Chia sẻ không gian cho startup

Coworking space không chỉ là nơi làm việc mà còn là không gian ươm mầm và thăng hoa của tinh thần khởi nghiệp.
Chia sẻ không gian cho startup

Nếu coworking space (không gian làm việc chung - thường dành cho các nhà khởi nghiệp) là một thực thể sống, không gian làm việc là cơ thể, thì cộng đồng chính là phần hồn của coworking space. Không còn chỉ đơn thuần là nơi làm việc, văn hóa coworking space tại Việt Nam đã phân hóa khá rõ rệt thành những cộng đồng khác biệt.

Coworking space đã xuất hiện từ năm 2012 khi trào lưu khởi nghiệp bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam, chủ yếu dưới dạng vườn ươm và quy mô khá nhỏ trung bình 300m2 mỗi coworking space. Tuy nhiên, trào lưu này nhanh chóng thoái trào khi không tạo được các giá trị cộng thêm như sự đa dạng và màu sắc đặc trưng trong cộng đồng.

Sau sự thoái trào vào năm 2014, coworking space lại trở thành một trào lưu lớn tại Việt Nam với mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt trong năm 2017, số nguồn cung theo mét vuông tăng lên gấp đôi so với khoảng 9.500m2 hồi cuối năm 2016. Đây cũng đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp, số mét vuông nguồn cung tăng gấp 2 lần. Mức tăng trưởng nguồn cung của Việt Nam gấp 3 lần mức trung bình của thế giới trong năm 2017.

Giữa xu hướng nở rộ, các cộng đồng coworking space bắt đầu phân chia. Mỗi cộng đồng mang một màu sắc khác nhau khi chúng ta cùng điểm qua các coworking space lớn nhất hiện nay như Toong, Dreamplex, Up, CirCo, The Hive...

Sắc màu khác biệt

Toong là một trong những tên tuổi đi đầu trong trào lưu thứ 2 của coworking space. Bắt đầu với chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 8.2015, Toong đang chuẩn bị khai trương chi nhánh thứ 6. Tốc độ phát triển của Toong thể hiện rõ tinh thần làm việc của người sáng lập, vốn luôn không ngừng cải thiện bản thân và các đứa con tinh thần của mình.

Không gian là điểm nhấn đậm nét của Toong. Xuất phát từ nhu cầu về nơi làm việc có thể tạo cảm hứng cho bản thân, anh Đỗ Sơn Dương, sáng lập đồng Giám đốc Điều hành của Toong, luôn khoác lên các coworking của mình chất fushion - không gian đương đại kết hợp cùng các điểm nhấn truyền thống. Phong cách Đông Dương (Indochine) phảng phất trên nền nội thất đương đại, tạo nên một không gian rất đặc trưng tại coworking space này, với các yếu tố màu sắc cho thị giác và mùi hương thảo mộc gợi lại ký ức cho khứu giác.

Hiện nay, Toong là coworking space có thị phần lớn nhất về diện tích (khoảng 25%) cùng tỉ lệ lấp đầy khá nhanh trong vòng dưới 2 tháng sau khi khai trương cho mỗi chi nhánh. Đây cũng là một trong những coworking space rất thành công trong việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư OpenAsia và Indochina Capital, song song cùng việc trở thành đối tác chiến lược của CapitaLand.

Ngoài nguồn vốn mạnh, Toong còn có chiến lược phát triển cộng đồng theo cách đặc biệt khi tập trung tạo dựng một cộng đồng khỏe mạnh về mặt tinh thần lẫn thể chất. Anh Dương chia sẻ chuỗi sự kiện của Toong luôn mang màu sắc nghệ thuật kết hợp với chia sẻ kiến thức công nghệ, rèn luyện thể chất như các buổi vẽ tranh, khoa học hành vi, hướng dẫn rèn luyện thể chất... Thực tế như tinh thần của người sáng lập, cộng đồng của Toong khá trưởng thành và bao gồm những công ty nước ngoài đặt văn phòng tại Việt Nam, các startup, thiết kế và freelancer đã chững chạc về tuổi nghề.

Cho đến cuối năm 2017, Dreamplex là coworking space dẫn thứ nhì về thị phần diện tích với 2 chi nhánh cùng một hội trường. Với nguồn vốn đầu tư tốt, Dreamplex có không gian đậm chất kiến trúc công nghiệp hiện đại cùng bảng màu trung tính mát mắt. Các không gian chung được điểm xuyết các bảng màu trung lập undertone mát, tạo điểm nhấn để phá vỡ các mảng màu đơn sắc từ sàn bê tông, vốn dĩ của phong cách công nghiệp.

Cộng đồng của coworking space này khá trưởng thành và có thể gọi là cộng đồng đa quốc gia nhất tại Việt Nam khi hội tụ rất nhiều công ty và freelancer quốc tế. Phần lớn công ty đặt tại Dreamplex là công ty nước ngoài. Dreamplex có khoảng 70% hội viên là người Việt nhưng chỉ có 10% số công ty tại đây là hoàn toàn thuộc về người Việt Nam. Đây cũng là coworking space có tỉ lệ lấp đầy khá cao lần lượt ở mức gần 100% cho chi nhánh đầu tiên và 92% cho chi nhánh thứ 2, theo chia sẻ của anh Võ Minh Toàn, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Dreamplex.

Up cũng nằm trong xu hướng phát triển mạnh của mô hình coworking space cùng Toong và Dreamplex. Vốn dĩ xuất phát từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, như tên của mình, Up gắn liền với ước mơ và nhiệt huyết của các bạn sinh viên và các nhà khởi nghiệp trẻ. Chị Nguyễn Ánh Kim, Giám đốc Điều hành của Up TP.HCM, cho biết, coworking space này là một trong những nơi rất tích cực trong việc hỗ trợ các thành viên tìm nguồn vốn và người hướng dẫn (mentor).

Do Honey Capital đầu tư, the Hive xuất hiện tại quận 2 TP.HCM vào năm 2016. Chuỗi coworking space này đã có đến 12 chi nhánh tại Hồng Kông, Singapore và Bangkok trước khi tiến vào Việt Nam.Cô Lisa Smith, Giám đốc của The Hive, chia sẻ nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ khu vực quận 2, vốn là khu dân cư của người nước ngoài sống tại Việt Nam (expat), vì còn khá ít coworking space tại đây. Cộng đồng của The Hive gần như hoàn toàn là expat, đóng vai trò như một bước đệm giúp hội viên hòa nhập vào cuộc sống cũng như là cộng đồng expat tại Việt Nam.

Với 3 nhà sáng lập đều xuất thân từ Viet Youth Entrepreneurs, CirCo được thành lập từ sự gợi ý của một mentor tại Đại học Stanford. Thực dụng “rất Mỹ” và đơn giản là không gian của CirCo. Cộng đồng của CirCo là sự kết hợp của startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa đến quỹ đầu tư mạo hiểm. Anh Linh Hoàng, sáng lập của CirCo, cũng chia sẻ về xu hướng các doanh nghiệp nhỏ cũng đang dần di chuyển vào coworking space.

Các coworking space ở dạng vườn ươm cũng trở lại như F’enhance. Được thành lập bởi chị Lê Nguyễn Vân Anh, sáng lập của Founder Girls, F’enhance là nơi làm việc của các startup của tổ chức này. Điểm khác biệt của coworking space này với các mô hình khác là sự gắn kết chặt chẽ của tất cả các startup tại đây cùng mentor của họ. Chị Vân Anh chia sẻ, Founder Girls chọn lọc từng startup để có thể bổ trợ và hợp tác. Cộng đồng ở đây là chung mà riêng, trong cái riêng lại tạo thành chung. Chung về không gian nhưng riêng về mô hình kinh doanh. Riêng về quyết định kinh doanh nhưng hướng tới một lợi ích chung.

Ở làn sóng thứ 2 của coworking space, mỗi không gian đã tự tìm cho mình một màu sắc riêng và đây trở thành điểm cạnh tranh của các mô hình này. Lý do đến từ sự bùng nổ mạnh mẽ của làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây tạo nên một cộng đồng startup đa dạng. Một lý do khác là sự nhận thức về tiện lợi của mô hình này đã khá tốt, dẫn đến sự mở rộng đối tượng hội viên đến cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, văn phòng công ty nước ngoài và quỹ đầu tư muốn tiếp cận đối tượng gọi vốn.

Trăm hoa đua nở

Trên thế giới, các coworking space cũng xây dựng cộng đồng theo ngành nghề, quy mô, chi phí, địa điểm và cả lối sống. Đơn cử như lối sống “du cư” (nomad) đang hình thành khá mạnh tại các nước phát triển. Nomad có thể hiểu là họ không an cư ở đâu, không nơi nào có thể cầm chân họ quá lâu. Và các coworking space sẽ trở thành nơi cho các nomad lạc nghiệp. Các coworking space ấn tượng nhất trong trào lưu này có thể kể đến Hubud và Dojo tại Bali.

Với tinh thần hưởng thụ cuộc sống, Hubud truyền tải hồn của lối sống nomad qua công trình kiến trúc bằng tre một cách ấn tượng. Cộng đồng coworking space này hình thành rất nhiều ở các điểm tập trung của các nomad ở Đông Nam Á như Bali, Pai, Koh Samui, Koh Phangan, Phuket, Lombok...

Làn sóng thứ 2 coworking space tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sôi nổi. Theo CBRE Việt Nam, mô hình coworking space đang lan rộng nhanh chóng tại Việt Nam. Xuất hiện từ năm 2012 với quy mô nhỏ dưới 300m2, đến năm 2015 các chuỗi bắt đầu mở rộng, đến năm 2017 đã có 17 đơn vị vận hành tại 22 cơ sở, cung cấp khoảng 14.500m2. Bản thân các coworking space cũng là các startup, cùng làn sóng quốc gia khởi nghiệp, các không gian chia sẻ này cũng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Anh Dương cho biết sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng gần 3 chi nhánh mỗi năm. Không gian thứ 6 của Toong với 1.700m2 đã được khai trương tại TP.HCM vào tháng 2 này. Trước đó, CirCo cũng đã mở rộng thêm 1.200m2 không gian của mình vào cuối tháng 1 vừa qua. Kế hoạch lớn nhất là của Up, khi coworking space này chia sẻ kế hoạch mở rộng 8.000m2 mới trong khuôn viên Đại học Bách Khoa TP.HCM. Coworking space quốc tế, The Hive, cũng chia sẻ ý định tiến đến quận 1 trong năm 2018. F’enhance cũng sẽ khai trương coworking space thứ 2 vào tháng 3.

Các không gian khác biệt như khoác lên mình các bộ áo khác nhau. Phong cách này cũng phản ánh rất rõ tinh thần của những người sáng lập như hoài cổ, công nghiệp hiện đại, đến tối giản. Định hướng này cũng sẽ là yếu tố phân chia và định hình các cộng đồng.

Với các coworking space đã mạnh về cả nguồn vốn lẫn kinh nghiệm như Toong, Dreamplex và Up, thị trường này đã vào giai đoạn xác định vị thế khá rõ ràng và chặt chẽ. Các coworking space mới thiếu kinh nghiệm quản lý và không có bản sắc riêng sẽ khó lòng tồn tại trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cạnh tranh và liên tục đổi mới cũng chính là tinh thần hứng khởi lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

nhipcaudautu.vn/song/chia-se-khong-gian-startup-33 http://nhipcaudautu.vn/song/chia-se-khong-gian-startup-3322609/

Có thể bạn quan tâm