CEO Lê Thị Phương Giang: “Cô hàng xén” tay ngang khởi nghiệp

“Cách đây 5 năm, khởi nghiệp bằng việc bán vé máy bay như một nghề tay trái, tôi cũng không nghĩ mình lại đi xa, dấn thân sâu vào thương trường đến vậy…”, chị Lê Thị Phương Giang, Giám đốc Công ty TNH
CEO Lê Thị Phương Giang: “Cô hàng xén” tay ngang khởi nghiệp

CEO Lê Thị Phương Giang: “Mục tiêu của tôi không phải trở thành số 1, mà quan trọng là mình tìm ra con đường để có thể bứt phá được”

Tôi chọn con đường để bứt phá

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với Tạp chí Thương Gia. Nhiều năm qua, bạn bè luôn rất tò mò, thích thú về những chuyến đi vòng quanh thế giới mà chị chia sẻ. Trong khi đó, chị vẫn có thể điều hành và liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh. Cơ duyên nào đưa chị đến với công việc bán vé máy bay, đồ lưu niệm…?

Du lịch là niềm yêu thích từ nhỏ của tôi, cũng là cách tôi xả stress nhưng có lẽ là cái “nghiệp” gắn bó với công việc và cuộc sống của tôi.

Kinh doanh đối với tôi thực sự là một cơ duyên. Nhà tôi có 1 cửa hàng tạp hóa do mẹ tôi làm chủ, từ nhỏ tôi đã thấy mẹ rất vất vả, không có ngày nghỉ, kể cả lễ Tết. Hồi đó, tôi chỉ muốn lớn lên sẽ làm công chức như bố để có thời gian cho bản thân, gia đình. Nghĩ thế nên tôi nhất định không thi đại học ngành kinh tế để không trở thành “cô hàng xén” như mẹ. Tôi chọn học Báo chí, vừa học vừa chăm chỉ đi làm thêm, gắn bó với công việc truyền hình gần 4 năm.

 Chị từng có ước mơ giản dị là trở thành phóng viên và đã có 4 năm gắn bó với công việc ở Đài truyền hình Việt Nam. Đối với nhiều cô gái trẻ, đó đã là một sự lựa chọn ổn định tuy nhiên chị lại bỏ ngang, chọn đi du học và trở về phát triển kinh doanh riêng ở lĩnh vực du lịch. Năm 2016, CEO Lê Thị Phương Giang được Tạp chí Forbes vinh danh một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi thành công của Việt Nam.

Những tưởng yên ổn, nhưng rồi tôi lại muốn có sự thay đổi. Tôi quyết định đi du học để có cơ hội khám phá thế giới và tiếp nhận thêm cách tư duy mới, học cách sống, cách nghĩ của con người ở nước phát triển…

Trở về Việt Nam năm 2012, tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng việc mở đại lý vé máy bay với mục tiêu lập ra một trang website đặt vé, đặt phòng trực tuyến giá rẻ như các trang lớn ở nước ngoài. Mong muốn là vậy mà giờ vẫn chưa làm được. Hiện công ty của tôi dù đã trở thành một trong các đại lý vé máy bay lớn tại Việt Nam, song vẫn chủ yếu bán vé theo cách truyền thống thôi.

Với tấm bằng du học nước ngoài, chị dễ dàng xin vào công ty lớn làm việc, sao chị lại chọn con đường tự kinh doanh, khác hẳn với mong muốn an phận thuở nhỏ?

Tôi rẽ sang kinh doanh thực sự là một bước ngoặt lớn trong đời. Khi còn là cô sinh viên Học viên báo chí & tuyên truyền, tôi đã chăm chỉ đi làm ở VTV và luôn nghĩ sau khi ra trường sẽ gắn bó mãi với nơi này. Du học trở về, tôi cũng dự kiến sẽ vừa làm cơ quan vừa kiếm thêm thu nhập bằng cách bán vé máy bay. Bắt tay làm mới thấy khó khăn và tôi nhận ra rằng “Mình không thể làm tốt việc gì nếu không dành toàn tâm toàn ý cho nó!” Tôi buộc phải dồn hết tâm sức vào phát triển công ty riêng.

Hà Nội là mảnh đất “ươm mầm” kinh doanh, vậy lý do gì khiến chị dịch chuyển vào Đà Nẵng khởi nghiệp và ngã rẽ nào đưa chị đến với nghề “hàng xén” ?

