CFO Phạm Thanh Hương: Người mang phong thái “kinh doanh đa quốc gia”

Thực sự, cuộc trò chuyện này đã giúp tôi thêm hiểu về người phụ nữ Việt Nam sống và làm việc tại Nhật Bản, thêm tin tưởng và tự hào về những giá trị tinh tuý của phụ nữ Việt Nam đang được chị và nhiều
CFO Phạm Thanh Hương: Người mang phong thái “kinh doanh đa quốc gia”

Nỗ lực “hò hẹn” nhiều lần nhưng cuối cùng, chị Phạm Hương cũng chỉ có thể dành cho tôi 57 phút trò chuyện. Chị Phạm Hương – đó là cách gọi thân mật mà tôi muốn dùng để gọi tên người phụ nữ đang giữ vị trí quyền lực - CFO khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Monomaru Nhật Bản.

CFO PHẠM HƯƠNG: ĐI VÀ MANG TINH TUÝ TRỞ VỀ

Đó sẽ là cảm nhận của tất cả mọi người khi tiếp xúc với chị Phạm Hương. Là người con của mảnh đất anh hùng Quảng Nam kiên cường, lớn lên ở xứ Kinh Bắc quan họ ngọt ngào đã giúp chị Hương có sự trải nghiệm phong phú cùng cách nhìn đa chiều và sâu sắc về văn hoá và phong cách làm việc của nhiều vùng miền để từ đó hoà quyện mọi nét tinh tuý trong vẻ đẹp của nữ doanh nhân Việt Nam trên trường quốc tế.

Khi có cơ hội sống và làm việc tại xứ sở hoa anh đào, chị có nhận thấy sự khác biệt nào trong phong cách kinh doanh của Việt Nam và Nhật Bản không?

Có thể nói, phong cách làm việc của người Nhật Bản khác biệt rất lớn với Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Nét nổi bật của họ chính là luôn tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch cùng sự chỉn chu trong công việc để giải quyết triệt để mục tiêu đề ra. Cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhiều doanh nghiệp trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật đã khiến tôi nhận thấy, làm việc theo kế hoạch chính là cách tạo ra hiệu quả tối đa nhất.

Việc học tập tác phong làm việc này rất cần thiết cho các doanh nhân. Ngoài ra, khả năng suy nghĩ thấu đáo cùng tầm nhìn xa trong công việc cũng là chìa khoá để họ có thể thành công nhanh hơn. Tôi thấy, doanh nhân Việt Nam vẫn chưa thực sự tôi luyện được tác phong này. Đây là điều cần phải được thay đổi khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, cơ hội giao thương ngày càng rộng mở. Với tôi, đó chính là cách để doanh nhân Việt Nam vững bước hội nhập cũng như giành thế chủ động trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ngoài ra, tiếp xúc với cách thức làm việc của doanh nghiệp Việt khiến tôi nhận thấy, họ rất nhanh nhưng họ khó có thể đi xa. Bởi vì họ luôn tìm cách để làm tối ưu hoá giá thành, cạnh tranh đến mức tất cả đều khó để tồn tại tiếp và rồi tất cả cùng về con số 0. Tại sao các đối thủ trong nghề không cùng nhau phân chia thị trường, bảo vệ nhau và đưa ra các quy định để bình ổn? (chị trầm ngâm đặt câu hỏi).

Cạnh tranh là tìm ra điểm riêng và duy trì lợi thế tốt nhất và không nên chỉ là làm sao để rẻ nhất. Tại các nước phát triển, họ có cách thức làm khác chúng ta. Chính phủ cũng có hạn mức nhất định để sàng lọc ra nhân tố uy tín và có thực lực thật sự. Nếu bất cứ doanh nghiệp mới nào muốn tham gia đều phải đạt đủ các yêu cầu vô cùng khắt khe và còn cần có sự đồng ý của từ 30% trong tổng số các đơn vị cùng ngành. Không dễ để cạnh tranh nhau nhưng bù lại mọi thứ đều rất nguyên tắc. Sự phân bổ hợp lý trong mỗi một điều kiện nền kinh tế khác nhau để làm sao trước nhất là bình ổn, sau đó là có sự tăng trưởng bền vững.

Triết lý của chị là “sống chân thành và làm tròn trách nhiệm của bản thân mình”. Điều này liệu có phù hợp với con đường kinh doanh của một doanh nhân?

Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể khẳng định, sự chân thành của con người Nhật Bản là một yếu tố nổi bật khiến họ thành công và tạo dựng được ấn tượng tốt với thế giới. Sự chân thành ấy nhiều khi là sự thật thà. Thậm chí với tôi, đó là sự trung thành với đối tác của mình.

Với nhiều người, đó là sự dại dột quá mức, đặc biệt là trong kinh doanh (cười lớn) nhưng theo đánh giá của riêng tôi và những người đã từng hợp tác với doanh nhân Nhật Bản, sự chân thành đó đã tạo nên sự bình yên và những mối quan hệ hợp tác bền chặt.

Tôi sẽ lấy một ví dụ thế này để bạn hiểu rõ hơn. Trong một mối quan hệ kinh doanh, một nhà sản xuất biệt lập (bên A) phải thông qua một công ty chuyên tìm kiếm khách hàng (bên B) để tìm đối tác phân phối sản phẩm (bên C). Ở lẽ thông thường, bên A hoàn toàn có thể đặt namecard của mình vào sản phẩm để cố gắng kết nối trực tiếp với bên C nhằm hạn chế tối đa chi phí phải trả cho bên B; bên C cũng vì thế là được lợi.

Nếu bên C là những doanh nghiệp khác, tôi tin rằng, họ sẽ thực hiện phương án này nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản thì không. Bạn sẽ hỏi vì sao tôi lại chắc chắn vậy (chị Hương tiếp tục nở nụ cười, ánh mắt hiện lên vẻ tự tin) bởi đó là văn hóa kinh doanh của người Nhật Bản. Đây chính là chìa khoá để họ tạo dựng được những mối quan hệ và hợp tác làm ăn lâu bền như vậy.

Tuy nhiên, phương châm này của tôi là sự thừa hưởng 60% nét chất phác, mộc mạc của con người Việt Nam, còn 40% từ con người Nhật Bản. Là một người phụ nữ Việt, làm dâu tại Nhật Bản và hoạt động song song giữa hai nước, sự hấp thụ văn hoá này chính là cách để tôi vừa phát huy được nét đẹp của người Việt Nam vừa mang tinh tuý của đất nước bạn về áp dụng và phát huy tại quê nhà.Để cắt nghĩa được vấn đề này, còn rất nhiều khía cạnh phải tìm hiểu kỹ từ văn hoá, tập quán đến quan điểm sống của người Nhật Bản nhưng tôi muốn khẳng định, đây là một nét đẹp mà tôi đã học hỏi được và đang áp dụng mạnh mẽ vào phong cách kinh doanh của chính mình.

SỐNG NHƯ PHÁI YẾU, LÀM VIỆC NHƯ PHÁI MẠNH

Chị Phạm Hương chia sẻ với tôi rằng, phụ nữ Việt Nam rất tình cảm không giống như đa số phụ nữ Nhật Bản. Họ có tâm hồn vô cùng phong phú, đầy ắp tình yêu. Đó là nét đẹp tuyệt vời mà chị rất tự hào khi là phụ nữ Việt Nam.

Hoạt động song song giữa hai nước, chị sẽ có cơ hội giao tiếp với rất nhiều nữ doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam. Chị thấy giới doanh nhân nữ Việt Nam và Nhật Bản có nét đẹp như thế nào?

Phụ nữ Việt Nam ấm áp hơn phụ nữ Nhật Bản. Đó là điều tôi cảm nhận rất rõ (chị mỉm cười). Điều này ảnh hưởng đến phong cách kinh doanh của phụ nữ hai nước nhưng cũng chính là nét đẹp riêng không thể trộn lẫn. Phụ nữ Việt Nam tình cảm nên họ dịu dàng, tinh tế còn phụ nữ Nhật Bản độc lập nên họ có sự cứng rắn của riêng mình.

Nhưng tôi nhận thấy, phụ nữ Việt Nam ngày xưa và người phụ nữ Việt Nam hiện nay đã rất khác nhau. Phụ nữ Việt Nam thời đại mới vẫn tình cảm, vẫn tinh tế như vậy nhưng họ đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Họ đã tự tin thay đổi cách sống, vượt qua rào cản của một người vợ và một người mẹ để nắm lấy cơ hội toả sáng. Sự thay đổi này sẽ tạo nên những kỳ vọng mới, bứt phá mới để họ có thể trở thành những nhân tố góp phần vào tiến trình phát triển đất nước.

Bản thân tôi cũng là một người vợ và một người mẹ nhưng trước hết, tôi cũng là một người phụ nữ có đam mê, lý tưởng của riêng mình. Những dự án mà tôi tham gia vẫn còn dang dở, những đam mê vẫn còn cháy trong tim thì tôi vẫn luôn muốn làm việc và nỗ lực cân bằng mọi thứ. Bạn biết đấy, khi bạn quyết tâm bạn sẽ làm được mọi thứ!

CFO Phạm Thanh Hương: Người mang phong thái “kinh doanh đa quốc gia” ảnh 4

Chị hãy chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh của mình trong thời gian tới?

Trong dòng chảy của cuộc sống, các dự án kinh doanh có thể là một phần quan trọng của mọi doanh nhân nhưng vẫn có những công việc thiết thực có ý nghĩa với xã hội đang được nữ doanh nhân góp sức thực hiện. Khát khao của chính bản thân tôi là góp phần xây dựng hệ thống giáo dục để quê hương tốt đẹp hơn. Sự trải nghiệm và chứng thực từ thực tiễn của bản thân đã giúp tôi nhận ra, giáo dục là nền tảng vô cùng quan trọng mà chúng ta có thể trao cho thế hệ trẻ. Một nền giáo dục tốt có thể tạo nên những con người vĩ đại, những thành tựu mà không ai có thể hình dung được. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn hỗ trợ hệ thống y tế của Việt Nam bởi tôi là một người con Việt Nam. Sứ mệnh mà tôi muốn làm chính là hỗ trợ sức khoẻ của chính đồng bào mình (nở nụ cười rạng rỡ).

Có lẽ tôi không cần phải nhắc lại giá trị của y tế và giáo dục trong cuộc sống của người Nhật Bản khi bạn có thể nhận thấy, họ đã thay đổi như thế nào về vóc dáng, sức khoẻ, trí tuệ và tôi mong mỏi áp dụng điều đó vào từng cá thể người Việt Nam. Tôi muốn đồng bào mình, dân tộc mình cũng mạnh mẽ, cao lớn và tài năng như những con người Nhật Bản. Đó là lý do vì sao, Tập đoàn Monomaru chúng tôi đang tích cực tiến hành hỗ trợ và xây dựng các dự án vào lĩnh vực y tế và xa hơn là giáo dục.

CFO Phạm Thanh Hương: Người mang phong thái “kinh doanh đa quốc gia” ảnh 5

CFO Khu vực Đông Nam Á - Tập Đoàn Monomaru Nhật Bản - Phạm Thanh Hương 

Với những dự định có giá trị như vậy và đảm nhận một vị trí quan trọng tại một tập đoàn lớn, chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Sự may mắn của tôi chính là có ý chí mạnh mẽ, tính cách chắc chắn và kiên quyết nên tôi luôn có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn (chị lại một lần nữa cười lớn và phát ra một vẻ đẹp tràn đầy sức sống). Là CFO của một tập đoàn hoạt động đa ngành và phụ trách tại khu vực Đông Nam Á, tôi có nhiệm vụ thúc đẩy các dự án tại Việt Nam và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của các dự án đó. Hoạch định và định hướng dòng tiền là cả một áp lực lớn nhưng tôi nghĩ, áp lực là cơ hội để trưởng thành và là thước đo năng lực cũng như ý chí của bản thân nên tôi vẫn ngày ngày nỗ lực hoàn thiện mình. Với tất cả mọi người không chỉ là riêng với phụ nữ, cân bằng giữa công việc và cuộc sống chính là cách để tạo nên hạnh phúc và giá trị của mỗi cá nhân và tôi đang tích cực thực hiện điều đó.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

"Trước khi nói lời tạm biệt, tôi đã hỏi chị Phạm Hương về những bê bối của các doanh nghiệp lớn Nhật Bản trong thời gian gần đây. Chị Hương đã cho tôi một câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy hiểu biết và mang tầm tư tưởng về chặng đường phát triển của mỗi một doanh nghiệp hay của mỗi một nền kinh tế. Chị khẳng định, đây là một vấn đề đã xảy ra từ rất lâu trong các tập đoàn lớn của Nhật Bản để cho thấy, bất kể một nền kinh tế nào khi muốn phát triển đến mức độ cao hơn đều phải trải qua một thời kỳ “đen tối” như vậy. Việt Nam nếu muốn phát triển mạnh mẽ đều phải đi qua các giai đoạn như Nhật, Đức, Mỹ phải đi qua. Sau đó là quãng thời gian nhìn lại, đúc kết kinh nghiệm để tạo ra con đường phát triển bền vững hơn. Giống như hệ thống tài chính ngân hàng của Nhật Bản bây giờ, là một trong những hệ thống tài chính ổn định nhất thế giới. Mặc dù, tổng số lượng tiền không lớn như của Trung Quốc hay Mỹ nhưng đó lại là một hệ thống không tồn tại bong bóng. 

Có thể bạn quan tâm