Chuyện đời ông Tiến sĩ “rẽ ngang”

Thuộc thành phần “gia đình có điều kiện”, được đi học nước ngoài rồi về làm công chức một sở lớn tại Hà Nội, đi làm bằng xe BMW 525i trong những năm mà cả Hà Nội chỉ có 3 chiếc xe sang cùng dòng…
Chuyện đời ông Tiến sĩ “rẽ ngang”

 Cuộc đời tưởng như không còn gì mơ ước hơn, cho đến một ngày ông quyết bỏ tất để… “về quê”. 

Sinh năm 1956, tuổi Bính Thân, cái tuổi mà theo các cụ là có số an nhàn hưởng. Thế nhưng dường như với ông, cái sự an nhàn hưởng ấy không hợp. Được đào tạo bài bản (Tiến sỹ về Quy hoạch và quản lý đô thị tại Nhật Bản), sau khi ra trường lập tức được vào làm việc tại những vị trí “ngon” của các cơ quan nhà nước: Tổng cục trang bị kỹ thuật (Bộ Nông nghiệp); Thư ký cho GĐ Sở Kinh tế Đối ngoại Hà Nội…

Những tưởng, công việc quản lý hành chính nhà nước sẽ giữ chân anh công chức trẻ, bởi thời gian công tác tại đây, anh được đánh giá là một công chức mẫn cán, đầy năng lực và nhiệt huyết. Anh chính là người khởi thảo và xây dựng cho nhiều dự án trên địa bàn TP. Hà Nội, đẩy mạnh dòng đầu tư, xuất nhập khẩu, ODA và viện trợ từ các nước đối với Hà Nội… Thế nhưng, cuộc đời của ông Tiến sỹ này luôn có những quyết định khiến người khác bất ngờ. 

Nhận thấy nhu cầu đào tạo nghề, dạy tiếng Trung, tiếng Nhật… cho các doanh nhân Việt Nam liên doanh với đối tác nước ngoài phát triển, vậy là ông bỏ tất: một vị trí tại cơ quan nhà nước mà nhiều người mơ ước, một cuộc sống có danh vị, có điều kiện về kinh tế… để theo đuổi việc xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực. Công việc mà ông coi là cái “nghiệp” của mình. Vì là cái “nghiệp” nên quan điểm của ông cũng rất rõ ràng, và rất quyết tâm. Để có vốn thực hiện dự án này, ngôi nhà 7 tầng số 156 Yên Phụ diện tích gần 1.000m2 mang tên ông đã được bán lấy tiền đầu tư cơ sở đào tạo mới. Một ngôi nhà 100m2 trên phố cổ Hàng Buồm cũng được bán để tập trung vốn cho Trung tâm. Địa điểm mà ông nhắm để xây dựng trường mới của mình chính là khu đất rộng hơn 10.000m2 tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. 

TS. Lê Minh Tiến, TGĐ, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Phát triển Nguồn lực Hoa Anh Đào

nhận giải thưởng “doanh nhân làm theo lời Bác” năm 2014.

Nhưng bao tâm huyết của ông bỗng vấp phải hòn đá tảng mang tên… thủ tục. Tôi gặp ông năm 2002, khi ông bỗng dưng trở thành “người nổi tiếng” với câu chuyện hồ sơ dự án bị các Sở, ban ngành đưa qua, đẩy lại với gần 30 con dấu vẫn chưa xong. Vụ việc của ông nóng tới mức trở thành một chủ đề chất vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội và được đưa ra cả diễn đàn Quốc hội như một ví dụ điển hình của những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu khiến ông “nổi tiếng” như vậy là quyết tâm “không giống ai” khi nhất định không “bôi trơn” để đạt được mục đích. “Tôi đã từng làm công chức, và tôi không muốn mình góp phần làm xấu hình ảnh của người công chức”, một quan điểm rất đơn giản, nhưng cũng chính vì nó mà ông gặp vô vàn khó khăn cho dự án tâm huyết cả đời của mình.

“Cũng may, nhờ tiếng nói của báo chí mà câu chuyện của tôi được biết tới, được thành điển hình, và được đưa ra thành trường hợp điểm của Hà Nội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp”, ông chia sẻ. Cuối cùng, sau rất nhiều công sức, dự án của ông đã được triển khai, đi vào hoạt động với hệ thống đào tạo khép kín.

Nhưng ông lại tiếp tục có một quyết định khiến rất nhiều người trong nghề ngạc nhiên. Đó là trả lại giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để chuyển sang mô hình đào tạo du học sinh sang Nhật. Đối với các DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ thì đây là một trong những trường hợp hi hữu. Bởi để có được giấy phép hoạt động XKLĐ thời điểm đó không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng, với những người thực sự hiểu ông thì đây lại là một quyết định thể hiện tầm nhìn rất xa của một doanh nhân. Với cách làm mới, các bạn học viên hoàn toàn có thể nâng cao thu nhập, trong khi đó, các bạn vẫn đảm bảo được con đường học hành của mình…

Sau hơn 10 năm, có dịp ngồi ôn lại chuyện cũ cùng ông trong một buổi chiều thu đẹp, ngồi uống trà với ông tại “đại bản doanh” của Trung tâm. Tôi hỏi, “Anh có thấy mình “dại” khi đánh đổi nhiều thế để theo đuổi dự án này không? Vì với 2 cơ ngơi như vậy, rất nhiều người sẽ chẳng cần làm gì vẫn có thể sống thoải mái?”. Thật bất ngờ khi ông lại hào hứng như 10 năm trước khi nói về dự án của mình. “Tôi chấp nhận đánh đổi để theo đuổi ước mơ của đời mình” ông cười nói.

"Đào tạo nguồn nhân lực là cái "nghiệp" của tôi".

TS Lê Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần phát triển nguồn lực Hoa Anh Đào

Tôi lại thấy ánh mắt đầy nhiệt huyết của ông khi kể về việc sắp triển khai xây dựng khu nhà tổng hợp với dịch vụ khép kín cao 35 tầng trên diện tích đất 3.000m2 trong khuôn viên Trung tâm, về ước mơ biến nơi đây thành trung tâm đào tạo lớn nhất về quy mô, chất lượng và độ chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam… “Khi dự án này hoàn thành tôi sẽ có điều kiện để thực hiện điều đó. Vì nhu cầu từ phía Nhật là rất lớn. Đặc biệt, với các bạn có chí hướng, hệ thống giáo dục Nhật Bản sẽ là một nên tảng vững chắc cho các bạn khi trở về nước. Và trên thực tế, có rất nhiều bạn du học sinh khi đi chỉ có tấm bằng THPT, nhưng khi về đã có trong tay tấm bằng đại học của Nhật Bản, đủ tự tin, đủ vốn để mở DN, tự mình làm chủ chính mình”… Có lẽ, những đam mê trong ông vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Khi ông quyết định bỏ “phố” đề về “quê” xây trường.

Ông là T.S Lê Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần phát triển nguồn lực Hoa Anh Đào, trụ sở tại Đồng Nhân, Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội.  

Có thể bạn quan tâm