Chứng khoán Kim Long: Vì sao vội vàng giải thể?

Tại ĐHCĐ thường niên ngày 25/4/2016, các cổ đông của công ty CP Chứng khoán Kim Long (mã: KLS) sẽ quyết định có hay không đồng ý giải thể công ty.
Chứng khoán Kim Long: Vì sao vội vàng giải thể?

Quyết định “khai tử” KLS ở thời điểm này liệu đã tính toán kỹ chưa, có vội vàng không khi công ty chỉ thua lỗ năm 2015?

Nếu ĐHCĐ tới đây chấp thuận việc giải thể công ty, KLS sẽ phải xử lý thoả đáng, đầy đủ hàng loạt nghĩa vụ tài chính với cổ đông, khách hàng để đủ điều kiện được giải thể theo quy định pháp luật. Trước thềm ĐHCĐ năm 2016, Chứng khoán Kim Long bất ngờ công bố tờ trình của HĐQT xin ý kiến cổ đông thông qua phương án giải thể công ty.

Phương án giải thể này đã được các thành viên HĐQT nhất trí vì nhận thấy hiệu quả kinh doanh của KLS không cao như kỳ vọng, ngay cả những năm thuận lợi, mà mục tiêu là phải bảo toàn nguồn lực.

Giải thể vì thua lỗ

Báo cáo tài chính đã kiểm toán cho thấy, năm 2015, KLS đã bị lỗ tới 68,39 tỷ đồng (năm 2014, công ty lãi 145 tỷ đồng). Tổng số lỗ lũy kế tính tới hết năm 2015 của KLS là 66 tỷ đồng. Đến hết quý I/2016, lợi nhuận sau thuế đạt 3,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước là âm 39,06 tỷ đồng.

KLS đã có giải trình rằng chênh lệch lợi nhuận giảm hơn 10% này là do “biến động thị trường tại hai thời kỳ khác nhau nên số tiền trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tại quý I/2016 ít hơn năm trước”… Do lãi quá ít nên công ty vẫn ghi nhận lỗ luỹ kế đến hết 31/3/2016 là 62,33 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị giảm xuống còn 2.276 tỷ đồng.

Theo báo cáo, tại 31/3/2016, KLS có tổng tài sản ngắn hạn hơn 2.290 tỷ đồng, chủ yếu là tiền, các khoản tương đương tiền, tài sản thế chấp… và gần 11 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong khi đó, tổng nợ phải trả khá ít, chỉ khoảng 24,96 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm phần lớn là nợ phải trả ngắn hạn. So với mức vốn điều lệ 2.025 tỷ đồng, số nợ phải trả của KLS ở mức 1,23% là rất khiêm tốn.

Với số lỗ luỹ kế hơn 62,33 tỷ đồng kéo dài 15 tháng qua, HĐQT KLS đã rục rịch chuẩn bị kế hoạch giải thể công ty, sau khi phương án sáp nhập với công ty chứng khoán Sài Gòn SSI bất thành. Theo giãi bày của HĐQT KLS, có nhiều yếu tố khiến họ đi tới đường cùng phải “khai tử” công ty, như quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối nhỏ mà số lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán quá đông, cạnh tranh gay gắt.

Nếu KLS muốn gia tăng thị phần môi giới, tư vấn, đầu tư… thì phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, đối mặt nguy cơ thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông, quy định pháp luật khắt khe khiến các công ty chứng khoán khó thực hiện các khoản đầu tư lớn, dài hạn… Và giải pháp đem tiền gửi ngân hàng cũng không khả thi vì lãi suất liên tục giảm sâu, thấp hơn lãi suất gửi cá nhân.

Thời gian qua, hoạt động của các công ty chứng khoán đã bộc lộ nhiều yếu kém, làm ăn thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán cũng bị nhà đầu tư tố cáo, phản ứng việc mua bán khống chứng khoán, lạm dụng tài khoản nhà đầu tư để kinh doanh, lừa đảo… Nhưng các công ty này vẫn hoạt động “thoi thóp”, chưa đến mức phải “khai tử” như trường hợp của KLS.

Còn lại gì cho cổ đông?

Quyết định sẽ giải thể KLS của lãnh đạo công ty đã gây bất ngờ cho thị trường vì đây là công ty chứng khoán quy mô lớn, có danh tiếng, hoạt động lâu năm… Cơ cấu cổ đông KLS rất đa dạng, khoảng một nửa là cổ đông nhỏ lẻ với tỷ lệ sở hữu dưới 1% vốn điều lệ, số cổ đông lớn chiếm hơn 22%… Các cổ đông cá nhân nắm giữ tới 87% vốn công ty, trong đó, các thành viên HĐQT sở hữu khoảng 16%. Do đó, việc có chấp thuận cho KLS giải thể hay không sẽ phải chờ cổ đông biểu quyết tại ĐHCĐ ngày 25/4 tới đây.

Quá trình giải thể của KLS sẽ phải tuân thủ theo quy định pháp luật, trong đó phải giải quyết các nghĩa vụ tài chính, công nợ với cơ quan thuế, các chủ nợ, khách hàng, quyền lợi của người lao động, cổ đông… Vậy các cổ đông KLS sẽ được chia những gì trong khối tài sản “khủng” còn lại khi làm thủ tục giải thể? Liệu giá trị tài sản có được đánh giá, thẩm định chính xác để đảm bảo quyền lợi của cổ đông?

Về giá trị cổ phiếu KLS, từ năm 2015 đến nay, mã này liên tục sụt giảm, xuống dưới mệnh giá cổ phần và chạm đáy 7.000 đồng/CP (ngày 11/3/2016) sau đồn đoán giải thể công ty. Hiện, giá KLS giao dịch quanh mức 9.200 đồng/CP, khối lượng bán tăng mạnh tới vài triệu đơn vị mỗi phiên.

Tuy nhiên, HĐQT công ty cho hay, do danh mục tài sản là tiền mặt và cổ phiếu niêm yết nên sau khi giải thể, giá trị còn lại chia cho các cổ đông sẽ cao hơn giá cổ phiếu KLS hiện tại trên thị trường, ước tính khoảng 12.489 đồng/CP. KLS đã và đang tiến hành thanh lý danh mục cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu OTC cùng nhiều tài sản khác.

Lãnh đạo KLS cũng dự lường hai phương án: nếu tài sản bị giảm 10% thì giá trị thanh lý mỗi cổ phiếu là 11.240 đồng, giảm 15% thì giá là 10.615 đồng/CP. Mức giá bán tài sản như thế nào để đảm bảo hạn chế rủi ro thua lỗ, bị “ép” giá trong tình cảnh công ty lỗ lớn cũng là vấn đề quan trọng. Bởi có thể rủi ro phát sinh ngoài ý muốn, hay chưa đánh giá hết rủi ro khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị cổ phiếu trong quá trình thanh lý tài sản.

Hải Hà 

Theo Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm