Cổ đông Faros “gật đầu” tăng vốn lên 5.375 tỷ đồng

ĐHCĐ bất thường sáng 29/11 của CTCP Xây dựng Faros (mã: ROS) đã thông qua phương án phát hành 107,5 triệu cổ phần, nhằm tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ đồng lên 5.375 tỷ đồng.
Cổ đông Faros “gật đầu” tăng vốn lên 5.375 tỷ đồng

HĐQT trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông sáng 29/11/2016 

Giá phát hành bằng 10% thị giá 

Theo tờ trình, Faros sẽ phát hành thêm là 107,5 triệu cổ phiếu ROS cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu 4:1 tại thời điểm chốt danh sách cổ đông. Tức mỗi cổ đông sở hữu 4 cổ phần cũ được quyền đăng ký mua thêm 1 cổ phần mới. Giá phát hành dự kiến là 12.500 đồng/CP, giá có thể thay đổi nhưng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Thời điểm thực hiện đợt chào bán cổ phiếu dự kiến bắt đầu vào quý I/2017, giao HĐQT quyết định thời điểm và lộ trình phân phối cụ thể, sau khi phương án phát hành được UBCK Nhà nước chấp thuận.

Tổng giá trị phát hành là 1.075 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, Faros sẽ có thặng dư tối thiểu 268,75 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ 5.375 tỷ đồng, Faros nhanh chóng vươn lên số 1 về quy mô vốn, bỏ xa các nhà thầu xây dựng tên tuổi lâu năm như Hoà Bình, Coteccons…

Vốn thu từ phát hành được phân bổ như sau: Faros sẽ dùng tối đa 1.048 tỷ đồng để đầu tư thực hiện Dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn (do Faros làm chủ đầu tư) tại khu đất DV1, DV4 phía Tây đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Phần còn lại 27 tỷ đồng và thặng dư (nếu có) sẽ được bổ sung toàn bộ cho vốn lưu động.

Đáng chú ý, cổ phần Faros phát hành thêm đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa là 1 lần. Cùng với đó HĐQT quy định thời gian, thủ tục chuyển nhượng, hình thức thanh toán tiền… Chủ tịch Lê Thành Vinh lưu ý các cổ đông cân nhắc kỹ trước khi quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần.

Với khối lượng phát hành “khủng” này, cổ đông lo ngại pha loãng EPS khiến giá cổ phiếu ROS giảm mạnh. Ông Lê Thành Vinh, Chủ tịch HĐQT Faros trấn an cổ đông rằng hiệu ứng pha loãng EPS sẽ giảm dần và cổ phiếu ROS sẽ sớm tăng giá trở lại. Thực tế hiện nay, dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn đã hoàn tất các khâu chuẩn bị đầu tư, với tốc độ thi công của Faros, cổ đông hoàn toàn có thể tin tưởng về việc dự án sớm được hoàn thành và mang lại lợi nhuận lớn cho công ty. Vì dự án khách sạn 5 sao này có vị trí đẹp ở trung tâm và gần biển Quy Nhơn.

HĐQT cũng cho rằng, đợt phát hành làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Faros, trong khi nguồn vốn kinh doanh bổ sung thu được từ đợt phát hành chưa thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận ngay tại thời điểm chào bán nên chỉ số thu nhập trên một cổ phần (EPS) sẽ giảm. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS) giảm khi số lượng cổ phiếu lưu hành tăng nhanh hơn tốc độ tăng của nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm chào bán.

ROS giảm sàn về 119.600 đồng/CP

Về diễn biến giá ROS trên sàn chứng khoán HSX, mã cổ phiếu này trở thành tâm điểm “sốt” thị trường khi hơn 56 phiên liên tục tăng trần. Từ mức giá chào sàn 12.500 đồng/CP, đến nay giá cổ phiếu ROS có lúc chạm đỉnh 127.000 đồng/CP phiên ngày 28/11/2016, tức tăng gấp 10 lần so với ngày lên sàn. Giá trị vốn hoá của Faros trên thị trường lập mức kỷ lục 54.610 tỷ đồng (tương ứng 2,4 tỷ USD). Trong 4 phiên gần đây, ROS chỉ có hai lần giảm điểm và phiên sáng ngày 29/11, giảm còn 119.600 đồng/CP sau khi Faros thông qua phương án phát hành thêm 107,5 triệu cổ phiếu.

ĐHCĐ bất thường lần này còn xem xét, thông qua các nội dung như: bổ sung ngành nghề kinh doanh về đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, sửa đổi điều lệ, đổi tên công ty thành CTCP Xây dựng FLC Faros, miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát.

Không chỉ tập trung vào mảng xây dựng dự án, mới đây, Faros cũng có động thái khá lạ khi công bố mua 65% cổ phần của CTCP FLC Travel. Giá mua dự kiến tối đa không quá 100.000 đồng/CP.

Được biết, FLC Travel có trụ sở tại Vĩnh Phúc, ra đời năm 2008, với tiền thân là CTCP Trang trại và Nông sản Quý Giáp. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị máy nông nghiệp và lâm nghiệp; kinh doanh buôn bán ô tô và xe, máy có động cơ khác; xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, chế biến và bảo quản thực phẩm, xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Faros là doanh nghiệp chuyên về thầu xây dựng, còn ít tên tuổi trong ngành song lại gây chú ý với hoạt động tăng vốn “thần tốc”. Trong thời gian ngắn chừng 2 năm, vốn điều lệ của Faros tăng vọt từ mức 1,5 tỷ đồng lên mức 4.300 tỷ đồng (tăng 2.867 lần) sau các đợt phát hành tăng vốn ồ ạt. Faros hiện có cổ đông lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết, sở hữu hơn 65% vốn và là Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC – chủ đầu tư các dự án bất động sản mà Faros thi công.

Sự tăng giá bất thường của cổ phiếu ROS vừa được tờ nhật báo Mỹ The Wall Street Journal (WSJ) có bài viết “mổ xẻ” hôm 18/11. Tờ báo này cũng đặt nghi vấn có “đội lái” đẩy giá lên và đưa tin, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có báo cáo và yêu cầu Faros giải trình về biến động giá cổ phiếu.

Hải Hà

>> Wall Street Journal: Cổ phiếu “nóng” Faros vào tầm ngắm của HOSE 

Có thể bạn quan tâm