Chủ tịch VPBank và mẹ muốn “bắt đáy” gom 21 triệu cổ phiếu VPB

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đăng kí mua 8 triệu cổ phiếu HDBank từ ngày 21/11/2018 sau khi cổ phiếu VPB giảm sâu “bốc hơi” tới 42% thị giá.
Chủ tịch VPBank và mẹ muốn “bắt đáy” gom 21 triệu cổ phiếu VPB

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ.

Cụ thể, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu VPB. Đồng thời, mẹ ông Dũng - bà Vũ Thị Quyên cũng đăng ký mua vào 13 triệu cổ phiếu.

Thời gian đăng ký giao dịch của hai cổ đông này dự kiến thực hiện từ ngày 21/11 đến 21/12/2018 thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn. Mục đích giao dịch nhằm mua bổ sung cổ phiếu VPB.

Tổng lượng mua của hai cổ đông này lên tới 21 triệu cổ phiếu. Tính theo mức giá hiện tại 19.250 đồng/CP, dự tính hai cổ đông này sẽ phải chi ra khoảng 404 tỷ đồng để gom số lượng cổ phần VPB này.

Được biết, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng và các thành viên gia đình hiện là những cổ đông lớn nhất tại VPBank. Trong đó, ông Dũng hiện sở hữu 113,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,494% vốn điều lệ ngân hàng. Bà Vũ Thị Quyên sở hữu 107,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,257%). Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch VPBank và mẹ sẽ nâng sở hữu lên lần lượt là 4,810% và 4,771% vốn điều lệ.

Động thái mua vào 21 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Ngô Chí Dũng và bà Quyên được đưa ra sau khi cổ phiếu VPB liên tục giảm mạnh tới 42% trong suốt 5 tháng qua từ vùng đỉnh xác lập hồi đầu năm 43.000 đồng/CP. Hiện, giá VPB giao dịch trên sàn phiên sáng nay ở quanh mức 19.250 đồng/CP.

Trước đó, vợ ông Dũng - bà Hoàng Anh Minh cũng đã mua vào 12 triệu cổ phiếu VPB qua 2 đợt đăng kí mua vừa qua, nâng sở hữu lên hơn 125 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 4,9416%).

Mặc dù kết quả kinh doanh của VPBank vẫn tăng trưởng ở mức cao, song do thị trường chứng khoán suy giảm, thanh khoản yếu, giá cổ phiếu VPB cũng bị ảnh hưởng giảm sâu…

Trong 9 tháng đầu năm nay, VPbank ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 22.112 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.125 tỷ đồng, đứng thứ 5 trên toàn hệ thống ngân hàng. Các hệ số về hiệu quả hoạt động ở mức cao: ROE đạt 21,2%, ROA đạt 2,3% và CIR 35%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà Nước đạt 13% và theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt 12%.

Hoạt động tín dụng của VPbank có “giảm tốc” hơn các năm trước song vẫn tăng trưởng cao 17%, đạt 211.092 tỷ đồng dư nợ. Huy động tiền gửi đạt 212.701 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản của ngân hàng tăng thêm 17% so với đầu năm, đạt mức 296.216 tỷ đồng.

Năm 2018, VPBank đã phát hành thành công đợt cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên và thu về gần 337 tỷ đồng để bổ sung vào vốn điều lệ. Tuy nhiên, do diễn biến của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước chưa thuận lợi nên ban lãnh đạo VPBank đã quyết định lùi kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ sang thời điểm khác.

>> Tín dụng “giảm tốc”, VPBank vẫn lãi trước thuế 6.125 tỷ đồng 

Có thể bạn quan tâm