Chuyên gia MBS: “Nhiều khả năng thị trường sẽ chững lại trong 2 tuần đầu tháng 7 trước khi tiếp tục bùng nổ”

Chuyên gia MBS cho rằng trước khi thực sự bước vào kỳ báo cáo quý 2 thì TTCK tháng 7 sẽ có 2 tuần đầu thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi thị trường đang ở vùng điểm cao nhất trong 10 năm trở lại đ
Chuyên gia MBS: “Nhiều khả năng thị trường sẽ chững lại trong 2 tuần đầu tháng 7 trước khi tiếp tục bùng nổ”

Sau giai đoạn bùng nổ tháng 6, TTCK bước vào những ngày đầu tháng 7 với tâm lý khá thận trọng. Điều này có thể thấy rõ khi thanh khoản thị trường có phần sụt giảm trong vài phiên gần đây và chỉ số VnIndex luôn chịu áp lực bán mạnh mỗi khi áp sát kháng cự 780 điểm.

Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK HSC cho biết hiện tại thị trường có vẻ đã bước một chút vào vùng quá mua nên những động thái gần đây là bình thường. Trước mắt, HSC giữ quan điểm thận trọng vì hiện mức độ margin cao và một số chỉ báo kỹ thuật cho thấy sức ép đối với thị trường.

Tháng 7, thị trường hồi hộp chờ đợi KQKD quý 2

Mặc dù đang chịu áp lực điều chỉnh, tuy nhiên điểm tích cực với thị trường lúc này dòng vốn khối ngoại vẫn luôn thường trực nâng đỡ. Bên cạnh đó, những thông tin về KQKD quý 2 cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường.

Theo đánh giá của ông Đỗ Bảo Ngọc – chuyên gia nghiên cứu cao cấp CTCK MBS, thị trường hiện đang kỳ vọng vào KQKD quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ được công bố từ sau 20/07/2017.

Chính vì vậy, ông Ngọc cho rằng tháng 7 sẽ là giai đoạn mà TTCK ghi nhận sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu theo KQKD. Theo đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết kết quả lợi nhuận tăng trưởng sẽ thu hút được dòng tiền và có diễn biến giá tích cực, trong khi những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém có thể sẽ chịu áp lực giảm giá khi dòng tiền rút ra.

Chuyên gia MBS cho rằng trước khi thực sự bước vào kỳ báo cáo quý 2 thì TTCK tháng 7 sẽ có 2 tuần đầu thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi thị trường đang ở vùng điểm cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Chính vì vậy, về diễn biến nhiều khả năng thị trường sẽ giằng co, thậm chí có thể điều chỉnh nhẹ trong 1-2 tuần đầu tháng 7 và chỉ số VnIndex điều chỉnh về vùng 765 -770 điểm trước khi thực sự hồi phục để tiếp tục xu thế tăng kể từ 2 tuần cuối tháng 7. Bởi lẽ, đó là quãng thời gian cao điểm công bố KQKD quý 2 và nhiều thông tin có thể được hé lộ.

Về trung và dài hạn, ông Ngọc vẫn đánh giá thị trường sẽ có xu thế tăng trưởng tích cực trong năm nay khi nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ như lãi suất thấp, lam phát thấp, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức cao...

Nhóm cổ phiếu nào là tâm điểm của dòng tiền?

Đánh giá về các nhóm ngành thu hút dòng tiền trong thời gian tới, ông Ngọc cho biết nhóm ngân hàng sẽ có kết quả lợi nhuận khả quan, nhất là khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức cao hơn nhiều so với bình quân 5 năm trở lại đây. Trong khi lợi nhuận ngân hàng việt nam chủ yếu đến từ mảng tín dụng. Do đó, nhóm ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường chung.

Một nhóm cổ phiếu khác cũng được nhiều kỳ vọng là chứng khoán khi KQKD quý 2 được dự báo khả quan bởi trong quý này thị trường vẫn giao dịch sôi động, thanh khoản cao, xu thế tăng giá cổ phiếu khá rõ. Đây là điều kiện tốt để các CTCK tăng doanh thu từ cả mảng dịch vụ chứng khoán, cho vay margin và có kết quả đầu tư tốt từ mảng tự doanh.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng cũng hứa hẹn KQKD tốt. Đây là nhóm hưởng lợi theo chu kỳ kinh tế, với việc kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng phục hồi là điều kiện tốt để các ngành này phát triển.

Nhóm dược dược phẩm, thực phẩm - đồ uống, hàng tiêu dùng cũng là những lĩnh vực mang tính ổn định cao trong nền kinh tế, nhóm này tiếp tục được kỳ vọng sẽ duy trì KQKD tốt như đã diễn ra trong nhiều năm qua, ngay cả khi nền kinh tế ở giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, một số nhóm khác đáng chú ý như nhóm ngành vận tải (hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm trong quý 2), nhóm thủy điện thuộc khi vực miền trung (hưởng lợi khi lượng mưa trong quý 2 nhiều, sản lượng điện tăng khá)...

Theo Hoàng Anh/ Trí thức trẻ

>> Nâng hạng thị trường chứng khoán cần nhiều nỗ lực

Có thể bạn quan tâm