Chờ một kết cục có hậu!

Sau khi được ban hành vào năm 2011, Thông tư 20 đã ngay lập tức trở thành rào cản khiến hàng trăm doanh nghiệp (DN) thương mại đang kinh doanh, nhập khẩu ô-tô mới lâm vào thế bí. Nhiều DN đã phải rời
Chờ một kết cục có hậu!

Sau khi được ban hành vào năm 2011, Thông tư 20 đã ngay lập tức trở thành rào cản khiến hàng trăm doanh nghiệp (DN) thương mại đang kinh doanh, nhập khẩu ô-tô mới lâm vào thế bí. Nhiều DN đã phải rời bỏ thị trường, và không ít sống trong cảnh thoi thóp! Nguồn gốc và hệ lụy của một thông tư Khi Thông tư 20 có hiệu lực, thay vì đàng hoàng nhập khẩu chính ngạch ô-tô mới 100% ở thị trường khác vào Việt Nam, các DN muốn tồn tại trong kinh doanh ô-tô lại phải đưa xe “chạy vòng” qua nhiều con đường khác nhau như tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương hay là quà biếu tặng... Không ít xe ô-tô hạng sang về theo các đường này đã bị tịch thu vì sai đối tượng thụ hưởng hoặc phải nộp thêm thuế thu nhập cho ngân sách bởi là món quà có giá trị lớn. Tại rất nhiều nước, nhất là những thị trường mà các DN Việt Nam đang nhập khẩu xe không chính hãng như Mỹ, Đức, trong đó trừ các cửa hàng bán xe cũ là không kinh doanh riêng nhãn hiệu xe nào, còn lại các cửa hàng bán xe mới đều đại diện cho một nhãn hiệu cụ thể. Dẫu vậy, mặt hàng ô-tô mới 100% không phải là hàng chính hãng vẫn tiếp tục hiện diện trên thị trường Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của không ít khách hàng muốn lên đời bốn bánh, dù Thông tư 20 vẫn hiện hữu. Nhưng cần nói lại là, trong các lý do để Thông tư 20 ra đời có câu chuyện hạn chế nhập khẩu ô-tô du lịch dưới chín chỗ ngồi để kiểm soát nhập siêu giai đoạn 2010-2011. Bên cạnh đó, ô-tô dù được không ít ý kiến cho là nên đưa thành hàng hoá bình thường, nhưng vẫn “bám trụ” trong danh sách không nhiều các hàng hoá bị đánh thuế thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bởi được coi là hàng xa xỉ. Thậm chí, gần đây nhất, thuế suất thuế TTĐB với các dòng ô-tô hạng sang có dung tích động cơ lớn tăng mạnh như một giải pháp nhằm hạn chế tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ. Mặt khác, ngoài các DN là công ty con, có vốn góp của các nhãn hiệu ô-tô nổi tiếng thế giới được chính các nhãn hiệu này cấp chứng nhận “uỷ quyền chính hãng”, còn có 19 DN nội địa được các thương hiệu ô-tô nổi tiếng khác công nhận là “uỷ quyền chính hãng” sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực đi kèm phục vụ việc kinh doanh ô-tô. Nói vậy để thấy, không phải các DN nội địa không đủ tiềm lực đầu tư kinh doanh ô-tô chính hãng nhưng các thương hiệu xe quốc tế sẽ chỉ chọn những đối tác uy tín để hợp tác bởi hơn ai hết họ rất coi trọng danh tiếng, chất lượng sản phẩm của mình. Điều đó cho thấy, khả năng các DN thương mại bị kiện về xâm phạm sở hữu trí tuệ về sản phẩm và nhãn hiệu khi công khai treo biển bán xe ô-tô mới 100% của một thương hiệu cụ thể mà không có sự cho phép của chủ thương hiệu cũng là dễ xảy ra. Dĩ nhiên để đối phó, các DN sẽ không treo biển rình rang của một thương hiệu cụ thể và như thế, nghĩa vụ bảo đảm các dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ như quy định của chính hãng sẽ khó lòng được bảo đảm, nhất là khi nguồn gốc đầu vào của xe sẽ không được minh bạch. Tương lai nào Thông tư 20 Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định, về mặt pháp lý, Thông tư 20 đương nhiên hết hiệu lực từ 1-7 vừa rồi. Bên cạnh đó, thông tư này vi phạm Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cũng như vi phạm các luật khác như Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, và đặc biệt là trái với Hiến pháp. Chẳng hạn như, Thông tư 20 (yêu cầu nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất) là chính sách đảm bảo sự độc quyền cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn liên quan, và đồng thời tước đoạt cơ hội của nhiều doanh nghiệp khác, và xâm phạm lợi ích chính đáng của đại đa số người tiêu dùng. Về góc độ quản lý, Nhà nước không thể hạn chế nhập khẩu ô tô bằng biện pháp hành chính bằng Thông tư 20, mà phải bằng những hàng rào kỹ thuật khác, nếu cần. Chính phủ đang cam kết liêm chính và kiến tạo phát triển thì không nên duy trì Thông tư 20. Bỏ nó đi, Chính phủ sẽ gửi thông điệp rất tích cực cho môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tạo niềm tin và động lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, ông Cung khẳng định. Cũng cần nhấn mạnh rằng, các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, luôn thực hiện cơ chế nhập khẩu song song để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hàng hóa giá cao mà các nhà sản xuất chính hãng áp đặt. Về góc độ của một nhóm nhỏ các nhà nhập khẩu ô tô hiện nay, ông phân tích, ở vị trí độc quyền, các doanh nghiệp này không có động lực để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh nhất. Cho đến nay, đã có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản đề nghị hủy bỏ Thông tư 20, với lập luận điều này sẽ giúp mang lại một môi trường kinh doanh bình đẳng và hơn hết là cho cơ hội để các DN trong nước được lớn lên. Việc nhiều nhà nhập khẩu trong nước “đã chết” vì Thông tư 20, cho thấy một thực tế đáng buồn và những thử thách mà Luật Doanh nghiệp, bộ luật đặt nền tảng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn phải trải qua trong thực thi chính sách. Ông Nguyễn Đình Cung chua chát rằng, chúng ta đã mất 30 năm, và nay thì ngành sản xuất ô tô Việt Nam không còn cơ hội nữa. Chúng ta không thể mơ hồ để tiếp tục tin họ (các doanh nghiệp FDI) sẽ xây dựng ngành ô tô cho Việt Nam. Giá phải trả là không nhỏ. Vậy nhưng, cái kết nào cho Thông tư 20 vẫn còn treo đó?. Dư luận đang chờ đợi xem, rút cục thì, quan điểm của Bộ Công Thương trong đề án gửi lên Chính phủ là gì? Và liệu có được một cái kết có hậu hay không cho ngành ô tô Việt Nam?. Kiến Giang.

Có thể bạn quan tâm