CEO Lê Thị Kim Thư: Mong lụa Hà Đông sớm “tung bay” trong nắng gió trời Tây

Không chỉ mong lụa Hà Đông hiện diện trên mọi miền Tổ quốc, bà Lê Thị Kim Thư - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc còn mong mỏi những tấm lụa quê mình sớm được “tung bay” trong nắng gió
CEO Lê Thị Kim Thư: Mong lụa Hà Đông sớm “tung bay” trong nắng gió trời Tây

CEO Lê Thị Kim Thư - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc

Làng lụa Hà Đông còn được gọi là làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm, từng được công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng lụa Hà Đông vẫn giữ trong mình nét đẹp của một làng nghề truyền thống.

Bà có thể cho biết cơ duyên thành lập nên Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc?

Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc được ra đời vào năm 2014 theo đề án số 02 của UBND quận Hà Đông và nhiệm vụ số 73 của UBND phường Vạn Phúc. Với nhiệm vụ then chốt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển làng nghề, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương khi cho chúng tôi thuê ngôi nhà 5 gian đúng theo ngôi nhà cổ của Đồng bằng Bắc Bộ để trưng bày và bán sản phẩm.

Ngôi nhà 5 gian trưng bày sản phẩm

Ngoài sự hỗ trợ đó, chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà xưởng và toàn bộ máy móc để phục vụ cho việc sản xuất ra một tấm lụa, giúp du khách dễ dàng hình dung về nghề của ông cha ta trong quá khứ cũng như sự khó khăn, vất vả của nghề, từ đó giúp họ hiểu hơn giá trị của một tấm lụa…

Mặc dù lụa Hà Đông đã nổi tiếng trong nước tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn chưa biết cách phân biệt đâu là lụa sản xuất tại Vạn Phúc và đâu là lụa được sản xuất từ nhiều nơi khác, chưa kể lụa Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Làm thế nào để phân biệt, thưa bà?

Để khách hàng có thể dễ dàng phân biệt lụa Vạn Phúc với các mặt hàng được sản xuất từ nơi khác, trên mỗi sản phẩm lụa Vạn Phúc chúng tôi đều minh bạch rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm cũng như giá cả. Đặc biệt là minh bạch rõ thành phần nguyên liệu như sợi dọc là gì, sợi ngang là gì…

Khách hàng cũng có thể phân biệt được lụa thật so với các loại lụa khác thông qua cách check hoa văn, phân biệt qua màu sắc, khổ vải…Tuy nhiên cách đơn giản mà dễ nhất chính là người tiêu dùng có thể thử đốt cháy trên lửa.

Khung cửi dệt vải 

Khi đốt lụa tơ tằm thật sẽ có mùi khét như tóc, không cháy thành ngọn lửa, sau khi cháy hết sẽ thành muội than, dùng tay xoa sẽ tan ra và không vón cục. Bởi vì tơ cũng như tóc, được kết tinh từ protein.

Còn nếu dùng lửa mà vải vẫn cháy đen và dẻo quẹo, không tạo muội than thì đó ắt hẳn là hàng Trung Quốc hoặc hàng pha sợi cotton, nilon với tỷ lệ lớn.

Là một người có thâm niên trong nghề, theo bà để gìn giữ cũng như phát triển làng nghề hơn nữa thì cần phải khắc phục điểm gì còn tồn tại?

Vinh dự cho làng lụa Vạn Phúc của chúng tôi khi đầu 2014, tổ chức kỷ lục Guinness đã công nhận làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất và còn duy trì cho đến thời điểm hiện nay. Trong suốt hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, nghề dệt tại làng lụa Vạn Phúc của chúng tôi chưa bao giờ gián đoạn, tiếng thoi vẫn hàng ngày đều đặn vang lên trên mảnh đất này. Nhưng để Vạn Phúc thực sự trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề hấp dẫn, đáng tin cậy, tôi hy vọng trong tương lai những người làm nghề thật sự yêu nghề ở Vạn Phúc sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.

Trên mỗi tấm vải đều minh bạch rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả...

Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có sự quan tâm, hỗ trợ, chúng tôi trong việc đào tạo tầng lớp kế cận bởi hiện nay, lớp trẻ không mặn mà với nghề truyền thống của ông cha ta để lại. Điểm mấu chốt đó là phải làm sao để lớp trẻ thấy được khi quay lại với nghề của ông cha thì thu nhập của họ sẽ tốt hơn so với đi làm ở các nghề khác.

Có nghĩa là so với các ngành nghề khác thì hiện nay, nghề dệt lụa tại Vạn Phúc vẫn chưa có sức hút đối với các bạn trẻ bởi thu nhập thấp?

Đúng vậy. Vừa có thu nhập thấp lại vừa vất vả thế nên không mấy ai muốn theo nghề. Thời chúng tôi còn bé toàn bị bố mẹ, ông bà doạ rằng, nếu không chịu học sẽ cho ở nhà dệt cửi. Thế nên chúng tôi phải cố gắng học để thoát khỏi cái nghề vất vả này (cười).

Vậy sao bà lại quay lại nghề khi thấy nó vất vả?

Sau gần 20 năm bỏ nghề truyền thống, gần 40 tuổi tôi mới quay lại với nghề với lý do hết sức tự nhiên. Tôi là con gái của làng nghề, nhà lại ngay đầu làng, thế nên khách xa thường xuyên ghé nhà tôi hỏi thăm đường đi đến nơi bán lụa thật và đẹp của Vạn Phúc. Chính vì thế nên tôi nghĩ rằng tại sao mình lại không tạo ra một địa điểm uy tín, tin cậy để cho khách hàng có thể đến và yên tâm mua những mảnh lụa chất lượng nhất. Do đó tôi đã mở một cửa hàng kinh doanh kết hợp với sản xuất lụa. Tôi đã kết hợp với bà con trong làng và đặt hàng và yêu cầu họ dệt theo những tiêu chuẩn đảm bảo và bao tiêu sản phẩm cho họ. 

CEO Lê Thị Kim Thư: Mong lụa Hà Đông sớm “tung bay” trong nắng gió trời Tây ảnh 4

Các sản phẩm được trình bày khá đẹp mắt

Công ty đã có dự định cho việc để lụa Vạn Phúc có thể “tung bay” ở trời Tây trong thời gian tới?

Thú thực việc giới thiệu và đưa sản phẩm lụa Vạn Phúc ra thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi chúng tôi vẫn chưa tìm được các đối tác mà họ thực sự có khả năng cho việc này. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những khách hàng, những đối tác tiềm năng và hy vọng, trong thời gian không xa lụa Vạn Phúc có thể “tung bay” trong nắng gió của trời Tây. 

Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm