Chính phủ gỡ vướng thu phí BOT tự động: Không tăng mức phí

Trước các tranh cãi giữa chủ đầu tư BOT và chủ đầu tư dự án thu phí không dừng, Chính phủ cho phép Bộ GTVT quyết định việc trích doanh thu của các dự án BOT để xác định doanh thu của dự án theo hình t
Chính phủ gỡ vướng thu phí BOT tự động: Không tăng mức phí

Việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ với người tham gia giao thông so với các hình thức thu hiện hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản số 1317/TTg-CN ngày 27/9/2018 về việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC)

Theo đó, Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với nhà đầu tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh) xác định chi phí, doanh thu các dự án BOT và BOO trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính và hiệu quả tổng thể các dự án và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT quyết định việc trích doanh thu của các dự án BOT để xác định doanh thu của Dự án thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (dự án ETC), đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư dự án ETC và người dân; không làm tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ với người tham gia giao thông so với các hình thức thu hiện hành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT tại địa phương) quyết định phương án lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đấu thầu để triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo đảm đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017 của UBTVQH.

Đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên lắp tại các trạm cửa ngõ

Cùng ngày (27/9), tại cuộc họp về các dự án trọng điểm của ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) chủ trì làm việc với nhà đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư dự án ETC đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trạm thu phí không dừng.

“Thời gian chúng ta không còn nhiều nữa nên phải đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu đến cuối năm 2018 chỉ chừa lại 1 làn dừng ở mỗi trạm. Ưu tiên lắp đặt sớm tại các trạm cửa ngõ vào nội thành, nhất là trên các đường cao tốc. Yêu cầu tất cả các tuyến đường của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) phụ trách đều lắp đặt 100% làn thu phí không dừng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian vừa qua tiến độ lắp đặt các trạm thu phí không dừng rất chậm, gặp nhiều khó khăn về cơ chế, nhà đầu tư không đồng thuận. Nhận thức được tình hình đó, Bộ GTVT đã đề xuất giải pháp với Chính phủ và nhận được sự đồng thuận bằng văn bản 1317.

“Trước đây chúng ta lo lắng, nếu dự án BOT kết thúc sớm hoặc cùng lúc với việc đầu tư thiết bị BOO thì không sao, nhưng nếu chậm hơn thì chúng ta lấy gì trả cho các thiết bị BOO? Tuy nhiên, với cơ chế vừa được Chính phủ cho phép, toàn bộ dự án có thể triển khai nhanh chóng, các Ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay để lắp đặt thiết bị. Việc sớm triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc sẽ góp phần minh bạch công tác thu phí trong suốt thời gian vừa qua”, Bộ trưởng nói.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2018, tất cả các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thu phí không dừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm nhưng tiến độ dự án không chỉ chậm lắp thiết bị tại trạm mà công tác dán thẻ mới được 30%.

Nay với văn bản này, những vướng mắc trước đây giữa nhà đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư dự án ETC sẽ được xử lý.

Các bên vướng gì?

Trước đó, tháng 5/2018, hàng loạt đánh giá quan ngại về Dự án thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc giai đoạn I theo hình thức BOO (Dự án BOO) được Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi tới Bộ GTVT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 8/2018, sau 2 năm triển khai, trong số 28 trạm thuộc dự án thu phí tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đến nay Công ty TNHH Thu phí tự động VETC mới vận hành thương mại 2 làn được 24 trạm.

Công ty VETC vẫn chưa thể huy động đủ vốn chủ sở hữu khi mới góp được 129,4/277 tỷ đồng (đạt 57%), trong đó, hai nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tasco góp 28 tỷ đồng, Công ty TNHH thu phí tự động VETC trên 100 tỷ đồng. Theo hợp đồng dự án, trong trường hợp nhà đầu tư không huy động đủ vốn chủ sở hữu, Bộ GTVT có quyền đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng.

Đây là lý do khiến ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, Công ty VETC không thể đáp ứng tiến độ được Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ đặt ra là phải vận hành thu phí không dừng toàn bộ các làn xe tại các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ BOT vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc VETC cho biết, doanh thu của hệ thống thu phí không dừng bị vỡ quá sâu so với phương án tài chính mới là lý do khiến Dự án gặp bế tắc.

Cụ thể, theo phương án của hợp đồng BOO, nhà đầu tư được hưởng giá dịch vụ thu giá ETC thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư BOT, trong đó đáng kể nhất là việc 3 năm đầu tiên (2016, 2017, 2018) doanh thu dịch vụ thu giá ETC được tính bằng 100% chi phí quản lý, tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo số làn ETC tiếp nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các nhà đầu tư BOT yêu cầu được giữ lại 50% chi phí quản lý thu ETC để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát, hậu kiểm trong quá trình thực hiện thu giá bằng hình thức tự động không dừng.

Do hụt một nửa chi phí, nên tổng doanh thu lũy kế mà VETC đạt được tính đến tháng 4/2018 chỉ khoảng 2% so với phương án tài chính (7,72/346,8 tỷ đồng), dẫn đến mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng.

Tính trung bình mỗi tháng, vì VETC lỗ khoảng 11,6 tỷ đồng, nên đã đẩy tổng lỗ lũy kế trong 2 năm thực hiện Dự án BOO này lên tới 123,77 tỷ đồng.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm