Chút hoài niệm chợ báo Hà Thành

Trong dòng chảy của thời gian cũng như sự phát triển của thời đại, báo giấy - báo in đã và đang trở thành một điều xưa cũ, một chút dư âm để những người thời xưa hoài niệm...
Chút hoài niệm chợ báo Hà Thành

Người ngồi “dãi thẻ” trên vỉa hè giữa đống nhật báo ngổn ngang, người lúi húi gói ghém thắt buộc, người thì lật đếm nhanh thoăn thoắt để “chia báo” vào những cánh tay sốt ruột chực chờ… Giữa tiếng xe đến rồi đi, tiếng léo nhéo kêu gọi, cự cãi... là những cái tên “quyền lực” của làng báo được xướng lên cùng một con số nào đó. Ấy là “phố báo” trước mỗi buổi bình minh từ từ lên trong thành phố, một thứ “chợ” vô cùng đặc biệt trong ký ức thị thành.

“Chợ báo” trong sương

Còn nhớ, cách đây khoảng từ khoảng chục năm năm, hình ảnh quen thuộc mỗi buổi đầu ngày nơi quán cà-phê, vỉa hè hay bến xe… là đội quân bán báo bon chen len lỏi khắp nơi với tấm bìa kê tay, trên đó là những măng-séc sắp hàng chứa đầy tin giật gân, nóng hổi. Thứ “quà sáng” tinh thần ấy đa phần xuất phát từ một điểm – phố báo, hay còn gọi là chợ báo.

Hồi đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, “chợ báo” thường họp từ khoảng hơn 3h sáng, khi báo từ các nhà in ở Nhà Chung, Hàng Tre, Nguyễn Thái Học… được đưa về. Từng chồng, từng chồng báo còn nóng hổi và thơm mùi mực được khuân xuống vỉa hè mặt Tràng Tiền, Đinh Lễ, Nguyễn Xí… chờ rọc gáy, dập ghim hay chia thẳng đến những người bán lẻ. Chỉ nhìn từng chồng báo cao thấp với màu gáy khác nhau, những người thạo việc ở đây có thể đọc vanh vách đâu là Tuổi Trẻ, Thanh Niên… hay Tiền Phong, Lao Động, chưa kể đến vô vàn đầu báo nhỏ “sinh sau đẻ muộn” giữa hồi báo in bung ra đủ loại chuyên đề, chuyên trang, số cuối tuần.

Khi chữ nghĩa chuyển “cuộc đời” từ trang giấy in lên những màn hình thiết bị đủ kích cỡ khác nhau, cũng là lúc công nghệ tác động lên nhịp sống của con người, của xã hội. Không còn tiếng xoạt xoạt khi lật giở từng trang báo, thay vào đó là những cái vuốt, trượt, chạm... trên smartphone. Và chính kiến, quan điểm của mỗi người, thay vì nhìn thẳng vào mắt người đối diện để phát ra, thì chỉ là những dòng comment hữu danh, ẩn danh lạc lối đâu đó giữa dòng thông tin cuộn chảy trên internet

Còn nhớ, những chủ phát hành báo có tên có tuổi hồi ấy thường được nhắc đến là ông Hải, bà Đường, vợ chồng Hùng Oanh, chưa kể đến nhóm Dũng “ga”, Khánh “ga” khu Trần Quý Cáp. Qua khâu của họ, báo được đưa đến hàng trăm sạp lớn nhỏ và len lỏi theo những người bán báo dạo đi khắp nội đô.

Cộng sinh cùng nơi “phân phát chữ nghĩa” này là những hàng xôi, hàng bún, quán nước vỉa hè… phục vụ người mua kẻ bán.
Tất cả diễn ra trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, mà cao điểm nhất là khoảng 4-5h sang, rồi từ từ lắng dần, với những xe đạp, xe máy túa đi khắp nơi trong lòng thành phố. Một ngày mới bắt đầu với những bài “đinh” gây sóng gió dư luận, hay những tin sốc, tin nóng được râm ran bàn luận…

