Chuyện hoa tre và lễ hội

Cứ qua Tết nguyên đán, những hình ảnh tranh cướp lộc tại các lễ hội truyền thống lại diễn ra. Những bức hình đầy máu me của cuộc tranh cướp lộc hoa tre tại Đền Gióng đã gây tiếng xấu cho lễ hội độc đá
Chuyện hoa tre và lễ hội

Thật buồn cho biến thái lễ hội ở Việt Nam. Tôi đọc báo, xem TV thấy họ phân tích nhiều điểm lắm, nhưng theo tôi nguyên nhân ở một điểm rất quan trọng không thấy ai nói đến, đó là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức XH đã đến mức báo động, đặt cái lợi vật chất (lộc) lên trên hết, được gia tốc bởi những tấm gương tham nhũng lớn và sự quản lý thế nào đó. Nhưng ở bài viết này, tôi không định bàn về chuyện đó, mà tản mạn một chút về gốc gác hoa tre và tục cúng hoa tre, nhất là trong các lễ hội ở một số nước có tre.

Tre hoặc trúc (theo chữ Hán) là loại cây thân gỗ, thuộc họ cây cỏ Hòa thảo (Poaceae, hoặc còn gọi là Gramineae), phân họ Tre, tông Tre (Bambusaceae),và ngành cây mộc lan (Magnolia). Trên thế giới có gần 1500 loài tre thuộc trên 70 chi phân bố trên 5 triệu hecta đất. Chúng tập trung chủ yếu ở Nam Á và Đông Nam Á, một số nơi ở châu Âu, Phi và châu Mỹ và gắn bó rất mật thiết với tín ngưỡng, phong tục của người dân các nước có tre.

Ở Nhật Bản, cây tre rất được tôn kính cho nên không ai làm điều gì sai trái với nó. Do vậy, cây tre cũng đóng vai trò không thể thiếu trong các lễ hội. Lễ hội Omizu-tori (có nghĩa là múc nước - water drawing) là tục lệ được biết tới từ năm 752, tổ chức vào những giờ cuối cùng ngày 12/3 và những giờ đầu của ngày 13/3, là nghi thức trung tâm của lễ hội Shunie tổ chức tại Nigatsudo Hall ở đền Todajii, thuộc quận Nara, Nhật Bản.

Nghi thức này bắt đầu bằng việc vẫy những ngọn đuốc bằng củi tre trên ban công của lâu đài, những tia lửa rải rác rơi xuống đám đông bên dưới như hoa nở để xua đuổi những điều xấu xa. Lúc đó, các vị thầy tu mới bước đến một giếng nước bên dưới lâu đài múc nước, hiến dâng cho đức Phật. Một lễ hội khác là Lễ Toka-Ebisu được tổ chức tại Imamiya Shrine, tỉnh Osaka từ ngày 8 đến 12 tháng Giêng hàng năm để cầu sự may mắn cho việc làm ăn. Tên của lễ hội này là phần quan trọng nhất của lễ Mồng 10 tháng Giêng. Trong lễ hội, mọi người đều mua Sasa (một loại trúc nhỏ) đặt trên bàn thờ thần Shinto trong nhà mình để cầu lộc. Bình Sasa để trên bàn thờ cho đến lễ hội sang năm mới được thay. Toka nghĩa là ngày thứ mười của tháng. Ebisu là một trong 7 vị thần may mắn được tôn kính như thần giám hộ việc làm ăn, giống như thần tài ở Việt Nam. 

Người Nepan, Indonesia cũng có những nghi thức tương tự. Người dân ở nông thôn Nepan sinh ra và mất đi luôn có sự bảo vệ của cây tre. Họ có phong tục, khi một đứa trẻ ra đời, bé phải được đặt vào một chiệc kokro (một loại nôi nhỏ làm bằng tre) để ma quỉ không thể bén mảng đến gần. Khi qua đời, người chết phải được đưa đi bằng một chiếc cáng làm bằng tre để người chết được siêu thoát, không bị những thế lực ma quỉ ám vào và giữ lại.

Mấu chốt của các phong tục đó là cây tre được cho là có khả năng xua đuổi ma quỉ. Cây Nêu là một thân cây tre cao được người dân Việt Nam nói chung, bao gồm cả một số dân tộc thiểu số và người Kinh, đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục và dân tộc, nhưng đặc biệt nhất là treo “hoa tre” (“hoa tre” này được chẻ từ một thanh tre giữ nguyên mấu đốt ở đầu thanh để giữ các sợi dính lại ở đó, trông hơi giống cái phất trần, có khi được nhuộm màu).

Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết, là để xin thần thánh ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ, mong cho gia đình có một năm mới bình an. Tuy nhiên hiện nay, theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của từng cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn. Ngày nay, ở thành phố, sau giao thừa, đôi khi người ta thay thế cây nêu bằng tre vốn khó kiếm bằng những cây có dáng hình tương tự tre, ví dụ như cây mía. Người Nhật cũng có niềm tin tương tự. Tre thường được trồng xung quanh các đền thờ Thần để xua đuổi ma quỉ, hoặc múc nước thờ vào những chén tre khiến ma quỉ không thể nhập vào trong chúng ta...

Ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, trên mâm cơm cúng gia tiên không thể thiếu bát canh măng. Trong mọi dịp tiễn năm cũ ra đi, đón Năm Mới đến, hay giỗ chạp, đầu tháng, ngày rằm… trên bàn thờ của người Việt không thể thiếu nén hương trầm, cũng làm bằng trầm bọc quanh thân hương bằng tre. Cứ ngày 4 đến 16 Tết âm lịch, người Việt Nam có tục cúng bổn mạng đầu năm, họ cúng tranh bổn mạng (tranh con trai, con gái, ông, bà, các súc vật) và hoa tre để thế mạng và cầu mong năm mới mọi người trong gia đình được bình an.

Người ta dâng hiến hoa tre vì cho rằng hoa Tre là một loài hoa quý, mang ý nghĩa tinh tuý của trời đất, là kiệt tác của tạo hoá tự nhiên vì khi cây tre ngót trăm tuổi mới nở hoa. Nhưng không dễ kiếm hoa tre nên thường nó được thay bằng hoa tre làm từ thanh tre. Hiện nay nhiều nơi đã không còn dùng hoa tre để cúng bổn mạng nữa, nhưng phong tục cúng hoa tre này hiện nay vẫn được lưu giữ ở một số địa phưong, rõ nét nhất là ở Huế. Ở miền Bắc cũng có tục dùng hoa tre. Trên bàn thờ, nhiều nơi cắm những cành hoa tre, ở bát cơm cúng người mới mất, cũng có đôi đũa mà đầu được chẻ ra làm hoa tre cắm vào, để người chết được siêu thoát.

Ở Đền Gióng, nghe nói lộc hoa tre được đem cúng là tượng trưng cho Thánh Gióng ngày xưa nhổ bụi tre đánh giặc. Tôi chưa tìm thấy tài liệu tham chiếu nào nói đến việc đó, nên coi là điểm tò mò mới sẽ tìm hiểu thêm trong những ngày xuân.

PGS, TS Tạ Phương Hòa
Nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Hóa Đại Học Bách Khoa Hà Nội

Có thể bạn quan tâm