Chuyện một người “tay ngang” khởi nghiệp

Với một người không có kinh nghiệm và kiến thức nào trong lĩnh vực kinh doanh, chỉ chất chứa trong tim một tình yêu, một hoài bão hay ước mơ làm giàu nào đó thì cần phải làm những gì để khởi nghiệp th
Chuyện một người “tay ngang” khởi nghiệp

Cần “YÊU” để dám khởi nghiệp!

Mỗi người khởi nghiệp đều có những lý do của riêng mình. Đó có thể là khát khao làm giàu, ước mơ chinh phục những đỉnh cao nhưng với anh Lê Ngọc Anh – vẫn được gọi bằng cái tên thân thiết Lê Anh thì đó chính là tình yêu dành cho nghề làm nước mắm truyền thống.

Lê Anh gây ấn tượng với truyền thông và tất cả mọi người bằng câu chuyện về một chàng kỹ sư xây dựng đang có công việc phù hợp với ngành nghề mình học với một mức lương “nghìn đô” đã cương quyết từ bỏ để trở về làm nước mắm truyền thống.

Sau 3 năm khởi nghiệp với vô vàn những khó khăn và muôn lần suy nghĩ muốn bỏ cuộc, Lê Anh đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia của riêng mình với nhiều sản phẩm như nước mắm cho trẻ em, nước mắm hạ thổ, nước mắm chắt từ ruốc…

Lê Anh chia sẻ rằng, bất cứ ai chưa hề có một kiến thức, một kinh nghiệm kinh doanh nào mà dám đứng lên khởi nghiệp, tự mở xưởng sản xuất và tự bán hàng là một điều vô cùng liều lĩnh. Nhưng thiết nghĩ, phải chăng chính sự liều lĩnh đã trở thành động lực mạnh mẽ để cho bao con người từ bỏ những điều thân thuộc để dấn thân vào những lĩnh vực xa lạ. Và chẳng phải, thực tế đã chứng minh rằng, những con người thành công chính là những con người dám nghĩ, dám làm và đẩy lùi được những nỗi sợ hãi mang tên “thất bại”!

Con đường khởi nghiệp của các bạn trẻ luôn cần có một sự chuẩn bị cần thiết, không nhất thiết là một sư chuẩn bị quá kỹ càng nhưng cần phải có nền tảng nào đó để khởi nghiệp. Bởi khi không có sự chuẩn bị tốt, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng vấp ngã và đó sẽ là một sự lãng phí lớn tài năng của mỗi cá nhân cho xã hội”. Lê Anh

Nhưng chính bản thân anh Lê Anh cũng đã khẳng định rằng, nếu mỗi một người khởi nghiệp đều chỉ trang bị cho mình một tình yêu hay một đam mê thì lại chưa đủ trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Một người start up vẫn cần một sự chuẩn bị kỹ để có thể tránh được những rủi ro và nguy cơ thất bại lớn.

Đơn cử, anh Lê Anh cho rằng, mỗi một bạn trẻ khi khởi nghiệp nên trang bị cho mình một người bạn đồng hành, bổ trợ cho nhau trong những khiếm khuyết. Đó là điều tuyệt với nhất. Đồng thời, họ cũng nên trang bị càng nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm càng tốt. “Một người chưa có kinh nghiệm như tôi đã phải trả giá và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá. Đơn cử như khi xảy ra câu chuyện nước mắm Arsen. Nếu có kinh nghiệm thì tôi đã có thể tận dụng cơ hội đó”, anh Lê Anh nhấn mạnh.

“MINH BẠCH - CHẤT LƯỢNG” để đủ trụ vững

Chia sẻ quan điểm về một doanh nhân, anh Lê Anh cho rằng, phải phân biệt được doanh nhân và con buôn. Doanh nhân là một người có thể tạo ra được những sản phẩm hay mặt hàng nào đó có giá trị và ý nghĩa cho xã hội.

Nhìn từ xuất phát điểm đó, sản phẩm nước mắm Lê Gia với cách làm truyền thống, không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu hay phương thức sản xuất công nghiệp liệu có thể chứng minh được phần nào quan điểm đó.

Trong suốt câu chuyện về quá trình lập nghiệp của mình, anh Lê Anh luôn thể hiện tâm niệm kinh doanh với 4 chữ: Minh bạch và Chất lượng. Anh nhấn mạnh, cốt lõi nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. “Đó là điều không thể thay thế. Mỗi một sản phẩm dù sử dụng bất kỳ hình thức kinh doanh nào mà không đảm bảo được yếu tố chất lượng thì không thể thành công, cũng giống như bạn xây một ngôi nhà mà ở đó không có móng vậy”.

“Mỗi một khách hàng khi mua bất kỳ sản phẩm nào chính là họ mua cái giá trị mà sản phẩm đó mang lại cho cuộc sống của họ. Với cương vị là một nhà sản xuất, tôi luôn thể hiện điều đó trên bao bì, nhãn mác, chất liệu, quy cách thiết kế… của từng chi tiết nhỏ nhất để người tiêu dùng cảm nhận được giá trị rõ ràng nhất của sản phẩm”, anh Lê Anh một lần nữa khẳng định.

Thêm chút “KHÁC BIỆT” và “TINH TẾ” để nổi bật

“Có một yếu tố gọi là cảm xúc khi mua hàng. Vấn đề chính là thiết kế thế nào để chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng. Tôi cố gắng tạo ra sự đặc sắc trong sản phẩm để tạo được sự chú ý”, anh Lê Anh chia sẻ.

“Trong quá trình thiết kế lọ hũ đựng mắm tôm hay mắm chua, tôi cũng luôn chú trọng đến bao bì nhãn mác khi không đựng mắm trong các lọ nhựa có màu đục như nhiều sản phẩm khác trên thị trường mà sử dụng các lọ thủy tinh, có màu trắng trong”.

Việc chọn các loại lọ như thế này không những giúp đảm bảo thể hiện được màu sắc của sản phẩm mà còn tạo cơ hội để khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại.

Bên cạnh đó, anh Lê Anh cũng nhấn mạnh rằng đã phải nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này. “Tôi nhận thấy phải chọn loại lọ có thể tích vừa phải, miệng lọ phù hợp với các loại thìa phổ biến trong từng gia đình để tạo sự thân thiện và thuận tiện nhất khi sử dụng”.

Hay đơn cử như dòng sản phẩm nước mắm cho bé – một dòng sản phẩm thuộc thị trường ngách cũng được anh quan tâm đặc biệt. “Tôi cũng là một người làm cha nên lúc nào cũng mong muốn mang lại cho con mình những sản phẩm tốt nhất. Việc thiết kế chai đựng cũng tốn thời gian. Tôi phải lựa chọn nhập lọ từ Thái Lan dù giá thành cao nhưng lại đảm bảo được chất lượng để tạo nên sự tin tưởng cho khách hàng. “Để mỗi một khách hàng khi sử dụng nước mắm Lê Gia đều có thể cảm nhận được sự chăm chút của tôi trong từng chi tiết nhỏ”, Lê Anh nhấn mạnh.

Trần Liên

Có thể bạn quan tâm