CEO Sài Gòn Food Nguyễn Quang Tường: Đến vì công việc, ở vì tình yêu

Học ngành thủy sản rồi làm ở vài công ty chuyên xuất nhập khẩu thủy sản trước khi về Sài Gòn Food, CEO Nguyễn Quang Tường gắn cả tuổi xuân với Sài Gòn Food vì đã lỡ... yêu nơi này.
CEO Sài Gòn Food Nguyễn Quang Tường: Đến vì công việc, ở vì tình yêu

Chính tình yêu đối với "cậu bé Sài Gòn Food" của ngày mới chập chững những bước đầu tiên trong thị trường thực phẩm đông lạnh đã giữ chân người đàn ông gốc Huế này. Ông cùng cộng sự và công nhân viên xem đây là nhà, là cuộc sống của chính mình bởi đã đến với nhau vì công việc và ở lại vì tình yêu thương.

* Được xem là một trong những doanh nghiệp thực phẩm đông lạnh hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, dường như Sài Gòn Food đã trải qua chặng đường không nói là không vất vả?

Mười lăm năm là hành trình vừa đủ để một công ty khẳng định uy tín được xây dựng trên thực lực và niềm đam mê của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên. Vì thế, Sài Gòn Food từng bước vượt qua những thách thức của thị trường để trụ vững và phát triển như ngày hôm nay.

Với tôi, Sài Gòn Food đã "lột xác" ngoạn mục với một lần đổi tên, bốn lần thay logo và nhiều lần tái cấu trúc bộ máy nhân sự cho phù hợp với thời cuộc. Hạnh phúc là những lần "lột xác" ấy, Sài Gòn Food luôn thành công bởi sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ và sự cố vấn của những doanh nhân tài năng như chị Cao Thị Ngọc Dung - CEO PNJ, anh Phan Quốc Công - người khai sinh nhãn hiệu dầu gội X-Men.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, tôi cảm thấy tự hào bởi sự lớn mạnh vượt bậc của "ngôi nhà chung" Sài Gòn Food. Từ một công ty với vỏn vẹn 11 người ngày đầu thành lập, đến nay Sài Gòn Food đã sở hữu bốn nhà máy với công suất 12.000 tấn thành phẩm/năm cùng đội ngũ công nhân viên hơn 2.000 người.

Từ vài mặt hàng thủy hải sản đông lạnh, đến nay Sài Gòn Food có hơn 20 dòng sản phẩm với hàng trăm loại được tiêu thụ trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã được tiếng vang vì tiên phong khai phá và dẫn đầu thị trường, như lẩu đông lạnh có gói nước dùng, cháo tươi...

Những thành quả ấy không chỉ được công nhận qua các giải thưởng như Top 100 Doanh nghiệp thương hiệu Việt tiêu biểu, giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ Công Thương, Thương hiệu Vàng thực phẩm Việt Nam của Bộ Y tế, Doanh nghiệp - Sản phẩm tiêu biểu TP.HCM, Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn nhiều năm liền, mà còn là sự tin tưởng của người tiêu dùng, của đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là đối tác Nhật Bản - khách hàng khó tính nhất thế giới.

* Với những thành tích như vậy, ông còn muốn thay đổi điều gì nữa không?

- Điều lớn nhất và quý giá nhất của Sài Gòn Food là con người. Sau rất nhiều thay đổi, chúng tôi vẫn không mất lòng tin vào nhau và vào Công ty. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thị trường xuất khẩu của chúng tôi đóng băng, bạn hàng Nhật không lấy hàng, doanh thu giảm đến hơn 50%. Không thể vay ngân hàng, để tồn tại chúng tôi phải huy động vốn từ các cổ đông.

Không còn đơn hàng xuất khẩu, Sài Gòn Food chuyển sang làm gia công cho doanh nghiệp Nhật Bản và phát triển thị trường nội địa cùng với việc tái cấu trúc Công ty. Chuyển đổi thị trường đúng hướng nên trong thời điểm khó khăn đó, anh em trong Công ty đã đồng lòng vượt qua.

Và không chỉ lãnh đạo, nhiều công nhân đã chọn Sài Gòn Food làm nơi gắn bó cả đời. Với họ, Sài Gòn Food là nhà, là cuộc sống. Chúng tôi đến với nhau vì công việc nhưng ở lại với nhau vì tình yêu thương. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi 5C (cam kết, chia sẻ, chân tình, cải tiến, chuyên nghiệp) mà Công ty dày công xây dựng.

Trên con đường phát triển, để phù hợp với nhu cầu thị trường, Sài Gòn Food có thể thay đổi từ công nghệ, sản phẩm đến tầm nhìn, thậm chí thay đổi cả người điều hành nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là giá trị cốt lõi 5C. Có thể xem đó là sự khác biệt, sự độc đáo của thương hiệu Sài Gòn Food mà chúng tôi luôn gìn giữ.

* Đó có phải là điều đã giữ chân ông ở Sài Gòn Food 15 năm qua?

Tôi yêu Sài Gòn Food từ khi "cậu ấy" chỉ là một đứa bé chập chững bước những bước đầu tiên, cho đến hôm nay đã tròn 15 tuổi. Chúng tôi là những người đã vun đắp, chăm sóc và định hướng cho "tình yêu của mình" ngày một trưởng thành và đơm hoa kết trái. Khi "cậu ngã” thì tôi đau và khi "cậu trưởng thành" thì tôi vui. Sài Gòn Food đối với tôi là như thế!

* Sài Gòn Food còn những thế mạnh nào khác, thưa ông?

Thế mạnh của Sài Gòn Food là sự sáng tạo và không ngừng học hỏi. Thị trường xuất khẩu và nội địa của chúng tôi đang hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Còn nhớ những năm 2008 - 2010 khi khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, xuất khẩu không có đầu ra, nếu không sáng tạo và chuyển hướng tập trung vào thị trường trong nước song song với việc gia công xuất khẩu, Sài Gòn Food khó đứng vững đến hôm nay. Nhờ gia công xuất khẩu mà chúng tôi được tiếp cận với công nghệ mới để từ đó phát triển nhiều sản phẩm mới phục vụ thị trường nội địa, như cháo tươi, cá hấp lạnh, cá sấy lạnh...

* Sài Gòn Food còn sản xuất bữa ăn tươi cho các cửa hàng tiện lợi, cung cấp suất ăn công sở...?

- Đó chính là sự đột phá của Công ty. Cũng giống như lẩu tươi ra đời năm 2003, dòng cháo tươi ra đời năm 2012, dòng sản phẩm bữa ăn tươi được Công ty tung ra thị trường vào tháng 6/2017 là minh chứng cho sức sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm "vàng thau lẫn lộn" hiện nay, Sài Gòn Food tự đặt sứ mệnh gầy dựng lòng tin của người tiêu dùng, mang đến bữa ăn gia đình bằng những sản phẩm áp dụng công nghệ cao, đảm bảo giá trị dinh dưỡng, tươi, sạch.

Nói cách khác, mỗi bước đi của Sài Gòn Food đều hướng đến mục tiêu "thỏa mãn nhu cầu của khách hàng", vì khách hàng mà bứt phá, vì khách hàng mà thay đổi tư duy.

Từ một công ty chuyên sản xuất những mặt hàng có thời hạn sử dụng dài hơn một năm, Sài Gòn Food đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ, lập riêng một phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngắn hạn với thời hạn sử dụng chỉ còn dưới 48 giờ. Đến nay, chúng tôi hoàn toàn tự tin cung cấp cho đối tác hơn 100 món tươi mỗi ngày.

* Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chiến lược kinh doanh của Sài Gòn Food có gì thay đổi?

Năm 2018 là năm "bản lề” trong tầm nhìn của Công ty đến năm 2022, cụ thể là phải cân bằng cán cân xuất khẩu và nội địa. Hiện nay, cán cân này đang nghiêng về xuất khẩu với tỷ trọng 70%, nghĩa là Sài Gòn Food cần đẩy mạnh thị trường nội địa, mở rộng địa bàn phân phối, ra mắt nhiều sản phẩm mới phục vụ cho nhiều đối tượng tiêu dùng hơn.

Nếu trước đây mỗi năm Sài Gòn Food chỉ cho ra đời khoảng 10 - 15 sản phẩm, chủ yếu phục vụ thị trường miền Nam thì trong gần hai năm qua, với sự phát triển của dòng sản phẩm bữa ăn tươi và bắt đầu đầu tư cho thị trường miền Bắc, Sài Gòn Food tung ra trên 100 sản phẩm với nhiều cải tiến từ bao bì đến hương vị. Nhà máy sản xuất bữa ăn tươi của Sài Gòn Food chuẩn bị hoàn thành, sẽ đưa vào sản xuất trong vài tháng tới. Khi đó, chúng tôi sẽ có khả năng đáp ứng 50.000 suất ăn tươi mỗi ngày.

Về kênh phân phối, chúng tôi không dừng lại ở siêu thị mà từng bước đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua kênh truyền thống, bệnh viện, trường học. Dĩ nhiên mỗi kênh bán hàng cần có những dòng sản phẩm phù hợp.

* Nhìn vào các thương vụ M&A, ông có lo các thương hiệu dẫn đầu của Việt Nam sẽ mất dần?

Xu hướng toàn cầu hóa ảnh hưởng đến mọi quốc gia, trong mọi lĩnh vực. Thoạt nhìn, Sài Gòn Food gần như đứng ngoài những thương vụ mua bán, sáp nhập nhưng chúng tôi không chủ quan. Chúng tôi có cơ hội được thử sức cùng những "ông lớn" trong cuộc chạy đua chinh phục khách hàng. Đừng quên, bên cạnh xu hướng sáp nhập, toàn cầu hóa còn có xu hướng "win - win" - đôi bên cùng thắng.

Các tập đoàn nước ngoài có lợi thế về tài chính, về dịch vụ nhưng không thể qua doanh nghiệp Việt Nam về sự am hiểu thị trường, người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, khi đã kinh doanh, doanh nghiệp đều tính đến hiệu quả kinh tế nên không bất chấp để thôn tính đối tác. Vấn đề quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần chú ý là phải tìm được đối tác phù hợp để có thể đi cùng nhau.

* Trong bối cảnh ấy, hẳn nhà lãnh đạo doanh nghiệp càng phải lo toan...

Lãnh đạo cần định hướng đúng, nhưng chưa đủ. Với tôi, lãnh đạo trên hết phải là người làm gương, người đứng mũi chịu sào, người dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm. Khi làm lãnh đạo, mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động đều ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn con người. Họ trông vào lãnh đạo để thấy hy vọng, thấy tương lai. Vì thế, người lãnh đạo không được phép quyết định sai.

Tôi không những chỉ có trách nhiệm với hơn 2.000 công nhân viên mà còn có trách nhiệm với gia đình của họ. Vì thế mà mỗi quyết định, mỗi hành động đều phải cân nhắc và lựa chọn tối ưu nhất để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và người thân của họ.

* Đó cũng là cách để ông giữ chân nhân tài?

Đối với bất kỳ công ty nào, nhân sự luôn là yếu tố sống còn. Điều may mắn của Sài Gòn Food là từ khi thành lập, đội ngũ lãnh đạo đã hiểu rõ vấn đề này và xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp dựa trên chữ tâm. Nhờ đó mà Sài Gòn Food dễ dàng hơn trong việc hoạch định chính sách nhân lực và ưu đãi nhân tài.

Trong chiến lược phát triển, chúng tôi xây dựng Sài Gòn Food thành "Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" với lương, thưởng xứng đáng, quan tâm đào tạo đội ngũ kế thừa, tăng cường chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động thông qua hoạt động văn hóa, thể thao tại Công ty, như chương trình Sống Như Những Đóa Hoa. Hằng năm, cứ đến mùa Tết chúng tôi tổ chức xe đưa đón công nhân về quê rồi lại rước họ trở lại làm việc.

* Doanh nhân thường bận rộn và chịu nhiều áp lực từ việc điều hành doanh nghiệp. Chắc ông cũng không ngoại lệ. Những lúc căng thẳng, ông làm gì để thư giãn?

Không cứ là doanh nhân thì mới gặp áp lực hay căng thẳng mà ai cũng có thể đối diện với vấn đề này. Nếu biết hóa giải những căng thẳng thì cuộc sống sẽ có những bất ngờ thú vị. Ở Sài Gòn Food, tôi đón nhận tất cả trong tâm thái tích cực.

Và hiện tại, tôi là người hạnh phúc vì bên cạnh luôn có những người anh, người chị, người bạn đồng nghiệp hỗ trợ và sát cánh trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn hay thuận lợi. Mười lăm năm gắn bó cùng nhau, chúng tôi xem nhau là bạn tri kỷ. Đó chính là động lực để mỗi sớm mai thức dậy, tôi luôn cảm thấy mình tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Một trong những niềm vui của tôi là cùng cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ hay du lịch để tận hưởng thành quả đạt được sau khi hoàn thành mục tiêu. Tôi còn có thú vui với trái bóng lăn. Trước đây, hằng tuần tôi đều ra sân với các bạn trẻ trong Công ty nhưng giờ không còn đủ sức để đua nên thỉnh thoảng chỉ tham gia góp vui.
Sau giờ làm việc, tôi dành thời gian cho gia đình.

Cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa ăn, cùng nhau đi xem phim, xem bóng đá. Tôi trở thành bạn của hai cậu nhóc tuổi lên 10, quậy phá và thích khám phá. Cả ba cha con cùng mê bóng đá nên gần đây tối nào cũng dán mắt vào tivi để dõi theo các trận bóng của giải đấu lớn nhất hành tinh đang diễn ra tại Nga. Niềm vui, hạnh phúc của tôi chỉ là những điều giản dị như vậy.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm