Chính phủ điện tử - Sao cứ mãi là tiềm năng?

Thất bại nhiều hơn thành công...
Chính phủ điện tử - Sao cứ mãi là tiềm năng?

Nhận thức được tầm quan trọng và tác động to lớn của chính phủ điện tử (CPĐT), từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều quốc gia đã nỗ lực triển khai CPĐT ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau. Thực tế, đã có những nước gặt hái được thành công từ các lợi ích điển hình mà CPĐT mang lại, gồm tăng sự minh bạch, giảm tham nhũng hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công, cải thiện hiệu suất làm việc của công chức, thúc đẩy phân quyền, cải thiện tài chính cho chính phủ và gia tăng sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của chính phủ.

Tuy vậy, trong 20 năm qua, điều mà có lẽ không nhiều người biết là hầu hết các dự án CPĐT thất bại ở nhiều cấp độ và trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các cứ liệu về các thất bại này từ đầu những năm 2000 và gần đây nhiều dự án CPĐT khác cũng tiếp tục thất bại. Điều này cho thấy tính phức tạp của việc phát triển CPĐT. Một số nguyên nhân chính cho thất bại được chỉ ra gồm thiếu cam kết từ lãnh đạo, khoảng cách số, sức ỳ của hệ thống hành chính, quyền lực nhóm của các đơn vị công lập, xung đột lợi ích trong nhân sự khu vực công, chưa nhận thức về sự khác biệt của quản trị dự án CPĐT, tài chính cho dự án, an ninh mạng, tính riêng tư, các vấn đề chiến lược, triển khai và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). Ngay tại Mỹ, một dự án CPĐT lớn để triển khai chương trình chăm sóc y tế thời Tổng thống Obama cũng được đánh giá là thất bại.

Việt Nam thì sao?

Chính phủ điện tử - Sao cứ mãi là tiềm năng? ảnh 1

Tại Việt Nam, đã có nhiều nỗ lực của Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian qua để triển khai CPĐT. Tuy vậy, có thể nói thành tựu đạt được còn hạn chế. Dù thuộc nhóm có chỉ số cao (theo cách đánh giá của khảo sát mới nhất của Liên hiệp quốc), xếp hạng về CPĐT của Việt Nam chỉ ở mức hơn trung bình và không có tiến bộ đáng kể, thậm chí thụt lùi, nếu xét trong nhiều năm trở lại đây. Trên bảng xếp hạng gần nhất (năm 2018) của Liên hiệp quốc, Việt Nam đứng ở vị trí 88 trên tổng số 193 quốc gia, tăng 1 bậc so với năm 2016 nhưng tụt 5 bậc so với năm 2012 (xem biểu đồ). Điều này cho thấy chúng ta không phát huy được tiềm năng và nguồn lực đã đầu tư và đang có.

Trong khi đó, một số quốc gia khác trong khu vực châu Á từ nhiều năm qua đã đạt được những thành tựu ấn tượng, cụ thể là Hàn Quốc và Singapore. Trong bốn lần xếp hạng gần nhất, hai quốc gia này luôn ở vị trí tốp 10 của bảng xếp hạng. Các nghiên cứu về xây dựng CPĐT cũng cho thấy không phải ngẫu nhiên mà họ có được kết quả ấn tượng như vậy. Như ở Hàn Quốc, từ những năm đầu triển khai, Tổng thống trực tiếp chỉ đạo và theo dõi chặt chẽ tiến trình phát triển của CPĐT. Các sáng kiến được triển khai triệt để dù gặp nhiều phản kháng từ lực lượng công chức thời đó. Nhiều cuộc họp và nội dung các câu trả lời của công chức qua điện thoại, trên diễn đàn được công khai và người dân có thể nghe trực tiếp hoặc truy cập để nghe lại bất kỳ lúc nào.

Ở Việt Nam, phân tích tổng thể quá trình triển khai CPĐT trong hơn 15 năm qua, nhất là thời kỳ hậu Đề án 112, có thể nói chúng ta chưa chuẩn bị nhiều cho một chiến lược tổng thể dài hơi, thiếu kế hoạch thực hiện chi tiết, chưa rõ ràng về trách nhiệm của đơn vị triển khai ở cấp Chính phủ và chính quyền địa phương, tính trách nhiệm giải trình không rõ và các cam kết dài hơi của lãnh đạo về CPĐT chưa được thể hiện rõ. Tuy vậy, gần đây lãnh đạo Chính phủ cho thấy những nỗ lực trong việc thúc đẩy xây dựng CPĐT. Đây là điều kiện rất cần và quan trọng. Nhưng để thành công, các điều kiện đủ còn rất nhiều.

Tổng hợp nhiều nghiên cứu về phát triển CPĐT đã chỉ ra các nhóm yếu tố quan trọng: (1) Nhóm yếu tố năng lực nhà nước (cam kết của lãnh đạo, xây dựng chiến lược, khả năng tổ xây dựng chiến lược và triển khai, pháp lý - thể chế và nguồn kinh phí triển khai); (2) Nhóm hạ tầng: hạ tầng về công nghệ và hạ tầng về con người, cả phía cung cấp dịch vụ (các cơ quan nhà nước) và phía sử dụng dịch vụ (người dân và doanh nghiệp); (3) Nhóm điều kiện ban đầu tại các địa phương nơi triển khai (điều kiện kinh tế, khoảng cách số và các yếu tố văn hóa khác).

Triển khai thành công CPĐT không chỉ cần ý chí mà cần phải có kiến thức, kỹ năng và sự đầu tư kỹ lưỡng. Đây có lẽ là lúc mà Chính phủ cần những phân tích đánh giá sâu về tình trạng hiện tại của các điều kiện thiết yếu để phát triển CPĐT, không nên chỉ dựa đơn thuần vào các mệnh lệnh hành chính.

Thách thức thường thấy

Thử phân tích một khía cạnh trong phát triển CPĐT, các chủ thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến (chỉ phân tích ở phía cung dịch vụ mà chưa bàn đến phía cầu). Lý thuyết và thực tiễn cho thấy có bốn chủ thể chính bao gồm lãnh đạo chính trị, lãnh đạo hành chính, nhân sự ICT (CIO và chuyên viên IT), các nhân viên vận hành. Phân tích các chủ thể này trong bối cảnh của các nước đang phát triển và Việt Nam, các thách thức thường thấy đối với bốn chủ thể này như sau:

- Lãnh đạo chính trị: thường có nhiều ưu tiên khác cấp bách hơn, không am hiểu nhiều về công nghệ, và thường bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ.

- Lãnh đạo hành chính: Nhiều áp lực và ưu tiên ngắn hạn khác, không đủ nguồn lực (đặc biệt là con người và ngân sách) để triển khai, hiểu biết hạn chế về công nghệ mới.

- Nhân sự ICT ở khu vực công: thường bị khu vực tư thu hút hết nhân sự giỏi nhờ chế độ đãi ngộ tốt hơn. Ngoài ra, họ thường không có động lực triển khai vì trình độ hạn chế hơn, khan hiếm nguồn lực và sợ thất bại.

- Nhân viên vận hành: mâu thuẫn lợi ích lớn vì hệ thống dựa trên giấy tờ thường đem lại nguồn thu và quyền lực cho họ.

Dù phân tích ngắn ở trên chỉ cho một trong rất nhiều yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai CPĐT, nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể để vượt qua các thách thức này thì không có nhiều cơ hội thành công cho các dự án CPĐT.

Cũng nên nhắc lại, CPĐT đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ưu tiên từ đầu những năm 2000 như đã thể hiện trong Chỉ thị 58-CT/TW và Đề án 112. Các phân tích trong thời gian đó cho rằng Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển CPĐT nhờ nguồn nhân lực trẻ và có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh, công nghiệp phần mềm phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế nhanh và tốc độ phát triển Internet rất ấn tượng.

Nhưng đáng tiếc, tiềm năng này vẫn cứ mãi tiềm ẩn, nhất là khi nhìn lên bảng xếp hạng CPĐT của Liên hiệp quốc trong thời gian qua. Khi tiềm năng không được khai thác tốt đồng nghĩa với chi phí cơ hội càng tăng lên và khoảng cách tụt hậu càng xa ra.

Trong bối cảnh chính phủ tập trung nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng thành công CPĐT cần được nhận thức là mấu chốt quan trọng. Nói cách khác, chính thành công trong việc triển khai CPĐT mới là tiền đề quan trọng để hướng đến việc triển khai các chuyển đổi thông minh khác (smart transformation) như chính phủ số, kinh tế số và thành phố thông minh. Vì vậy, các nỗ lực nên cần tập trung hơn bởi khi một tổ chức có quá nhiều ưu tiên thì xem như tổ chức đó không có ưu tiên nào.

Tác giả Nguyễn Trung - Nguyễn Đoan/Đại học RMIT Việt Nam 

Đăng trên TBKTSG

Có thể bạn quan tâm