Chuyện doanh nhân Mỹ Bảo

Hà Nội có ngôi nhà số 53 phố Hàng Gai thông sang ngõ Hàng Hành. Xưa kia nó là nhà của doanh nhân Mỹ Bảo, được mọi người trong giới buôn bán Hà Nội tôn vinh là “Vua tơ tằm Đông Dương”.
Chuyện doanh nhân Mỹ Bảo

Ông tên thật là Nguyễn Quý Bảo, quê ở làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Nam Từ Liêm), thuộc dòng họ Nguyễn Quý nổi tiếng đất kinh kỳ thời Lê Trung Hưng.

Ngôi nhà ba tầng phố Hàng Gai lúc đầu không sâu đến vậy, sau do nhu cầu tiếp đón khách quen từ các làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở khắp nơi về nên ông Mỹ Bảo mới mua thêm ngôi nhà phía sau để mở thông sang ngõ Hàng Hành làm nơi ở tạm cho khách trong những ngày lưu trú tại Hà Nội.

Khi ông di cư vào Nam thì ngôi nhà vắng chủ đó bị Nhà nước trưng thu, chia cho nhiều hộ dân đến ở. Phần cửa sau trên ngõ Hàng Hành nay là quán cà phê, nơi thường gặp gỡ của các văn nghệ sĩ Hà Nội như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bảo Sinh, Lê Thiết Cương...  

Trong quan hệ gia tộc, cha tôi với ông Mỹ Bảo là anh em họ bên ngoại. Cụ nội tôi là cụ đồ làng Bưởi thông gia với cụ đồ làng Đại Mỗ, bà nội tôi chính là con gái út cụ đồ làng Đại Mỗ, dòng họ Nguyễn Quý. Còn ông Mỹ Bảo là cháu đích tôn của cụ đồ Đại Mỗ, ngang vai với cha tôi, nhưng lớn hơn cha tôi gần một giáp. Ông chỉ học hết bậc tú tài rồi đi làm kinh doanh theo chí hướng của riêng mình.

Hồi nhỏ, tôi và anh cả thường hay theo cha mẹ đến nhà 53 phố Hàng Gai chơi vào dịp Tết hoặc ăn giỗ cụ đồ Đại Mỗ nên khá thông thuộc ngôi nhà có phòng khách sang trọng và rộng thênh, treo nhiều bức tranh lụa của các danh họa khóa đầu trường Mỹ thuật Đông Dương thời thuộc Pháp.

Cha tôi kể rằng, ông Mỹ Bảo là một người yêu nước từ trong máu của dòng dõi sĩ phu Bắc Hà. Có lần người Pháp mời ông làm Đốc lý Văn phòng Công thương ở phủ Toàn quyền, ông từ tốn đáp: “Người họ Nguyễn Quý ở đất Thăng Long chỉ buôn bán với người Pháp chứ không làm quan cho nước Pháp.”

Ông nói được vì ông làm được. Giới công thương Hà Nội đều biết ông có cổ phần lớn trong hãng hàng không Pháp. Tại trụ sở chi nhánh hàng không Pháp trên đường Tràng Thi giao cắt với đường Quang Trung có hẳn một phòng làm việc của ông và các cộng sự trên gác hai, bên cạnh phòng của giám đốc người Pháp.

Với nông dân ở các làng nghề, ông rất quý trọng, thường nói với nhân viên và các bạn hàng: “Nghề buôn tơ tằm sống nhờ vào nông dân nên các vị đừng bao giờ quá tham mà uống nước cả cặn, phải để cho họ phần lợi xứng đáng. Họ sống được thì làng nghề mới sống khỏe, ta mới có hàng buôn bán để sinh lời. Nếu để họ chết ta sống với ai, lấy cùi tay đi ra nước ngoài chào hàng ư?!”

Có lẽ nhờ tài năng, đức độ, uy tín trong nghề nên hãng tơ tằm Mỹ Bảo của ông nhanh chóng phát triển, đến cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, hệ thống kho hàng của hãng phủ khắp cả nước, sang cả Căm Pu Chia và Lào.

Chỉ riêng hai kho lớn ở làng Đại Mỗ do ông Ba Khả trong họ quản lý và kho hàng ở làng Bưởi do người em vợ là ông Hai Thu trông coi đã đủ sức bao tiêu sản phẩm từ các làng nghề trong phạm vi đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Điều thú vị là trong gia tộc và giới kinh doanh đất Hà Thành có một thời truyền tụng câu châm ngôn bất hủ của ông Mỹ Bảo: “Kinh doanh đôi khi cũng cần những mẹo lừa đúng luật mà vẫn giữ bền nhân cách.” Câu châm ngôn này xuất hiện sau một sự việc hy hữu có một không hai trong nghề tơ tằm ở Đông Dương và trên thế giới.

Cha tôi kể: “Năm ấy bác Mỹ Bảo của con đã có một chiêu lừa ngoạn mục với các bạn hàng toàn xứ Đông Dương để tự cứu mình, nhưng cũng là để giúp họ và còn cứu sống tất cả các làng nghề đang có nguy cơ chết yểu trước sự đe dọa của người Nhật.”

Lúc còn nhỏ nghe cha kể chuyện về bác Mỹ Bảo tôi đâu hiểu hết, nhưng càng nhiều tuổi tôi càng ngộ ra nhiều điều quý giá trong câu chuyện thú vị mà cha và chú Hiền của tôi ở phố Hàng Buồm mỗi lần ngồi uống rượu với nhau thường nhắc lại với niềm ngưỡng mộ vô lượng ông anh họ của mình…

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Nhật chìm ngập trong biển nước mắt của đau thương, mất mát và ly tán. Họ là dân tộc kiên cường nên không bi lụy quá lâu mà đã nhanh chóng dấy lên phong trào phục hưng đất nước, chấn hưng công nghệ.

Trong bối cảnh đó, người Nhật đã phát minh ra loại tơ nhân tạo. Sản phẩm từ tơ nhân tạo của họ giá rất rẻ, có màu sắc đa dạng, bắt mắt lại không bị nhàu nên được khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Thị trường tơ tằm truyền thống bị thu hẹp dần, đe dọa sự sống còn của các làng nghề lâu nay nổi tiếng trên thị trường thế giới ở Trung Quốc, Ấn Độ và ba nước Đông Dương…

Là người có nhãn quan sâu sắc, nhanh nhạy, ông Mỹ Bảo đã sớm nhận ra nhiều yếu điểm của tơ nhân tạo, đặc biệt là khả năng thoát mồ hôi gây bức bí cho người dùng, thậm chí có thể gây bệnh ngoài da cho họ. Tuy nhiên, để người tiêu dùng nhận ra điều này, quay trở lại với tơ tằm truyền thống, đòi hỏi thời gian ít nhất là ba năm.

Quãng thời gian ấy đủ để người nông dân ở các làng nghề trong nước ta phá sản hoặc bỏ nghề. Ông muốn cứu họ và tận thẳm sâu ông muốn cứu nghề, nhưng một mình đơn thương độc mã sẽ không đủ sức, cần các nhà buôn trung lưu trở lên ghé vai gánh đỡ.

Ông Mỹ Bảo và các cộng sự tỏa đi khắp nơi trong xứ Đông Dương vận động bạn hàng chấp nhận rủi ro, thu mua cầm chừng các loại sản phẩm tơ tằm để giúp nông dân và cứu lấy làng nghề. Thật đáng buồn vì họ đều lạnh nhạt quay lưng, từ chối lời kêu gọi của ông.

Tuy vậy ông vẫn kiên quyết thu mua hàng cho nông dân, nhưng cũng chỉ đủ sức thực hiện trong các tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ở các nơi khác, nông dân sống dở chết dở nhưng có nhà yêu nghề vẫn cố gượng làm nhỏ giọt ít một để nghe ngóng và giữ lấy nghề và họ đều kêu cứu, ông nghe thương lắm.

