Chuyên gia nói về việc người phụ nữ đau đớn sau phẫu thuật: "Máu tích tụ ở ngực không có gì đáng lo ngại"

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Qua quan sát về trường hợp chị Ngô Ngọc L. phản ánh bị đau nhức vì tụ máu không đáng lo ngại, nguy hiểm”.
Chuyên gia nói về việc người phụ nữ đau đớn sau phẫu thuật: "Máu tích tụ ở ngực không có gì đáng lo ngại"

Liên quan đến vụ chị Ngô Ngọc L. (36 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chi 13.000 USD (khoảng 290 triệu) để phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và nâng ngực tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C. nhưng bị đau nhức, tụ máu sau ca mổ, chiều ngày 25/5, trao đổi với chúng tôi, GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sau khi báo chí và các trang mạng đăng tải thông tin, ông cũng nắm qua về vụ việc.

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, y học phát triển, việc phẫu thuật nâng ngực rất ít xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số ít trường hợp có thể xảy ra các biến chứng. Hiện có hai loại hình phẫu thuật nâng ngực đó là phẫu thuật đặt túi độn ngực và một loại phẫu thuật bơm mỡ. Mỗi loại phẫu thuật lại có biến chứng khác nhau.

Ông Sơn cho biết, sau khi phẫu thuật nâng ngực khoảng 7 ngày, vết mổ sẽ liền lại. Về trường hợp nhiều người thắc mắc sau phẫu thuật thường tích tụ máu gây thâm tím, ông Sơn cho biết, tụ máu không đáng lo ngại, máu có thể tích tụ vài CC máu, một vài ngày sau sẽ tự tan. Về chị Ngô Ngọc L., sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C. đăng tải thông tin trên mạng, ông Sơn đánh giá: "Trường hợp này không đáng lo ngại, máu tích tụ ở ngực không có gì đáng nguy hiểm".

Chị Ngô Ngọc L. đau nhức sau khi phẫu thuật nâng ngực. Ảnh facebook

Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho biết, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng từ ngày thứ 2-6, các dịch tiết chảy ra nhiều, ngực căng, sốt, đau nhức hoặc chảy dịch qua đường mổ. Nếu mắc triệu chứng trên thì nên đến bệnh viện để khám.

Ông Sơn cũng đưa ra khuyến cáo, đối với những bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, các bệnh lý về gan và rối loạn đông máu thì không nên phẫu thuật.

Về thông tin chị L. phản ánh, trao đổi với chúng tôi, đại diện Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C. cũng cho biết, tụ máu vết mổ do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật là hiện tượng hoàn toàn bình thường, đặc biệt là các ca đại phẫu như phẫu thuật nâng ngực. Bản thân việc chảy dịch cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình giải phóng dịch máu cũ ra ngoài.

Theo vị đại diện bệnh viện, phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa theo yêu cầu của khách hàng thường làm tổn thương mao mạch hơn so với thao tác đưa túi độn trực tiếp vào dưới cơ qua đường rạch ở nách, nên việc xuất hiện các vết bầm tím có thể xảy ra. Thông thường, sau một thời gian mao mạch hồi phục, vết bầm tím này sẽ mất đi sau 20 ngày đến 1 tháng tùy cơ địa mỗi người.

Do đó, nếu không có các biểu hiện nhiễm trùng thì có thể kết luận quá trình hồi phục đang diễn ra hoàn toàn bình thường. Đối với dịch từ vết mổ, dựa vào kết quả khám cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định việc hút dịch có cần thiết không, nếu như lượng máu tụ nằm trong ngưỡng cho phép cơ thể có thể tự hấp thụ mà không cần hút dịch thì bác sĩ sẽ không chỉ định bất cứ can thiệp ngoại khoa nào khác để cơ thể tự thích ứng.

Bệnh viện Thẩm mỹ K.C. cũng chia sẻ thêm, để đảm bảo khách quan, nếu chị Ngô Ngọc L. có yêu cầu, bệnh viện sẵn sàng mời bác sĩ chuyên khoa độc lập để xem xét, đánh giá chính xác tình trạng của khách hàng và chịu các chi phí về việc này. Bệnh viện cam kết sẽ tiếp tục điều trị cho khách hàng theo đúng lộ trình, đảm bảo vấn đề sức khoẻ, thẩm mỹ của chị L. đối với ca phẫu thuật.

Có thể bạn quan tâm