CEO Nguyễn Thị Vân Anh: Phải tạo giá trị thực thụ cho cộng đồng

Bằng chất giọng nhẹ nhàng tạo cảm giác gần gũi, Nguyễn Thị Vân Anh, “khối óc” của Công ty Nệm Kim Cương chia sẻ các thách thức cũng như những điều cốt lõi đúc kết từ hành trình đưa doanh nghiệp vươn l
CEO Nguyễn Thị Vân Anh: Phải tạo giá trị thực thụ cho cộng đồng

Tự nhận mình thuộc mẫu phụ nữ truyền thống, nữ doanh nhân duyên dáng này chọn theo đuổi giá trị mang đến cuộc sống cân bằng hơn thành công rực rỡ trên thương trường.

Đứng ở vị trí Giám đốc Điều hành công ty gia đình, những lợi thế nào đã chắp cánh cho chị đến thành công như ngày nay? Và bất lợi nào chị đã từng đối mặt?

Xuất phát từ công ty gia đình có quy mô vừa và nhỏ, Nệm Kim Cương là một công ty con mới ra mắt từ 7 năm nay. Tôi đã theo nó từ những ngày đầu đến tận giờ. Và cũng vì điều hành công ty, tôi chuyển từ Hải Phòng vào hẳn TP.HCM. Trước giờ công ty của gia đình tôi vốn chỉ phát triển những dòng sản phẩm nệm thiên về đối tượng khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.

Song, cùng với sự phát triển ngày càng lớn của thương hiệu và cả nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Nệm Kim Cương ra đời như một thương hiệu chuyên biệt, tập trung phát triển dòng nệm cao cấp làm từ cao su thiên nhiên. Mặt hàng này hoàn toàn khác hẳn so với những kinh nghiệm mấy mươi năm mà gia đình tôi tích lũy nên trong quá trình gầy dựng, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Từ quy trình sản xuất cho đến hệ thống điều hành, hầu như tất cả đều được gây dựng mới.

Song nhờ vào sự chung tay của nhiều thành viên trong gia đình, cũng như tận dụng dữ liệu và kinh nghiệm của các bậc tiền bối nên sau 3 năm thành lập, thương hiệu cũng được thị trường chấp nhận và có những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Từ công nghệ cho đến chất lượng của sản phẩm đều được đầu tư, đặc biệt thời gian bảo hành của chúng tôi khi đó là lâu nhất so với các nhãn hàng tương tự. Thành công này là một ví dụ điển hình minh chứng về lợi thế lớn nhất của một công ty gia đình: bạn có kinh nghiệm tích lũy từ các thế hệ, sự hỗ trợ nhiệt tình của những người thân trong đại gia đình.

Trong quá khứ tôi nhận thấy cũng có nhiều thời khắc khó khăn, nhưng chính nhờ sự đồng lòng của các thành viên mà công ty mới có thể vững mạnh và phát triển như ngày nay. Sự kết nối này có thể xem như một yếu tố cốt lõi của chúng tôi. Còn nếu nói về bất lợi, tôi nghĩ rằng trong công việc, khi phải làm việc cùng những bậc cô chú, ít nhiều sẽ có sự kiêng nể. Song khi thay đổi cách quản lý dựa trên hiệu quả, giao trọn trách nhiệm thì tôi thấy công việc trôi chảy và dễ dàng hơn nhiều.

Theo chị, những thách thức nào sẽ gây khó dễ cho các công ty quy mô vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay?

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, các chính sách mở cửa sẽ đưa thêm nhiều dòng sản phẩm ngoại quốc gia nhập sân chơi dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng. Hiện nay, điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chính là hệ thống điều hành không bài bản như các công ty nước ngoài. Chỉ riêng việc quản trị chất lượng sản phẩm đầu ra cũng đã khó có thể sánh bằng.

Nguồn nhân sự, trình độ nói chung cũng có khoảng cách đáng kể. Không chỉ thế, doanh nghiệp ngoại quốc biết tận dụng nhiều ứng dụng, công nghệ giúp cho các quy trình nhẹ nhàng hơn, đạt hiệu quả tối ưu với mức chi phí hợp lý, đó là điều mà chúng ta chưa theo kịp.

Và cuối cùng, sự phát triển của các kênh truyền thông một mặt giúp cho thông tin dễ dàng đến tay người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng cho họ quá nhiều lựa chọn. Vì thế, phát triển một dòng sản phẩm phù hợp, linh động và khác biệt không phải là điều dễ dàng. Đấy là chúng ta còn chưa bàn đến bản chất hoạt động của các công ty sản xuất lại còn phức tạp về vận hành hơn các doanh nghiệp thuần về thương mại

Vậy thì giải pháp của chị dành cho doanh nghiệp mình quản lý?

Tôi tin việc cập nhật những công nghệ và ứng dụng mới trong xây dựng hệ thống điều hành bài bản sẽ mang đến nhiều lợi ích. Ví như áp dụng ứng dụng quản lý điều hành nguồn lực doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ đưa ra các quyết định đúng đắn phù hợp với tình hình thị trường hơn là dùng các công cụ phân tích thủ công. Ngoài ra, sản phẩm phải tạo được giá trị thực thụ cho cộng đồng.

Tôi có cảm nhận chị rất gắn bó với ngành nghề và công ty của mình. Kinh doanh có phải là đam mê từ bao lâu nay chị vẫn theo đuổi?

Thật ra ngày trước tôi không mê kinh doanh nhiều như bây giờ. Tôi vốn yêu nghệ thuật và muốn theo đuổi lĩnh vực du lịch nhiều hơn. Nhưng mà, nghề chọn người bạn ạ. (Cười). Và tôi là mẫu phụ nữ khá truyền thống nên gia đình luôn có một vị trí quan trọng. Thế nên tôi chọn đảm đương công việc vì trách nhiệm. Nhưng theo thời gian, càng làm tôi lại càng yêu thích hơn.

Cũng từ đó, tôi học cách kết hợp với những thế mạnh mình vốn có đồng thời nhìn thấy trong ngành cũng có chỗ cho đam mê của tôi tồn tại. Công việc hiện tại đem đến cho tôi nhiều cơ hội gặp gỡ những CEO, lãnh đạo giỏi trong các lĩnh vực khác. Càng trò chuyện với họ, tôi càng học hỏi nhanh, lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm về việc hòa nhập với các doanh nghiệp quốc tế. Từ đó, tôi đặt mục tiêu cao hơn và thấy bản thân có thêm nguồn động lực phấn đấu mỗi ngày. Phát triển sự nghiệp gia đình tự lúc nào trở thành sứ mệnh của chính tôi.

Vậy còn nguồn hạnh phúc rất riêng cho chị thì sao?

Dù trải qua một lần đổ vỡ song tôi vẫn tin và hướng đến một hạnh phúc trọn vẹn và cuộc sống cân bằng. Cũng có những lúc tôi trải qua khoảng thời gian “gồng mình”, muốn thể hiện năng lực, rằng mình có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình mà không cần ai bên cạnh. Nhưng rồi quãng thời gian ấy mau qua bởi tôi vốn tin rằng phụ nữ cần sự nhẹ nhàng, cân bằng hơn cả. Nữ doanh nhân khó mà duy trì sự mạnh mẽ mãi được. Nếu có một người bạn đời hoặc người yêu thương thấu hiểu để mình có thể chia sẻ thì không còn gì may mắn bằng.

Một triết lý hoặc châm ngôn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất với chị đến tận ngày nay?

Đó là “give and gain”, có nghĩa là “cho đi tức là nhận lại”. Càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy câu nói ấy thực sự đúng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc tạo ra các sản phẩm chất lượng không còn là điều khó. Chỉ khi có thể mang đến giá trị cho cộng đồng thì sản phẩm hoặc bất cứ điều gì bạn làm mới có thể ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng và tồn tại được.

Bài: Di Di, Creative Director: Hiepleduc

Photo: Hoàng Vũ, Makeup: BEO

Có thể bạn quan tâm