Chạy đua tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hút mạnh vốn

Nhiều nhà băng đẩy mạnh huy động tiền gửi nhằm chuẩn bị nguồn vốn dồi dào cho mùa kinh doanh cuối năm 2017. Kinh tế tăng trưởng ổn định, doanh nghiệp làm ăn khởi sắc, mặt bằng lãi suất thấp… là các yế
Chạy đua tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hút mạnh vốn

Tặng thêm lãi suất

Cuộc đua lãi suất sôi động ở một số ngân hàng thương mại như Eximbank, HDbank, PVcomBank, ACB… khi liên tiếp tung ra nhiều chính sách ưu đãi gửi tiền, quà giá trị để canh tranh thu hút tiền gửi. Hiện, lãi suất tiền bằng VND gửi kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm, kỳ hạn từ 6-12 tháng ở mức 6,4 -7,2%/năm. Tiền gửi trung và dài hạn có lãi suất từ 7,5% đến 8% năm.

Đơn cử, PVcombank vừa tung ra chương trình khuyến mại “Sống tận hưởng – Thỏa đam mê” từ nay đến ngày 15/8/2017 với nhiều quà tặng giá trị lên tới 2 tỷ đồng cho khách hàng. Theo đó, khách hàng gửi tiền tiết kiệm, vay vốn kinh doanh, mở mới tài khoản thanh toán VNĐ hay tài khoản PV–Account… sẽ nhận được 1 mã số seri quay thưởng. Nhiều quà tặng giá trị như: 1 xe Vespa trị giá 70 triệu đồng, 15 chiếc điện thoại Sumsung S8 trị giá 18,5 triệu đồng… dành tặng khách hàng may mắn. Hơn nữa, khách hàng gửi Tiết kiệm Đại chúng được tặng thêm lãi suất đến 0,3%/năm khi gửi số tiền từ 500 triệu VNĐ trở lên.

Thời gian qua, PVcombank liên tục đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ với nhiều giải pháp tài chính toàn diện dành cho khách hàng gửi tiền và vay vốn, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Tương tự, VPBank niêm yết lãi suất ở mức 7,5-7,9%/năm kỳ hạn dài, sau đó tung ra mức lãi suất cao tới 9,2%/năm cho kỳ hạn gửi 60 tháng và số tiền trên 5 tỷ đồng. Với nguồn vốn dồi dào, VPbank nằm trong số nhà băng có tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống lên tới 39% vào năm trước. 

Ở phía Nam, Eximbank cũng đẩy mạnh huy động vốn với lãi suất cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng là 5,5%/năm (kịch trần mức lãi suất quy định của NH Nhà nước), kỳ hạn 6 tháng 6,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng 6,9%/năm. Hay Sacombank tăng mạnh lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ hai tháng trước, trong đó, mức lãi suất cao nhất lên tới 8,88%/năm ở hình thức chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm một ngày. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn niêm yết cũng được một số ngân hàng áp dụng để hút mạnh dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư, tổ chức…

Ngoài ra, các ngân hàng cũng linh hoạt chuyển đổi tài sản của khách hàng từ vàng, USD sang tiền gửi VND để được cộng thêm 0,2%-0,6%/năm lãi suất so với cách gửi tiết kiệm thông thường. Mặc dù lãi suất USD hiện ở mức 0%/năm, song nguồn huy động ngoại tệ của các ngân hàng vẫn có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động của khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu khởi sắc, nguồn thu ngoại tệ dồi dào.

Đảm bảo thanh khoản dồi dào

Trước diễn biến tăng lãi suất tiền gửi kéo theo lãi vay tăng cao, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ, lãi suất của các ngân hàng chỉ tăng từ 0,2-0,3%/năm, là mức tăng không cao lắm so mặt bằng hiện nay. Việc điều chỉnh lãi suất sẽ giúp ngân hàng hút mạnh tiền gửi trung và dài hạn, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng nguồn vốn tín dụng, nhất là huy động vốn, khắc phục tình trạng mất cân bằng giữa các kỳ hạn huy động vốn và cho vay, đảm bảo cho các tỷ lệ an toàn theo quy định Ngân hàng nhà nước.

Thanh khoản vốn của các ngân hàng đều dồi dào, biên độ điều chỉnh tăng lãi suất ở mức hợp lý, do đó ít tác động tới lãi suất cho vay. “Lãi suất từ nay đến cuối năm có thể giảm từ 0,5 – 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016”, ông Minh dự báo.

Nhiều ngân hàng đã và đang đẩy mạnh tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng khoảng 35-36 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo cân đối thanh khoản, các chỉ tiêu an toàn hoạt động của ngân hàng.

Hơn nữa, quá trình xử lý nợ xấu ở nhiều nhà băng đã có hiệu quả, kiểm soát chất lượng tín dụng ở mức an toàn và giảm phát sinh nợ xấu mới. Nhiều ngân hàng cho biết, công tác thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm được đẩy mạnh trong giai đoạn 2015-2016 đã giúp thu hồi đáng kể nguồn vốn để tái phục vụ kinh doanh. Nhờ đó, thanh khoản vốn dồi dào hơn và có cơ sở để giảm lãi suất huy động, cho vay, giúp hiện thực hoá nhanh hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay.

Lãnh đạo PVcombank chia sẻ, năm nay các ngân hàng tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ về việc không tăng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay nên ngân hàng duy trì mức lãi suất tiền gửi phù hợp để vẫn đảm bảo huy động, mà không gây áp lực làm tăng lãi suất.

“Tín dụng trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng khả quan, đạt 4,86% tính đến hết tháng 4 và là mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây. Nhu cầu huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng tăng lên và ngay từ bây giờ, các ngân hàng đều phải đảm bảo nguồn vốn dồi dào cho mùa kinh doanh cuối năm luôn “nóng” về tín dụng”, Vị này nói.

Các chuyên gia đánh giá, hệ thống ngân hàng vẫn duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức thấp từ 9-10%/năm. Cùng với chất lượng tín dụng kiểm soát chặt thì tăng trưởng tín dụng sẽ được mở rộng theo hướng an toàn, hiệu quả.

>> Tín dụng 4 tháng tăng kỷ lục tới 5,76%

Có thể bạn quan tâm