Và, đây cũng là nơi biết bao nhiêu phóng viên lưu giữ kỷ niệm thuở đặt chân vào làng báo, đi giao phim, đi canh in, đi theo phát hành… từng bước làm quen với những khâu nhỏ nhặt nhất của quy trình sản xuất báo đúng nghĩa. Để rồi từ đó trưởng thành cứng cáp vào đời, biết rằng phía sau mỗi tác phẩm báo chí của mình là hành trình miệt mài của biết bao đồng nghiệp, cho đến khi thành “món ăn” tinh thần trên tay độc giả, gây được tiếng vang với xã hội hay mau chóng chìm đi giữa muôn vàn nóng sốt khác…

Từ vỉa hè khu chợ ấy, mỗi tờ báo đến tay độc giả lại có một đời sống riêng của mực đen giấy trắng - người lướt thật nhanh, kẻ đọc đi đọc lại, hay được các chị tiểu thương chuyền tay nhau, các bác xe ôm nhẩn nha lôi ra đọc mỗi khi ngồi chờ khách, cho đến tận khi được tận dụng làm giấy gói hoa, gói xôi, bọc hàng…

Long đong giấy mực…


Họ không chỉ lo về việc thay đổi hoàn toàn phương thức chuyển tải thông tin, thông điệp trong mỗi tác phẩm báo chí cho phù hợp với thể loại mới, mà còn phải tính đến “nồi cơm” vơi đầy khi khoản tiền bán báo dần teo tóp mỗi ngày.Khi thông tin không còn nóng mỗi đầu ngày theo từng số báo in, mà được cập nhật từng phút giây theo những lần refresh (tạm dịch: làm mới) trên trang báo điện tử, cũng là lúc những người làm báo và sản xuất báo chí theo đúng nghĩa của từ này vật lộn với công cuộc duy trì, phát triển tờ báo.

Thực tế cho thấy, số các tờ báo in còn “sống khỏe” từ việc phát hành báo và nguồn thu quảng cáo không nhiều. Trong khi đó, đa số báo điện tử cũng chịu áp lực cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với mạng xã hội.

Trong dòng triều cường khó cưỡng ấy, báo in nói chung và “chợ báo” Nguyễn Xí nói riêng cũng không thể tìm lại ánh hào quang một thuở. Dù chưa có số lượng thống kê chính thức, nhưng theo nhận định của một người làm phát hành chuyên nghiệp có thâm niên mấy chục năm tại Hà Nội, thì số sạp báo đã giảm xuống chỉ còn 1/4 so với thuở “hoàng kim” cách đây 8 – 10 năm.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến công nghệ in hiện đại cùng sự chuyên nghiệp của các nhà in, các đơn vị phát hành tư nhân… khiến “chợ báo” đêm Nguyễn Xí mỗi ngày một đìu hiu, thưa vắng. Các “đầu nậu” báo một thở giờ nhường sản nghiệp cho con cái, hoặc tìm công việc khác mưu sinh.

Giữa dòng chảy vốn được gắn cho cái tên xu thế đó, không chỉ những người làm báo, viết báo, phát hành… mà còn rất nhiều người khác vẫn không khỏi ngùi ngùi khi nhớ về chợ báo trong sương bên Hồ Gươm, về cảnh ngóng người bán báo rong tong tẩy vẫy vẫy tờ báo chạy nhất nơi đầu phố, hay hình ảnh những chiếc xe đạp gắn loa chầm chậm lướt qua, đầy ắp giỏ xe là chuyện “trong nhà ngoài phố” của một ngày…

Và, giữa thời “on thịnh, in suy” như cách nói của làng báo để chỉ cảnh báo online đua nhau phát triển còn báo sin sa sút trăm bề, những sạp báo vỉa hè còn sót lại như những “thành trì” cuối cùng trên phố. Trước cửa báo Nhân Dân góc phố Hàng Trống, cạnh nhà sách Tràng Tiền, đoạn dốc Bà Triệu trước cửa báo Đại Đoàn Kết… như những điểm neo trong lòng người Hà Nội yêu báo sáng, yêu cái cảm giác vắt chân bên ly cà phê đầu ngày đọc tin mới.

Song Hà

Có thể bạn quan tâm