CEO Công ty Thái Dương Lê Quang Thành: "Sự tồn tại của doanh nghiệp phụ thuộc vào sáng tạo sản phẩm"

Là nhà phân phối heo giống có quy mô lớn ở miền Bắc, tham vọng của ông Lê Quang Thành là đưa sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học của Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nướ
CEO Công ty Thái Dương Lê Quang Thành: "Sự tồn tại của doanh nghiệp phụ thuộc vào sáng tạo sản phẩm"

Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đã đầu tư 1.200 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại tự động, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi heo tại Nghệ An, trong đó có bộ phận nghiên cứu, sản xuất cao nấm men dành cho chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy này đang chăn nuôi đàn heo nái gần 6.000 con chỉ với 20 kỹ sư và được quản lý, kiểm soát từ trụ sở công ty tại Hà Nội.

* Ông có thể chia sẻ vì đâu Thái Dương ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi heo?

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nếu các nền kinh tế chủ yếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2050, GDP khu vực châu Á có thể chiếm 51% GDP toàn cầu và giúp khoảng 3 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo. Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers vừa đưa ra một số dự báo dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), theo đó, đến năm 2050 Việt Nam có thể đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Việt Nam đang cung cấp sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp thông thường cho nhiều nước. Nhưng tương lai phải là cung cấp sản phẩm nông nghiệp từ công nghệ sinh học. Vì thế, doanh nghiệp muốn phát triển phải phụ thuộc vào loại sản phẩm này. Hai mươi, ba mươi năm nữa, nhu cầu thực phẩm lớn hơn về số lượng và chất lượng cũng cao hơn.

Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện không cạnh tranh được với các nước xuất khẩu trên thế giới cả về giá lẫn chất lượng. Chính vì mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sinh học nên chúng tôi bắt đầu làm từ hôm nay. Chiến lược của công ty Thái Dương là sử dụng cao nấm men trong thức ăn, sử dụng chuồng trại và quản lý chăn nuôi, quản lý giống bằng công nghệ cao.

* Ông đã triển khai việc nuôi heo theo công nghệ cao như thế nào?

- Ba yếu tố cần giải quyết để tăng năng suất đàn heo là con giống tốt, thức ăn dinh dưỡng và chế độ chăm sóc tốt.
Về thức ăn, cao nấm men cung cấp đạm thay thế probiotic và prebiotic là những chất có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa, thay thế các chất chống nấm mốc và trung hòa độc tố nấm mốc, loại bỏ hoàn toàn kháng sinh trong thức ăn của vật nuôi, giảm mùi hôi chuồng trại và giảm giá thành 20 - 30%. Chúng tôi đã bước đầu dùng cao nấm men tại trang trại của công ty, dự kiến thương mại hóa vào cuối năm 2018.

Về sản xuất giống có năng suất cao, chúng tôi tập trung vào nguồn gene. Sản xuất giống phải loại trừ hoàn toàn sự cận huyết để không bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sinh trưởng của thế hệ heo tiếp theo và giá trị index cao (chỉ số thể hiện giá trị giống heo trên thế giới).

Hầu hết các công ty chăn nuôi ở Việt Nam đều nhập giống heo có nguồn gene chất lượng tốt ở Đan Mạch, Pháp, Mỹ, Canada... Thái Dương chọn mua 20% giống heo có giá trị index cao nhất tại Đan Mạch và Pháp, giúp heo của công ty có năng suất sinh sản bằng thế giới: 30 heo con/nái/năm. Giá nhập 60 triệu đồng/con heo giống cái, hơn 100 triệu đồng/con heo giống đực.

Chúng tôi dùng công nghệ Herdsman của Mỹ để chọn lọc giống nhập khẩu và lai tạo giống đạt năng suất cao. Công cụ quản lý này có thể lưu lại thông tin đến 20 năm sau. Truy xuất nguồn gốc hàm nghĩa quản lý theo chuỗi thời gian xa như vậy. Mỗi con heo có một chứng minh thư điện tử, chứ không phải đeo cho nó cái thẻ và truy xuất nguồn gốc chỉ tới trại.

Chúng tôi dùng công nghệ quản lý trang trại trực tuyến (farm online). Công nghệ này duy trì nhiệt độ làm mát cho heo từ 17 - 220C, tự động điều chỉnh về độ ẩm, nhiệt độ, tốc độ gió. Công nghệ giúp Thái Dương tăng năng suất chăn nuôi lên 20%. Công ty áp dụng công nghệ cao vào trang trại khoảng 3 - 4 năm nay, được học hỏi chủ yếu từ Đức và Đan Mạch và tham khảo mô hình của các nước khác.

* Theo ông, ứng dụng công nghệ cao có vai trò thế nào trong sản xuất nông nghiệp?

- Ngày nay, không thể sản xuất chỉ dựa vào con người vì có những khâu con người không thể làm được. Công nghệ rất quan trọng, không phải chỉ nhằm giảm chi phí. Điều đầu tiên của công nghệ cao là giúp tạo ra được sản phẩm phù hợp với yêu cầu và xử lý những vấn đề con người không làm được.

Ví dụ Thái Dương lập trình trên máy tính để từ đó tạo ra thức ăn gia súc có chất lượng cao. Nhưng nếu là con người, sản phẩm đầu ra sẽ phụ thuộc vào sức khỏe, cảm nhận trong sản xuất. Đó là lý do chúng tôi tập trung vào công nghệ. Nếu không đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì không thể dáp ứng nhu cầu về thực phẩm càng cao hơn và an toàn hơn.

Chẳng hạn như trước đây, yêu cầu miligram với các chất tồn dư không tốt cho sức khỏe, ngày nay các tiêu chuẩn ấy tính ở mức phần tỷ. Dưới mức đó là an toàn cho con người. Mỗi sản phẩm hiện nay đòi hỏi giống hệt nhau về chất lượng, màu sắc, mùi vị. Chỉ có công nghệ cao mới giải quyết được vấn đề đó.

* Ông tiếp cận ngành chăn nuôi tiên tiến của thế giới bằng cách nào?

- Thái Dương bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi từ năm 2007. Lúc ấy, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu, tôi muốn xây dựng lại công ty. Tôi suy nghĩ, nếu xây dựng lại thì công ty phải tiếp tục phát triển trong vòng 40 năm tới. Muốn vậy phải tạo ra sản phẩm gì để cạnh tranh được.

Hiện nay, chúng tôi đang ở bước đầu thực hiện mục tiêu dài hạn là sản xuất sản phẩm sinh học. Để phát triển bền vững không chỉ cần trụ được ở Việt Nam mà còn phải vươn ra thị trường thế giới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nền móng vững chắc để tự tin bước vào "sân chơi" toàn cầu.

Tôi đi thăm các nước có nền chăn nuôi phát triển, xem họ triển khai thế nào và đặt vấn đề với họ là tương lai ngành chăn nuôi tiến đi đâu. Những năm 1996 - 1997 đến năm 2004, năm nào tôi cũng có mặt tại Canada, Mỹ để tìm hiểu công nghệ chăn nuôi. Ngày đó, Chính phủ Mỹ thường có những chương trình hỗ trợ doanh nhân Việt Nam tham quan nông nghiệp nước họ.

Tôi còn tham gia các tour đến trường đại học ở Mỹ, thăm các trang trại chăn nuôi. Nhiều người thường chờ tài trợ mới đi. Mình phải tự bỏ tiền, vì biết là ngày mai mình sẽ có kiến thức, kỹ năng. Quan điểm của tôi là muốn học cái gì cứ đến đúng nơi tốt nhất để học.

Lần đầu tiên sang nước ngoài học, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được vì cơ sở vật chất yếu. Nhưng qua thời gian, Việt Nam đi sau nên chúng ta có thể sử dụng công nghệ tối tân hơn. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần có tiền, còn công nghệ thế giới đã có rồi.

Trong kinh doanh, nếu làm giống người khác thì không nên vì không cạnh tranh lại họ. Ví dụ ngành sản xuất thức ăn gia súc của Việt Nam trị giá tới 10 tỷ USD nhưng lại phải nhập khẩu nguyên liệu rất lớn, từ ngô, đậu nành đến chất khoáng. Hàng rào thuế quan của mình mở, sản phẩm của các công ty nước ngoài đạt tiêu chuẩn rất cao vào cạnh tranh. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đứng trước thách thức rất lớn.

* Nhưng để thay đổi cách làm vốn đã trở thành truyền thống quả là không dễ...

- Chắc chắn 100 năm sau Việt Nam vẫn là nước nghèo và lạc hậu, nếu vẫn làm ăn theo nếp cũ. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Thách thức là chúng ta thiếu rất nhiều điều kiện nhưng là cơ hội để làm mới ngay từ đầu, thay công nghệ mới, cách làm, tiêu chuẩn mới. Tôi tin sản phẩm công nghệ sinh học sẽ tồn tại mãi vì an toàn. Cần tăng cường thực phẩm từ công nghệ sinh học có thêm các chức năng chống bệnh tật và chống những điều kiện bất lợi khác.

Thế giới đã ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng rất cao. Sản phẩm của Thái Dương là quá trình lên men từ ngũ cốc sẵn có chứ không nhập khẩu vì nhập khẩu sẽ không có giá trị thặng dư. Thái Dương đã thử nghiệm sản xuất công nghệ sinh học tạo ra sinh khối protein nhân lên nhanh chóng trong các bể.

Một mét khối sinh khối lên men có thể bằng lượng đậu nành trồng trên 300 hécta. Phát triển công nghệ sinh học cho phép Thái Dương sử dụng đa dạng nguồn nguyên liệu để tạo ra thực phẩm bằng lên men cho con người, con vật. Chúng tôi vừa làm việc với một công ty trong ngành ở Bỉ để xuất khẩu cao nấm men với giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm của họ.

Phát triển công nghệ và công nghệ sinh học cho phép sử dụng đa dạng nguồn nguyên liệu hiện có. Thậm chí sau này không cần trồng ngô, trồng lúa mà chỉ trồng rau, trồng cỏ vẫn tạo ra thực phẩm rất tốt bằng phương pháp lên men. Chúng tôi đã có kế hoạch sản xuất thực phẩm sạch cho động vật và đang tìm đối tác vì một mình mình làm không được. Đó là những người muốn làm thực phẩm sạch và kinh doanh theo hướng cả hai cùng thắng.

* Ông định nghĩa như thế nào về công nghệ cao trong chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay?

- Không ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp trông có vẻ hoành tráng nhưng thực chất là áp dụng công nghệ cũ của thế giới. Công nghệ cao nghĩa là phải cao hơn công nghệ hiện tại trong lĩnh vực đó. Ví dụ công nghệ chăn nuôi của Thái Dương ở châu Âu chỉ có 10 đến 20% doanh nghiệp áp dụng. Top 20% của thế giới hoặc top 10% thế giới thì mới gọi là công nghệ cao. Còn lại thì không có gì mới.

Để áp dụng được công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, những ông bà chủ công ty phải có tri thức. Mà tri thức là sự tổng hợp của kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong một lĩnh vực nào đó. Muốn có tri thức thì ít nhất phải có 10 năm trong nghề. Có kiến thức thì mới nhận thức được, mới biết tại sao cần có giáo sư chuyên ngành này, chuyên ngành kia để làm hoặc biết họ có làm đúng hay không.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm