Châu Âu nhận chỉ trích khi Ý chặn lô hàng vắc xin AstraZeneca

Việc triển khai vắc xin Covid-19 của châu Âu một lần nữa lại được chú ý sau khi chính phủ Ý chặn một lô hàng vắc xin Oxford-AstraZeneca.
Châu Âu nhận chỉ trích khi Ý chặn lô hàng vắc xin AstraZeneca

EU đã phải "chật vật" để phân phối vắc xin Covid-19 trên toàn khu vực 27 thành viên và đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác về số lượng tiêm chủng cho mỗi người dân. Có những lời phàn nàn rằng các cơ quan quản lý đã quá chậm để phê duyệt vắc xin, có vấn đề về sản xuất, phân phối và thói quan liêu đã cản trở quá trình này.

Nhưng những câu hỏi mới đã được đặt ra khi Ý trở thành quốc gia EU đầu tiên sử dụng các quy định mới cho phép ngừng xuất khẩu vắc xin nếu cần. Động thái này đã dừng khoảng 250.000 liều vắc-xin từ nhà máy Anagni (Ý) được vận chuyển đến Úc.

Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu ở Brussels (Bỉ) chia sẻ với CNBC: “ Đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn”.

Vào cuối tháng 1, EU đã công bố các quy định mới cho phép các quốc gia thành viên châu Âu, nơi các mũi vắc xin được sản xuất, có thể cấm xuất khẩu trong trường hợp công ty dược phẩm liên quan không tuân thủ hợp đồng đã có từ trước với khối.

EU và AstraZeneca xảy ra mâu thuẫn khi nhà sản xuất này không thể cung cấp đủ liều vắc xin như mong đợi của khối trong quý đầu tiên. Cũng còn nhiều nghi ngờ về việc công ty sẽ có thể cung cấp được bao nhiêu liều vắc xin trong quý II.

Vào cuối tháng trước, Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Pascal Soriot cho biết việc thiếu hụt vắc xin là do vấn đề năng suất và công ty của ông đang làm việc suốt ngày đêm để tăng sản lượng.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo rằng Pháp có thể hành động tương tự như Ý. Nhưng  theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn lại cho biết từ trước đến nay không có lý do gì để dừng các lô hàng vắc xin sản xuất tại Đức để đi các nước khác.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết vào tháng trước, khoảng 95% vắc xin do EU sản xuất được xuất khẩu từ cuối tháng 1 là do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất vì cả hai công ty đều tôn trọng thỏa thuận của họ với EU. Vào thời điểm đó, bà cũng nói rằng Hoa Kỳ và Anh đã có sẵn các hệ thống để ngăn chặn việc xuất khẩu các loại vắc xin này.

Tuy nhiên, “Liên minh châu Âu đang bị chỉ trích cùng bởi điều mà Hoa Kỳ cũng đã làm nhưng dưới một hình thức cấp tiến hơn”, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS) nhận xét. “Số lượng liên quan là rất nhỏ. Nhưng như thường lệ mọi người nhảy phê bình trước khi nhìn thấy tất cả. Hoa Kỳ không bị lên án như vậy khi chặn vắc xin ở biên giới vì thậm chí chẳng ai buồn nghĩ đến việc cố gắng xuất khẩu bất cứ thứ gì từ Hoa Kỳ cả.”

Trong một lệnh hành pháp vào đầu tháng 12 năm ngoái, cựu TT Mỹ Donald Trump đã yêu cầu nước này chỉ nên xuất khẩu vắc xin được sản xuất trong nước sau khi đảm bảo có đủ liều lượng để tiêm chủng cho toàn bộ người dân. “Sau khi đảm bảo rằng có đủ nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 cho tất cả người Mỹ … [Hoa Kỳ] sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối ra nước ngoài cho các đồng minh, đối tác và những quốc gia khác, nếu thích hợp và phù hợp với luật hiện hành,” điều lệnh ghi rõ. 

Trong quy định của EU, khối cho phép vắc xin phân phối tới các quốc gia nghèo, dễ chịu tổn thương sẽ không bị chặn bởi các nước thành viên. Việc vận chuyển vắc xin của AstraZeneca đến Úc đã bị Ý chặn lại vì quốc gia này không nằm trong danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương của EU. 

Vào thứ Sáu (5/3), Thủ tướng Úc Scott Morrison đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng chương trình vắc xin của quốc gia này sẽ “không suy giảm” vì vấn đề ở Ý. Theo báo cáo, Úc đã yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét lại quyết định chặn lô hàng ở Ý, nhưng ông Morrison cũng thừa nhận rằng ông hiểu lý do tại sao lại có mức độ lo lắng cao như vậy trên toàn châu Âu.

Nguồn: CNBC

Có thể bạn quan tâm