Chủ tịch Lê Phương Lan: Tình yêu trường, lớp là bí quyết của thành công

Olympia School được cả thầy lẫn trò coi như một ngôi nhà thứ hai! Chỉ nguyên một chi tiết đó thôi cũng đã cho phép người ta nghĩ đến hai chữ “thành công” của mô hình giáo dục mà bà Lê Phương Lan – Chủ
Chủ tịch Lê Phương Lan: Tình yêu trường, lớp là bí quyết của thành công

Bà Lê Phương Lan - Chủ tịch HĐQT của trường Olympia

Trao đổi với Thương Gia, bà Lê Phương Lan chia sẻ: Thành quả của ngày hôm nay đơn giản là xuất phát từ nhu cầu học tập của các con tôi, con của những cộng sự, bạn bè và người thân…

Ở Hà Nội hiện nay có khá nhiều trường quốc tế. Olympia áp dụng mô hình giáo dục Mỹ nhưng lại không mang danh trường quốc tế? Vì sao vậy, thưa bà?

Không hẳn là mô hình giáo dục Mỹ đâu. Nhiều người tưởng chúng tôi “bê” mô hình giáo dục của họ về để áp dụng vào Olympia. “Bê” làm sao được của họ và cũng làm gì có tiền để mua. Chúng tôi cũng không muốn Olympia mang danh trường quốc tế vì bản chất nó vẫn là một ngôi trường của Việt Nam, dạy học bằng tiếng Việt là chính.

“Yếu tố quốc tế” ở đây chỉ là những phương pháp giáo dục, giảng dạy hay của các nước tiên tiến, đặc biệt là của Mỹ được chúng tôi chọn lọc và áp dụng. Tổng hiệu trưởng của trường là người Mỹ - thầy Christopher – một cộng sự đắc lực của chúng tôi trong việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho thầy trò cũng như tìm kiếm và kết nối các đối tác giáo dục của Mỹ, Canada, Australia để phục vụ cho các hoạt động của trường.

Có một số giáo viên người nước ngoài chịu trách nhiệm giảng dạy một số môn học. Họ là những nhân tố quan trọng trong việc áp dụng mô hình giáo dục mới vào môi trường dạy và học của Olympia.

Nhiều doanh nhân có con đang theo học tại trường Olympia có chung nhận xét: Con em họ rất hứng khởi khi được học ở đây. Chúng không bị áp lực về bài vở, điểm số… Ngược lại, chúng thích đến trường và học tập với một niềm say mê, đầy sáng tạo. Do đâu, thưa bà?

Chúng tôi áp dụng phương pháp giáo dục của Mỹ: Lấy học sinh là trung tâm trong mọi hoạt động. Làm sao để các em say mê học tập, phát huy hết khả năng của mình. Các em được học những gì thiết thực nhất, được thực hành, trải nghiệm qua những gì chúng được học.

Chúng tôi có làm test thử vân tay cho học sinh ở bậc tiểu học, từ đó có thể đoán biết được thiên hướng, sở trường của các em để có cách dạy phù hợp. Có em thích kinh doanh, có em thích làm phim, có em khác lại thích công nghệ… Ngoài các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục – Đào tạo, chúng tôi chú trọng đến các môn ngoại khóa, thực hành và cố gắng hướng cho các em được học, trải nghiệm những gì các em thích để tạo cho các em niềm say mê hứng khởi.

Đặc biệt, phần lớn cha mẹ học sinh trong trường đều là các doanh nhân. Nhiều em tiếp thu được tinh thần kinh doanh từ trong gia đình nên rất có tốt chất kinh doanh từ sớm. Chúng tôi để các em tự lập kế hoạch kinh doanh theo nhóm, cách quản lý tài chính của bản thân…

Bố mẹ và thầy cô là những giám khảo chấm điểm những dự án kinh doanh này. Các em rất hứng khởi vì được phát huy hết năng lực bản thân, vừa biết kiếm tiền vừa biết sử dụng đồng tiền đó. Nhưng cũng có những tình huống bất ngờ xảy ra: Có em nấu xôi bán, kiếm được khoảng 100 ngàn đồng/ngày, rất hứng khởi với việc bán xôi và thấy rằng việc học không quá quan trọng vì vẫn có thể kiếm được tiền.

