Chưa tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường

Sáng 12/07, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Trước nhiều ý kiến trái chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa thông qua Dự thảo Nghị quyế
Chưa tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính cho rằng thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng cần tăng 1.000 đồng lên mức kịch trần (4.000 đồng). Các loại dầu cũng được đề xuất tăng khoảng 500-1.100 đồng/lít.

Việc điều chỉnh mức thuế BVMT này sẽ góp phần tăng thu NSNN khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường, người đứng đầu ngành tài chính cho hay.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình của Chính phủ bởi tăng thuế giúp nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong việc bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất kinh doanh cũng như với người dân. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế mặt hàng này sẽ tác động rất lớn đến xã hội cũng như nền kinh tế. Ðặc biệt theo ông Giàu, hiện đang là thời điểm áp dụng tăng lương, lại vào mùa mưa bão, học sinh chuẩn bị nhập học, rồi cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc… Chính vì vậy, nếu thời điểm áp dụng tăng như đề xuất của Chính phủ sẽ gây tác động rất lớn, khó kiểm soát được tình hình.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cân nhắc khi áp dụng tăng giá kịch trần với xăng dầu, vì điều này liên quan đến CPI, gây tác động lớn đến người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì quan tâm đến yếu tố hình thành giá xăng. Theo bà Nga, bản chất đây là mặt hàng thiết yếu, nếu tăng sẽ tác động ngay đến xã hội. Mặt khác, theo bà Nga, bản thân việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đã là không đúng, giờ đến thuế BVMT cần bàn kỹ thêm.

Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi tăng thuế gây tác động một chút đến lạm phát, nhưng lại có nguồn thu để chi cho nhiệm vụ BVMT thì cũng cần thiết. Tuy nhiên, bà Ngân lưu ý đến việc tăng cơ học, tăng thuế lại dẫn đến tăng giá. Khắc phục điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bản thân các doanh nghiệp xăng, dầu phải có giải pháp để tiết giảm chi phí, hạn chế thất thoát, để việc điều chỉnh thuế không làm tăng giá xăng dầu, hạn chế tác động đến xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định vấn đề này vào trong nghị quyết. Ðồng thời, các cơ quan tài chính, thuế, hải quan cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả kinh doanh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi hiện nay việc lãng phí còn rất lớn làm đội giá thành. Nếu quản lý tốt sẽ giảm bớt chuyện cứ tăng thuế là tăng giá.

Có thể bạn quan tâm