Chuyện gì đang xảy ra với cổ phiếu FTM?

Giảm 18 phiên liên tiếp trong đó có 15 phiên giảm sàn, cổ phiếu FTM hiện chỉ còn giao dịch tại mức giá 8.140 đồng/cp, “bốc hơi” 66% thị giá so với đầu tháng 8.
Chuyện gì đang xảy ra với cổ phiếu FTM?

Sau 2 tháng đi ngang quanh vùng giá 24.000 – 25.000 đồng/cp, cổ phiếu FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã bắt đầu chuỗi giảm mạnh từ phiên 12/8. Theo đó, FTM đã đóng cửa trong sắc đỏ 3 phiên liên tiếp 12,13,14/8 xuống 23.650 đồng/cp.

Tuy nhiên, quãng thời gian “đen tối” của FTM chính thức bắt đầu bằng phiên giảm sàn ngày 15/8 và sau đó là 14 phiên giảm sàn tiếp nối về mức 8.140 đồng/cp (phiên sáng 5/9).

Trước khi bất ngờ lao dốc, khối lượng giao dịch bình quân một năm qua của FTM đạt gần 1 triệu đơn vị, tuy nhiên tính đến kết thúc phiên sáng ngày 5/9, lượng dư bán sàn đang là hơn 20 triệu đơn vị trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ 10 cổ phiếu. Nếu so với con số tổng cộng chỉ có 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành thì cổ đông đã mang 40% cổ phần công ty ra chất lệnh bán sàn. 

Hiện, Fortex có 9 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần công ty. Chúng tôi cũng phải nói thêm rằng, đến khoảng đầu năm 2018 thì FTM chỉ có 2 cổ đông lớn là bố con ông Lê Mạnh Thường, Lê Thuỳ Anh với tổng tỷ lệ sở hữu 31,73% nhưng sang cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thêm các cổ đông lớn khác như Lê Quốc Quân, Nguyễn Chí Cường, Lê Văn Đỉnh, Lê Quốc Dân, Phạm Đình Giá, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Ngọc Huyền. 

Sự xuất hiện ồ ạt của các cổ đông lớn giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019 đã kéo theo việc 9 cổ đông lớn nắm đến hơn 90% vốn điều lệ của FTM trong đó 2 bố con ông Lê Mạnh Thường là cựu chủ tịch HĐQT (ông Thường từ nhiệm vị trí từ 16/4/2019) của FTM nắm giữ gần 32%. 

Trước đó, cổ phiếu FTM đã bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ theo thông báo vào ngày 16/8 với lý do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng 2019 là số âm.

Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết sàn HoSE từ tháng 2/2017 với giá ngày giao dịch đầu tiên 16.000 đồng/cp. Hơn hai năm, FTM hầu như đi ngang quanh vùng giá 15.000 đồng/cp và kể từ nửa cuối tháng 2 bắt đầu tăng mạnh lên trên 25.000 đồng/cp, cổ phiếu đạt mức giá cao nhất 25.200 đồng/cp vào phiên giao dịch 27/5.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 11,6% về còn 2,3% và chỉ còn 10 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng chi phí lãi vay tăng 20% nên công ty bị lỗ 31 tỷ đồng so với lợi nhuận 28 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Hàng tồn kho tại ngày 30/6 đạt 368 tỷ đồng, đã tăng mạnh 2,51 lần so với đầu năm, tập trung chủ yếu là nguyên vật liệu với 301 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ, Fortex cho biết những biến động thất thường kể trên là do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc tới nền kinh tế thế giới nói chung và ngành nghề kinh doanh của công ty nói riêng. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của Fortex và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại làm cho sản lượng tiêu thu và giá bán của công ty giảm mạnh dẫn đến doanh thu sụt giảm và thua lỗ.

Theo một nhà đầu tư có kinh nghiệm, nguyên nhân cổ phiếu FTM rơi vào tình cảnh hiện tại chủ yếu đến từ việc bị cắt margin bởi trước khi báo cáo tài chính soát xét bán niên được công bố, cổ phiếu FTM vẫn nằm trong danh sách các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ.

Điều này trùng hợp với sự xuất hiện của các cổ đông lớn hồi đầu năm, có thể nhóm cổ đông này đã dùng tiền margin mua cổ phiếu, đến nay cổ phiếu rơi vào trạng thái ngoài tầm kiểm soát, bị các công ty chứng khoán bán giải chấp ồ ạt.

>> Chờ 12 phiên giảm sàn liên tục, Yeah1 toan tính gì khi mua 3,1 triệu cổ phiếu quỹ?

Có thể bạn quan tâm