Bán vé máy bay không đơn giản như tôi nghĩ – đặc biệt là ở thị trường có quá nhiều “ông lớn” như Hà Nội. Tôi phải tìm con đường đi cho riêng mình nếu không muốn bị chết chìm. Do đó, tôi đã chọn thị trường miền Trung lúc bấy giờ còn non trẻ, cơ hội còn nhiều với những người mới vào nghề như tôi. Cho tới giờ, đây là một trong những quyết định sáng suốt của tôi vì mảnh đất Đà Nẵng đã mở ra cho tôi thêm một cơ duyên đến với cái nghề làm nên thành công ngày hôm nay của tôi.

 "Tôi rẽ ngang vào kinh doanh là bước ngoặt lớn trong cuộc đời"

Cuối năm 2012, Bà Nà Hills có chủ trương xã hội hóa một số hoạt động của khu du lịch. Dù chưa kinh doanh đồ lưu niệm, nhưng đi du lịch nhiều, tôi rất hiểu sẽ làm đồ lưu niệm như thế nào để du khách thích thú. Chúng ta phải bán cái du khách cần chứ không phải cái chúng ta có. Tôi thuyết phục chủ đầu tư như vậy và cơ hội đã đến với tôi.

 Chọn thị trường “ngách”, làm cái người khác chưa làm

Chị chưa có kinh nghiệm làm đồ lưu niệm, nhưng chỉ một thời gian ngắn, thương hiệu đồ lưu niệm Chamstone của chị được nhiều người biết đến. Chị đã phát triển kinh doanh mảng này như thế nào?

Cuối năm 2012 khi bắt tay làm đồ lưu niệm, tôi đã đi một vòng khắp cả nước để tìm hiểu về sản phẩm, thị trường đồ lưu niệm Việt Nam. Ngành đồ lưu niệm lúc đó vẫn manh mún, nhỏ lẻ và quá khác với thế giới, chủ yếu bán cái mình có chứ không phải cái du khách cần. Với kinh nghiệm của người đi du lịch nhiều, tôi đã chọn làm khác với cách ở Việt Nam đang có, nhưng giống với cách thế giới vẫn làm..

Tôi tập trung mạnh đầu tư cho khâu thiết kế, bởi sự sống còn của một công ty ngành “souvenir” chính là đội ngũ thiết kế. Những mặt hàng tôi đang kinh doanh không phải nhu yếu phẩm, nếu đẹp thì khách hàng mới nảy sinh nhu cầu mua nên sự sáng tạo và đẹp mắt trong sản phẩm là điều kiện tiên quyết.

Chiến lược kinh doanh của tôi là định vị nguồn khách hàng đại trà, sản phẩm làm ra ai cũng có thể mua được nên giá thành phải phù hợp với túi tiền của số đông du khách. Để làm được như vậy, tôi cần sản xuất ở quy mô rất lớn để hạ giá thành sản phẩm. Sau đó cần có thị trường tiêu thụ rộng lớn và điểm này tôi đang có lợi thế khi phát triển được hệ thống cửa hàng tại các điểm đến nổi tiếng như: Bà Nà Hills 2 triệu lượt khách/năm; Dinh Độc Lập Hay cáp treo Fansipan hơn 1 triệu lượt khách/năm….

Hệ thống cửa hàng Chamstone Souvenir luôn xuất hiện với các dự án lớn của SunGroup (như Khu du lịch Bà Nà Hills, cáp treo Fansipan, Công viên Sun World Hạ Long, Công viên Châu Á ở Đà Nẵng), hay Hội Trường Thống nhất… ở vị thế độc quyền. Vậy phải chăng thành công của chị là ở yếu tố “độc quyền” nữa?

Một người bạn đã nói với tôi: “Nếu em không tự tin về khả năng cạnh tranh của mình thì nên đi theo hướng độc quyền”. Ở đây, độc quyền cần hiểu là đi theo con đường mà người khác không đi. Thực tế ở Việt Nam ngành souvenir đến giờ cũng chỉ có một mình tôi phát triển ở quy mô lớn nên bỗng dưng lại thành độc quyền như vậy (cười).

Quan điểm của tôi là chọn đi vào thị trường “ngách” để thành công, nên tôi không mở cửa hàng tràn lan khắp nơi, mà chỉ tập trung vào các khu du lịch lớn với lượng du khách trên 1 triệu lượt mỗi năm.

Còn về mặt hàng, với hơn 5.000 mặt hàng tại hơn 60 cửa hàng trên toàn quốc và vẫn không ngừng mở rộng thì công ty tôi có thể đáp ứng mọi nhu cầu đồ lưu niệm, quà tặng cho khách hàng.

Hiện nay, giới trẻ khởi nghiệp luôn gặp thách thức về gọi vốn đầu tư kinh doanh. Chị có thể chia sẻ cách nào để tạo ra dòng tiền chủ động và sử dụng vốn hiệu quả?

Ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã phải “mượn” căn nhà bố mẹ đang ở để làm bảo lãnh thư tại ngân hàng. Tôi thấy mình rất may mắn khi bố mẹ đã ủng hộ và tin tưởng cho mượn tài sản kinh doanh. Lúc đó, bố tôi nói: “Con làm thế nào thì làm, đừng để bố mẹ mất nhà phải ra đường. Bố mẹ đã lo cho con học hành xong, nhưng còn phải tiếp tục lo cho em gái nhỏ…” Tôi luôn cảm ơn bố mẹ và câu nói của bố đã trở thành động lực để tôi cố gắng và luôn thận trọng trong các quyết định kinh doanh.

Khi người trẻ khởi nghiệp có nhiều cách khác nhau để huy động vốn nhưng mấu chốt vẫn là phải thuyết phục “người có tiền” tin tưởng mình, rằng giải pháp kinh doanh của mình là hiệu quả. Với tôi, tôi không kêu gọi vốn từ nhà đầu tư hay bạn bè chung vốn, mà thời gian đầu, tôi cũng mượn tài sản của gia đình để thế chấp vay ngân hàng. Sau này công ty hoạt động có dòng tiền ra vào ổn định, có hiệu quả thì sẽ là tín chấp để ngân hàng tiếp tục cho vay vốn. Việc vay ngân hàng sẽ càng tạo áp lực để mình cố gắng làm trả nợ, không để xảy ra sai sót.

Tôi hay nói đùa với bạn bè, trong kinh doanh nếu mình vay 10 tỷ đồng thì mình vẫn còn phải cố gắng rất nhiều. Khi mình đủ uy tín để vay được 100 tỷ từ ngân hàng thì mình đã khởi nghiệp thành công. Bao giờ vay được đến 1.000 tỷ đồng thì lúc đó mình thành đại gia rồi (Cười).

CEO Lê Thị Phương Giang được tạp chí Forbes vinh danh một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi thành công của Việt Nam

Sau 5 năm khởi nghiệp, công ty cũng vượt ngưỡng doanh thu vài trăm tỷ mỗi năm, chị đúc rút được bài học gì cho một chặng đường kinh doanh vừa qua?

Cách đây 5 năm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có ngày hôm nay. Tôi luôn tâm niệm, hãy cố gắng làm tốt nhất những việc mình có cơ hội được làm. Không chắc mình làm gì cũng thành công nhưng sự cố gắng sẽ cho mình rất nhiều bài học và có thành quả nhất định. Góp nhặt những cơ hội nhỏ sẽ mở ra cánh cửa lớn. Khi khởi nghiệp đừng quá tham vọng viển vông, hãy làm lựa theo sức của mình thôi.

Hiện giờ, tôi phát triển thêm các lĩnh vực như: Spa, thực phẩm, dược… nhưng vẫn cùng mảng du lịch để bổ trợ lẫn nhau. Với tôi, quan trọng là xây nền móng vững chắc rồi mới mở rộng quy mô phát triển thì sẽ thấy không quá khó thực hiện.

Tôi là tay ngang đi làm kinh doanh, mọi người nhìn qua đều thấy tôi may mắn nhưng ít ai hiểu hết những khó khăn mà tôi đã phải trải qua. Trong 5 năm khởi nghiệp, những khó khăn, vấp ngã tôi nếm trải không phải là ít, thiệt hại cũng tính bằng nhiều tỷ đồng. Mỗi vấp váp trong kinh doanh được coi là một bài học nhưng chắc không ai muốn học nhiều quá đâu.

Công việc khiến chị dịch chuyển nhiều, hối hả quá, vậy Tết này “cô hàng xén” có nên sống chậm lại…?

Chamstone Souvenir mở cửa quanh năm, không có ngày nghỉ. Khi khách hàng của mình đi nghỉ lễ thì chính là lúc người làm nghề dịch vụ bận rộn nhất. Tết này, 200 nhân viên phục vụ bán hàng Chamstoner vẫn đi làm liên tục. Tôi thực sự rất thương và vô cùng cảm ơn những cộng sự của mình đã luôn mẫn cán, hi sinh niềm vui riêng để phục vụ du khách tốt nhất.

Mỗi bước đường đến thành công, tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn khi quy tụ được những cá nhân tài năng, tâm huyết và gắn bó với công ty để hiện thực hoá những ý tưởng kinh doanh mới!

Xin cảm ơn và chúc chị thành công hơn nữa!

Thực hiện:

Bài viết: Thu Hằng

Sản xuất: Thuỵ Hải - Photo: BS Nguyễn

Stylist: Diệu Hằng - Makeup: Thái Anh

Có thể bạn quan tâm