Chính phủ đề xuất đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều trở ngại, có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp.
Chính phủ đề xuất đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Theo tờ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh của Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính,....

Theo đề xuất của Chính phủ về mô hình mới, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm có Hội đồng nhân dân Thành phố và UBND Thành phố.

Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, còn chính quyền địa phương ở phường là UBND phường;

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm: huyện, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tại mô hình này, Chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận. Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Chủ tịch UBND quận.

UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chủ tịch UBND quận có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp và quy định của pháp luật; ký các văn bản của UBND quận.

Có thể bạn quan tâm