Các thầy cô phải giải thích cho em biết rằng, nếu em học cao hơn, nếu em có nhiều kiến thức thì không chỉ kiếm được 100 ngàn đồng/ngày mà em còn có thể kiếm được nhiều hơn nữa, có thể tự lo được cuộc sống, mua được nhà cửa, ô tô, được đi đây đi đó để biết về thế giới rộng lớn…

Thậm chí là sẽ làm được nhiều việc hơn cho cộng đồng như mang lại việc làm cho nhiều người chẳng hạn. Thông qua những dự án kinh doanh này, các em có thêm kiến thức về kinh doanh, quản lý tài chính và quan trọng hơn là hiểu được công việc kinh doanh vất vả của bố mẹ, chia sẻ với bố mẹ những khó khăn đó.

Như vậy là nhà trường có khuynh hướng đào tạo ra những doanh nhân tương lai?

Thông qua test vân tay, chúng tôi nhận thấy tới 70% học sinh trong trường được thử test vân tay có tố chất làm người lãnh đạo. Vì thế, ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (cấp II và III), chúng tôi chú trọng đến đào tạo kỹ năng lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là hành trang quan trọng để các em bước vào cánh cửa trường đại học. 80% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đi du học ở nước ngoài, trong số đó có đến 80% các em sang Mỹ học.

Những sinh viên này lại là những nhân tố quan trọng vừa kiểm nghiệm lại phương pháp giáo dục của chúng tôi, vừa tạo ra mạng lưới rất hữu hiệu của cựu học sinh trường Olympia. Hàng năm cứ đến hè là các sinh viên lại về trường tụ hội, chia sẻ những kiến thức được học trong các trường đại học ở Mỹ, ở Australia, Canada…; tham gia các hoạt động của trường, giúp đỡ các em đang học trong trường tổ chức các sự kiện, làm phim, video clip… về chính những hoạt động của các em.

Chủ tịch Lê Phương Lan: Tình yêu trường, lớp là bí quyết của thành công ảnh 2

Nghe nói các con của bà đều là những học sinh của trường. Bà cũng cho con đi du học ở Mỹ từ rất sớm – ngay sau khi tốt nghiệp cấp hai?

Đúng là như vậy. Cho con đi du học sớm cũng là một hy sinh khi con còn non nớt. Nhưng sự hy sinh đó là cần thiết vì chính con tôi lại là người kiểm chứng về chất lượng giáo dục của mô hình mà tôi đang áp dụng tại Olympia, kiểm chứng chính đối tác giáo dục của Olympia, nơi con tôi theo học.

Có một điều mà tôi cho là kỳ lạ: Thông qua nhiều hoạt động của trường mà tôi được biết, tôi thấy các thầy cô rất tâm huyết với học sinh, với sự nghiệp giáo dục của mình. Ngoài tiền lương đảm bảo đủ sống còn phải có những yếu tố nào làm thầy trò yêu thương nhau như… nghiện vậy?

Năm 1991, khi mới tốt nghiệp trường đại học Kinh tế quốc dân, tôi về một tập đoàn kinh tế Nhà nước và ngay lập tức được cử giữ chức vụ trưởng phòng kế hoạch. Thế là giở sách ra xem lại, vừa nghiên cứu vừa áp dụng những kiến thức đã được học vào công việc mới.

Tôi đã có kiến thức, kinh nghiệm làm việc theo kế hoạch từ đó. Thời gian sau, tôi được mời về làm chuyên viên đánh giá các dự án của tập đoàn SEO Việt Nam (tập đoàn đa quốc gia có mặt ở nhiều nước trên thế giới); quản lý các nhà phân phối và sau đó làm trợ lý cho chủ tịch tập đoàn tại Việt Nam.

Điều mà tôi đã rất thắc mắc là tại sao người quản lý ở nơi xa mà vẫn khiến mình làm việc tận tâm, đầy hứng khởi, coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình?! Sau này tôi rút ra hai điều: Ngoài tiền lương đủ sống thì doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý giám sát thật tốt; người lao động phải được tôn trọng, có môi trường làm việc phù hợp cho những ý tưởng sáng tạo.

Hệ thống quản lý của tập đoàn SEO rất chặt chẽ: Mọi hoạt động đều theo kế hoạch và nguyên tắc tài chính minh bạch. Nếu làm ăn gian dối thì chỉ 5 phút sau người làm sai sẽ bị đưa ra khỏi công ty. Ngược lại, những việc làm tốt sẽ được khuyến khích và nhận được phần thưởng kịp thời.

Tôi đã cố gắng áp dụng những điều đó vào hệ thống trường mầm non Dream Hours (tiền thân của trường Olympia hiện nay), từ việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (đảm bảo chất lượng ăn, ngủ, nếp sinh hoạt, học tập…), đến tạo ra môi trường làm việc lý tưởng cho các thành viên…

Hiện nay, ở Olympia có rất nhiều học sinh là con, em, cháu… của các giáo viên, nhân viên. Nhiều giáo viên, nhân viên lại là cổ đông của công ty quản lý trường. Vô hình chung, trường chúng tôi như một gia đình lớn. Các thầy cô dạy học sinh kỹ năng sống biết tôn trọng, yêu thương nhau. Người quản lý ngoài công việc quản lý ra còn có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên, nhân viên cấp dưới.

Kể cả khi nhân viên của trường chuyển sang làm việc tại trường khác cũng vẫn giữ quan hệ tốt với Olympia. Học sinh của trường đi du học và khi hè tới, họ lại tụ hội về trường, mang theo kiến thức, kinh nghiệm từ các trường đại học ở nước ngoài về, tự nguyện tham gia vào các hoạt động của trường… Điều đó tạo thêm những hiệu ứng tích cực khiến các thầy cô càng thêm yêu trò, yêu công việc giảng dạy của mình.

“Xấu đều hơn tốt lỏi”. Bà có nghĩ rằng, đó là cách giáo dục rất ấu trĩ, không tạo ra được những nhân tố xuất sắc? Quan điểm của bà về vấn đề này?

Chúng tôi mong muốn tạo ra những nhà lãnh đạo, trước hết là lãnh đạo doanh nghiệp của tương lai. Vì thế chúng tôi chú trọng đến việc dạy các em biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân, tự chịu trách nhiệm về bản thân mình – thông qua kỹ năng tư duy: “Lập và kiên trì theo đuổi để đạt được mục tiêu”.

Chúng tôi khuyến khích các con sử dụng công nghệ, máy móc để nhanh chóng tiến tới mục tiêu. Học sinh không phải là những thợ làm toán mà là những kiến trúc sư sử dụng công nghệ thành thạo, làm quen với lập trình để bắt kịp thời đại.

Xin hỏi bà về một vấn đề khá nhạy cảm trong giáo dục: Người ta nói đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lãi nhất. Ở góc độ kinh doanh, vấn đề “đầu tư” và “lãi” trong hoạt động của trường Olympia được hiểu như thế nào?

Giáo dục là một ngành kinh doanh đặc biệt. Điều đó thì ai cũng biết. Nhóm bạn chúng tôi đầu tư xây dựng hệ thống trường Dream Hours từ khi chúng tôi còn làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp khác.

Chúng tôi phải tranh thủ làm việc ngoài giờ, không hề biết đến thứ bảy chủ nhật… để hoàn thiện dự án xây dựng trường, từ hạ tầng cơ sở đến hệ thống quản lý, chương trình giảng dạy. Một phần tiền lương, các khoản vốn liếng tích cóp được đều dành cho giai đoạn đầu xây dựng. Khi hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi rời bỏ những vị trí ở những đơn vị khác để tập trung toàn bộ sức lực cho sự phát triển của trường.

Năm 2007, ngoài số tiền do cổ đông đóng góp, chúng tôi bắt đầu lập dự án, vay vốn ngân hàng để xây dựng ngôi trường riêng cho Olympia tại khu đô thị mới Trung Văn thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Đến 2012, trường bắt đầu đi vào hoạt động tại địa điểm mới. Kinh doanh giáo dục nhưng vốn vay hoàn toàn là vốn vay thương mại, không được hưởng lãi suất ưu đãi. Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi không phải bỏ thêm vốn cho hoạt động của trường nhưng lại đứng trước giai đoạn hai của sự phát triển: Cần thiết phải xây dựng thêm cơ sở thực hành cho học sinh.

Thế là lại lo lập dự án, tiếp tục vay vốn ngân hàng… Ngày thu hồi vốn còn xa nhưng chúng tôi rất tin tưởng về bài toán kinh doanh của mình vì mọi việc làm của chúng tôi đều có bài toán cụ thể, lại xuất phát từ tâm, từ nhu cầu của chính mình.

Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!

                                                      Nguyễn Kim Khánh (Thực hiện)

Có thể bạn quan tâm