Dẫu thế, chỉ sau hai năm kho hàng của ông đã ngập ứ, không tiêu thụ được, nguy cơ vỡ nợ cận kề, trong khi theo dự báo của ông, khoảng nửa năm nữa thị trường tơ tằm tất yếu sẽ hồi sinh trở lại. Qua nhiều đêm trăn trở, suy tính và cân nhắc, ông Mỹ Bảo quyết định tạo ra một cơn sốt ảo về tơ tằm.

Ông chi tiền cho chủ bút các tờ nhật trình đăng bài do chính ông viết dưới các bút danh khác nhau chê tơ nhân tạo và thông báo nhiều tin tức cho thấy ở các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, người tiêu dùng đang đua nhau săn tìm sản phẩm tơ tằm của Đông Dương vì bên Trung Quốc đang có nội chiến ác liệt, khác với ở Việt Nam chiến tranh chỉ diễn ra trên miền rừng núi, còn vùng đồng bằng có nghề tơ tằm vẫn do người Pháp cai quản.

Mặt khác, bằng mối quan hệ thân thiết từ lâu với các hãng buôn Âu - Mỹ, ông Mỹ Bảo nhờ họ liên tục đánh điện tín giục giao hàng theo các “hợp đồng ảo”, nhưng lại thuê nhân viên bưu điện cố tình để lộ nội dung các bức điện cho giới ký giả và doanh nhân trong nước biết.

Đợi khi dư luận đủ nóng, ông mới ra đòn quyết định bằng chiêu thức mình lại mua hàng của chính mình. Các kho hàng của ông Mỹ Bảo được bí mật phân tán đi các nơi. Sau đó ông thuê những nhà buôn nhỏ ở  địa phương mang hàng từ nơi đó đến chen chúc chầu chực giao hàng tại trụ sở 53 Hàng Gai hoặc các chi nhánh của hãng ở Vinh, Đà Nẵng, Phan Thiết, Bảo Lộc…

Hàng nhập kho ban ngày, đến ban đêm lại bí mật chuyển đi quay vòng tiếp. Cảnh tượng huyên náo ấy diễn ra chừng mười ngày đã khiến các nhà buôn trung lưu trong cả nước nổi máu tham, họ đua nhau thu mua tơ tằm nhưng găm lại chờ ép giá ông khi “thời cơ” đến. Họ đâu biết chính mình đang bị mắc lừa mua hàng tồn kho của hãng tơ tằm Mỹ Bảo.

Khi đã hoàn tất cuộc “đổi kho” ngoạn mục, thoát cảnh vỡ nợ cận kề, ông Mỹ Bảo tổ chức hai cuộc hội nghị khách hàng tại hai trung tâm thu mua tơ tằm lớn ở Hà Nội và Đà Nẵng.

Giữa cuộc họp, ông tuyên bố xanh rờn rằng họ đã bị ông lừa. Ông nói: “Tôi không sợ các vị kiện ra tòa vì tôi làm đúng luật, cũng không áy náy lương tâm bởi tôi quan niệm: Kinh doanh đôi lúc cũng cần những mẹo lừa đúng luật mà vẫn giữ bền nhân cách.

Với các đối thủ cạnh tranh lớn bên Tàu, khi cần tôi sẵn sàng chơi sát ván một mất một còn. Tuy nhiên với các vị, tôi chỉ dùng mẹo lừa nhỏ và đúng luật để các vị rời bến mê về bến ngộ thôi. Đã bao lần tôi hô hào tới mức van vỉ các vị cùng tôi cứu lấy các làng nghề nhưng các vị đâu có nghe.

Làng nghề chết không chỉ nông dân khổ mà chúng ta cũng tiêu luôn, thưa các vị! Tôi đã nai lưng cõng hàng hai năm, giờ chỉ nhờ các vị cõng thêm nửa năm là cùng. Hôm nay tôi xin thề với các vị bằng danh dự của dòng họ Nguyễn Quý làng Đại Mỗ sẽ không để các vị phá sản.

Trước mắt tôi sẽ can thiệp với nhà băng giãn nợ cho các vị thêm nửa năm nữa. Trong nửa năm chờ đợi ấy, tôi chắc chắn sẽ khai thông được thị trường. Dù lúc đó tôi mới là người có quyền định giá mua hàng của các vị, nhưng tôi sẽ không uống nước cả cặn sao cho các vị đủ bù tiền lãi trả nhà băng và có lời thêm chút đỉnh. Hãy chờ xem, Mỹ Bảo đã nói là làm, chưa từng thất hứa bao giờ!”

Quả nhiên mọi việc diễn ra đúng như dự đoán thiên tài và lời hứa của ông Mỹ Bảo với các bạn hàng. Chưa đầy sáu tháng sau hội nghị khách hàng, tơ nhân tạo của Nhật đột nhiên chững lại rất khó tiêu thụ, tơ tằm Trung Quốc sản lượng sụt giảm do chiến tranh, mười phần chỉ còn một. Nhờ thế tơ tằm Đông Dương gần như độc chiếm thị trường Âu - Mỹ.

Ông Mỹ Bảo đã thu được lãi lớn trong các hợp đồng xuất khẩu nhưng vẫn không quên san sẻ lợi nhuận cho bạn hàng và điều quan trọng hơn, ông đã cứu sống được các làng nghề…

Bao năm qua đi, tôi luôn bị ám ảnh bởi lời nhận xét của cha về ông Mỹ Bảo: “Thương trường là chiến trường nên đôi khi phải có mẹo lừa để đạt mục đích. Nhưng lừa ai, lừa thế nào, lừa để làm gì như bác Mỹ Bảo của con đã làm thì trên đời này hiếm lắm!”

Lại nhớ năm 1976, có dịp vào Sài Gòn công tác, tôi đã đến thăm ngôi biệt thự của bác trên đường Bà Huyện Thanh Quan thuộc quận Ba, được biết gia đình đã sang định cư ở Mỹ rất sớm, từ cuối năm 1973, chỉ còn lại người quản gia trung thành theo ông chủ từ lúc còn ở 53 Hàng Gai Hà Nội, nhưng năm 1975 đã không di tản kịp.

Theo người quản gia cho biết, ông Mỹ Bảo đã từng làm Chủ tịch dân biểu đô thành dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau ông lui về ở ẩn tại ngôi biệt thự này. Các con ông đi du học và sinh sống ở nước ngoài từ năm 1968, giờ thảy đều rất thành đạt. Anh Quý Kim làm chủ tịch một ngân hàng ở Mỹ, còn hai chị Mỹ Vân, Bảo Thanh làm chủ tịch và tổng giám đốc một ngân hàng ở Thụy Sĩ.

Riêng ông, trước lúc rời xa đất nước, tuy tuổi già sức yếu vẫn ấp ủ một mơ ước sẽ tái thiết lại nghề tơ tằm của Việt Nam sau chiến tranh với ba ý tưởng lớn: một là gây giống tằm vụ hè vì nước ta khí hậu nóng và ẩm vốn chỉ có thể nuôi tằm vụ xuân và vụ thu; hai là học theo người Nhật sẽ nhập máy ươm tơ mini tám guồng hay 16 guồng rồi phát cho nông dân dưới hình thức cho vay trả dần bằng sản phẩm mà không cần lập nhà máy ươm tơ rất cồng kềnh, kém hiệu quả; ba là nhập công nghệ của Đài Loan về chế biến các loại kén hỏng do gặp mưa kéo dài hay tằm bị bệnh vốn xưa nay đem vứt đi, giờ có công nghệ cào mỏng rồi liên kết lại thành tấm mền chăn đắp và tuyệt vời hơn nữa ta có thể đào bới các hố chôn kén hỏng từ nhiều năm trước chế biến lại vì kén tằm dù chôn dưới đất hàng trăm năm vẫn không bị phân hủy.

Ước gì những điều bác tôi ấp ủ nay thành hiện thực dù chỉ một điều mà sao chưa thấy? Nhiều khi tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu các đại gia bây giờ có được một phần tài đức của doanh nhân Mỹ Bảo ngày xưa thì Việt Nam ta lo gì không đuổi kịp Hàn Quốc trong nay mai!...

Sài Gòn, mùa thu 2019

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Có thể bạn quan tâm