Chính sách sẽ mềm dẻo hơn?

NHNN xem ra đang nghiêng nhiều hơn về phía hỗ trợ cho nền kinh tế bằng những điều chỉnh nhỏ trong chính sách, cố gắng làm sao để hài hòa tất cả các mục tiêu. Nghị quyết 49/NQ-CP trong phiên họp C
Chính sách sẽ mềm dẻo hơn?

NHNN xem ra đang nghiêng nhiều hơn về phía hỗ trợ cho nền kinh tế bằng những điều chỉnh nhỏ trong chính sách, cố gắng làm sao để hài hòa tất cả các mục tiêu.

Nghị quyết 49/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2016 đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu và thực hiện các giải pháp phù hợp để quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa của Chính phủ. Việc Nghị quyết 49 yêu cầu NHNN “nghiên cứu và thực hiện các giải pháp phù hợp” cho thấy dường như Chính phủ đã nhận ra rằng chính sách quản lý thị trường ngoại tệ và vàng hiện tại của NHNN cần phải sửa đổi trên một khía cạnh nào đó cho phù hợp với đòi hỏi của thực tế. Hiện tại, trên thị trường ngoại tệ, có dấu hiệu cho thấy chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0% như một phần trong giải pháp chống đô la hóa, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá đã tạo ra những khó khăn nhất định cho hệ thống ngân hàng thu hút nguồn USD trong dân chúng. Nếu người dân có gửi USD vào ngân hàng thì họ cũng chỉ gửi ở dạng không kỳ hạn để có thể rút ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn có nhu cầu vốn tín dụng có kỳ hạn bằng USD từ hệ thống ngân hàng. Nhưng với sự bất cân đối giữa kỳ hạn đầu vào và đầu ra như vậy, các ngân hàng thương mại rất khó có thể huy động đủ vốn USD có kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu vay vốn USD của doanh nghiệp. Thực tế này đã dẫn đến một thực tế khác là các ngân hàng thương mại đã phải “đi đêm” với khách hàng có tiền gửi USD bằng nhiều thủ thuật để thu hút lượng tiền gửi USD có kỳ hạn cần thiết đáp ứng nhu cầu khách hàng vay vốn. Để khắc phục chuyện “đi đêm” này, NHNN đã ra chỉ thị nghiêm cấm các ngân hàng với những hình phạt như không được mở thêm chi nhánh v.v… Tuy tình hình đã có vẻ “vãn hồi” nhưng như vậy thì khó khăn với hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn nguyên đó. Và cái khó của NHNN ở đây là nếu muốn “tháo gỡ” khó khăn cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì NHNN phải trì hoãn thực hiện lộ trình chống đô la hóa, đồng thời chấp nhận cho áp lực lên tỷ giá tăng cao hơn khi nhu cầu giao dịch USD được nối lại như bình thường. Trước những lựa chọn có tính mâu thuẫn, loại trừ trên, NHNN xem ra đang nghiêng nhiều hơn về phía hỗ trợ cho nền kinh tế bằng những điều chỉnh nhỏ trong chính sách, cố gắng làm sao để hài hòa tất cả các mục tiêu trên. Việc nối lại cho vay ngoại tệ ngắn hạn với đối tượng là doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu trong Thông tư 07/2016 là một biểu hiện của sự điều chỉnh này. Tuy việc nới lỏng đối tượng được vay ngoại tệ về bản chất sẽ làm tăng nạn đô la hóa trong nền kinh tế vì đã công nhận ngoại tệ như một phương tiện giao dịch và thanh toán hợp pháp trong lãnh thổ Việt Nam bên cạnh tiền đồng, nhưng NHNN có thể biện minh rằng quy mô giao dịch này chỉ giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp xuất khẩu với khối lượng giao dịch trong phạm vi doanh thu ngoại tệ của các doanh nghiệp này, và đặc biệt là chỉ trong ngắn hạn, nên nạn đô la hóa không trầm trọng hơn đáng kể. Về khả năng điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi USD lên trên 0% như kiến nghị của nhiều người, nếu cứ thẳng thừng thực hiện đúng chỉ đạo chống đô la hóa của Chính phủ thì NHNN có lẽ sẽ phải khước từ kiến nghị này. Bởi việc nâng lãi suất tiền gửi USD lên sẽ càng làm tăng tính hấp dẫn của USD so với tiền đồng, càng khuyến khích dân chúng nắm giữ và sử dụng USD ở Việt Nam. Nhưng nếu xét đến yêu cầu “hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” như trong Nghị quyết 49 thì NHNN rất có thể sẽ chọn giải pháp dung hòa bằng cách nâng trần lãi suất tiền gửi USD lên một chút, chẳng hạn 0,25% hoặc 0,5%/năm nhằm góp phần khơi thông dòng chảy ngoại tệ trong nền kinh tế trong khi vẫn có thể lập luận rằng mức tăng lãi suất này là không đáng kể để tăng mạnh tính hấp dẫn của USD so với tiền đồng, và do dó cũng không làm tăng mạnh nạn đô la hóa ở Việt Nam. Với thị trường vàng, không phải ngẫu nhiên gần đây lại rộ lên chuyện huy động vàng trong dân, một câu chuyện đã có từ vài năm trước. Lãi suất huy động và cho vay tiền đồng hiện tại vẫn đứng ở mức cao bất chấp nỗ lực giảm lãi suất của nhiều phía. Nguồn cung tín dụng ngoại tệ thì bị thắt lại. Vậy thì chỉ còn một kênh huy động vốn tín dụng khả dĩ là vàng. Tuy nhiên, có khá nhiều lý do cho thấy huy động vàng trong dân không chỉ khó khăn vì phải làm cho dân chúng tin tưởng và giao phó vàng của mình cho một tổ chức đứng ra huy động vàng nào đó, mà còn rất rủi ro vì tổ chức huy động vàng này sẽ chịu rủi ro kép từ biến động giá vàng trong nước bằng nội tệ và giá vàng trên thế giới bằng USD. Trước viễn cảnh không mấy khả quan này, phản hồi của NHNN trước kiến nghị về huy động vàng trong dân rằng chưa phải là thời điểm thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia là một sự thận trọng cần thiết. Thay vào đó, có lẽ NHNN sẽ chỉ tập trung vào khơi thông thị trường ngoại tệ như nói ở trên để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ như trong Nghị quyết 49. Tuy vậy, NHNN có khả năng sẽ phải cân nhắc một số điều chỉnh nhỏ trong chính sách quản lý vàng như cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm nữ trang và cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng nữ trang... là những nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và người dân.

TS. Phan Minh Ngọc

Theo Tri thức trẻ

Có thể bạn quan tâm