Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: DN ngành nhựa cần nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng

Để phát triển bền vững, DN ngành nhựa và bao bì cần tận dụng tốt tiềm năng trên thị trường nội địa; đồng thời, tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tra
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: DN ngành nhựa cần nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Khuyến cáo này đã được TS.Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo chuyên đề: “Ngành nhựa Việt Nam-Công nghiệp đóng gói: cơ hội lớn từ CMCN 4.0” do Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad (Bộ Công thương), Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp thị và Thương mại Yorkers phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tiềm năng nhiều…

Tại hội thảo, TS.Nguyễn Minh Phong nhận định, có nhiều tiềm năng phát triển ngành nhựa và bao bì. Ông Phong cho biết, trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15 - 20%/năm. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477.000 tấn nhựa, tăng 99,87% về lượng so với năm 2016.

Bên cạnh đó, khi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (VEFTA) được ký kết và triển khai sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhựa đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là nhu cầu về bao bì nhựa tăng cao.

“Thị trường trong nước cũng gia tăng và tạo động lực phát triển ngành nhựa, bao bì do mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam không ngừng tăng” – ông Phong nhận định.

Ông Phong cũng cho rằng, cùng với sự bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn 5 năm tới, ngành nhựa và bao bì sẽ ngày càng phát triển cả về quy mô và công nghệ.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng lĩnh vực đóng gói, ô tô, điện tử và các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam.

“Đặc biệt, công nghệ “bao bì xanh”, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, giảm thiểu, phát thải và đa tiện ích sẽ lên ngôi, gắn với xu hướng đổi màu mô hình tăng trưởng kinh tế từ “Nâu sang Xanh” và mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường sống trong mỗi quốc gia và trê phạm vi toàn cầu”.

Nhưng thách thức cũng lớn

Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng theo ông Phong, ngành nhựa và bao bì còn gặp một số thách thức nổi bật. Cụ thể, ngành nhựa và bao bì sẽ gặp sức ép về sự cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu thế trong cuộc chạy đua kỹ thuật, máy móc công nghệ cao...

Ngoài ra, các doanh nghiệp bao bì FDI có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước. “Máy móc, công nghệ của họ rất hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín từ A đến Z, hầu hết tự động hóa, nên chi phí thấp và năng suất rất cao. Thực tế cho thấy, với các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao, thị phần hiện vẫn tập trung vào các công ty nước ngoài như Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)...” – ông Phong cho biết.

Áp lực giảm giá thành và giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập cũng là một trong những thách thức đối với ngành nhựa và bao bì. Theo ông Phong, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam cần trung bình 2 – 2,5 triệu tấn nguyên vật liệu, nhưng đang phải nhập khẩu tới 75-80%. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã và đang làm tăng chi phí đầu vào theo giá nguyên liêu nhập (giá nguyên liệu chiếm từ 60% đến 70% giá thành sản xuất) và tăng rủi ro tỷ giá, giảm sự chủ động, sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa.

Hơn nữa, nếu thiếu nguyên liệu nhựa kéo dài, việc vỡ kế hoạch sản xuất sẽ khiến DN phải bồi thường hợp đồng đã ký và có thể mất hợp đồng tương lai.

Rủi ro chính sách đối với DN nhập khẩu giấy nguyên liệu còn tăng bởi sự chậm giải phóng các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu do sự bất cập mang tính “chuyển từ cực đoan mở sang cực đoan đóng” của chính sách ban hành và năng lực, trách nhiệm thực thi chính sách kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu giấy của các cơ quan hữu quan….

Những giải pháp thích ứng

Để giải quyết phần nào vấn đề trên, ông Phong cho rằng, DN cần tận dụng tốt tiềm năng trên thị trường nội địa; đồng thời, tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng. “Thị trường châu Âu thường chiếm 60-70% kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa; bởi vậy, khai thác thị trường này trong triển vọng ký và triển khai EVFTA là có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển DN nhựa, bao bì Việt” – Chuyên gia kinh tế Phong nhận định.

Ông Phong cũng cho rằng, cần chủ động tái cơ cấu đầu tư, phát triển liên kết cộng đồng và giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài. Đặc biệt, cần xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ; thu hút nhân tài và nâng cấp quản trị doanh nghiệp; tiếp cận các dịch vụ thông tin và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các ngành, địa phương cần gia tăng các dịch vụ hỗ trợ DN nhựa và bao bì. Theo đó, Chính phủ cần xem xét khuyến nghị của Hiệp hội giấy và bột giấy với bộ Công Thương về ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì carton sử dụng nguyên liệu tái chế….

Có thể bạn quan tâm