là đáng lưu tâm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa VPH là doanh nghiệp cá biệt. Thực tế trên thị trường chứng khoán hiện nay, trường hợp doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với dòng tiền hoạt động kinh doanh âm không hiếm, có chăng không nhiều công ty bị kiểm toán nhấn mạnh mà thôi.

Lướt qua báo cáo tài chính 2016 mà các doanh nghiệp công bố, không khó để nhận thấy nhiều công ty có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm trong năm qua như: PC1 (-56 tỷ đồng), TLH (-78,2 tỷ đồng), ITA (-897,6 tỷ đồng), PVS (-77,8 tỷ đồng), VSH (-1.188 tỷ đồng)... Đáng chú ý, nhiều trường hợp mặc dù lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại âm liên tục trong nhiều năm.

Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính 2016 của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Công ty đạt doanh thu 296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 53,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm qua của ITA âm tới 897,6 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là tăng tại khoản mục hàng tồn kho (169 tỷ đồng) và giảm các khoản phải trả (830 tỷ đồng).

Biến động hàng tồn kho và các khoản phải trả cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của ITA âm gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2015, âm 857 tỷ đồng trong năm 2014 và âm 267 tỷ đồng trong năm 2013, dù trong những năm này, doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Gần như toàn bộ sự thiếu hụt trong dòng tiền hoạt động kinh doanh của ITA được tài trợ bằng nguồn tiền từ hoạt động tài chính (thu tạm ứng, nhận chi viện), trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.

Tại Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG), với đặc thù doanh nghiệp bán lẻ nhận “tiền tươi thóc thật”, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty tưởng chừng sẽ rất rồi dào. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, dù doanh thu vượt ngưỡng 2 tỷ USD, lợi nhuận đạt trên 1.500 tỷ đồng, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh ghi nhận năm âm thứ hai liên tiếp, hơn 586 tỷ đồng.

Để đáp ứng dòng tiền chi mua sắm tài sản cố định hơn 1.200 tỷ đồng, tăng hàng tồn kho 4.500 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng gần 1.000 tỷ đồng, trong năm qua, MWG phải vay nợ ròng thêm 2.700 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, vay nợ của MWG đã tăng thêm gần 9.100 tỷ so với thời điểm cuối năm 2014, kèm theo đó là chi phí lãi vay tăng 5,6 lần. Nợ phải trả đang đóng vai trò tài trợ chính cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của MWG.

Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Với những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả…, thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Nhưng về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát. Đây chính là đặc điểm chung khi xem lại báo cáo tài chính của hầu hết công ty phải chịu “án” hủy niêm yết trong những năm qua như PXL, CTN, VLF, DAC…

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền - một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Lợi nhuận - dòng tiền, con số nào quan trọng hơn?

Doanh nghiệp cũng như một cá nhân, một gia đình, bất cứ hoạt động nào như mua sắm tài sản, hàng hóa, máy móc, trả lương cho cán bộ, nhân viên… đều liên quan đến “tiền”. Dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Không có tiền trả nợ khi đến hạn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể bị chủ nợ yêu cầu làm thủ tục phá sản.

Doanh nghiệp có thể báo cáo lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nếu nguồn tiền thu về từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đủ để tài trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính (vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, bán bớt tài sản). Trong trường hợp này, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm dễ được chấp nhận với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất - kinh doanh…, nhưng khi dòng tiền âm nhiều năm, đây có thể là tín hiệu cảnh bảo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với rủi ro phá sản.

Theo quy định, định kỳ các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố báo cáo tài chính với 4 báo cáo chi tiết bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Trong đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp cho nhà đầu tư, cổ đông biết doanh nghiệp đã tạo ra tiền từ những nguồn nào và chi tiêu tiền cho những mục đích gì.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đi đâu về đâu, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể báo cáo lỗ do phát sinh các chi phí như khấu hao tài sản cố định, dự phòng. Trên thực tế, đây không phải là các chi phí bằng tiền mặt và có thể chỉ mang tính ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn có dòng tiền đáp ứng các nghĩa vụ chủ nợ, khách hàng, người lao động, hay mở rộng sản xuất.

Ngược lại, có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông.

Theo thói quen, nhiều nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ là bao nhiêu, tăng trưởng như thế nào, hay sâu hơn là cơ cấu tài chính, vay nợ nhiều hay ít, mà không quan tâm đến dòng tiền. Sau câu chuyện của VPH và đặc điểm chung của một loạt cổ phiếu hủy niêm yết trước đó, nhà đầu tư cần chú ý hơn đến báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cụ thể là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để có đánh giá chính xác về khả năng thanh toán cũng như có cái nhìn đầy đủ hơn về sức khỏe tài chính doanh nghiệp.

Theo Khắc Lâm/ĐTCK 

Có thể bạn quan tâm