Cổ đông không tán thành việc Đại Thiên Lộc hủy niêm yết trên HoSE

Với tỷ lệ biểu quyết đồng ý chỉ chiếm 0,02% của các cổ đông không phải là cổ đông lớn, Đại hội đồng cổ đông của CTCP Đại Thiên Lộc đã không thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện trên HoSE chuyển xuống sàn UPCoM.
Cổ đông không tán thành việc Đại Thiên Lộc hủy niêm yết trên HoSE

Theo tờ trình, Đại Thiên Lộc dự kiến sẽ làm thủ tục hủy niêm yết tự nguyện với lý do tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Sau khi hủy niêm yết, cổ phiếu DTL sẽ tiếp tục đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tuy nhiên, việc hủy niêm yết đã không được thông qua do số biểu quyết "đồng ý" từ các cổ đông không phải cổ đông lớn chỉ chiếm 0,02%. Hiện, Đại Thiên Lộc có vốn điều lệ hơn 614 tỷ đồng với gần 61 triệu cổ phần đang lưu hành.

Kế hoạch hủy niêm yết này được công bố sau khi HOSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu DTL do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tại Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 âm 37,6 tỷ đồng. Như vậy, đến nay Đại Thiên Lộc đã thua lỗ trong 3 quý liên tiếp, từ quý IV/2018 đến quý II/2019.

Kết thúc quý III/2019, doanh thu thuần của công ty sụt giảm 49% so cùng kỳ, ghi nhận hơn 443 tỷ đồng. Nhờ giá vốn thu hẹp tới 54%, công ty thu được hơn 64 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 48%; lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kết quả kém khả quan của 2 quý đầu năm, DTL vẫn lỗ ròng lũy kế 9 tháng năm 2019 gần 32 tỷ đồng.

Kinh doanh khó khăn, lợi nhuận suy giảm khiến thị giá cổ phiếu DTL lao dốc. Hiện, DTL đang giao dịch quanh ngưỡng 31.450 đồng/cp, giảm gần 21,8% so với đầu năm.

Thực tế, có nhiều lý do để doanh nghiệp xin tự nguyện hủy niêm yết, phổ biến có thể kể đến là doanh nghiệp muốn tập trung tái cấu trúc để cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hoặc giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp khiến công ty gặp khó khăn trong kế hoạch phát hành cổ phiếu, hay do việc duy trì niêm yết tốn chi phí lớn trong khi công ty không có mục đích huy động vốn…

Mỗi doanh nghiệp đều có những lý do khác nhau để thuyết phục cổ đông đồng thuận với phương án được Hội đồng quản trị đề xuất. Tuy vậy, điểm chung trong các câu chuyện hủy niêm yết tự nguyện này là đều nhận được ý kiến trái chiều từ cổ đông và thị trường, nhất là khó thuyết phục các cổ đông nhỏ lẻ.

Lý do bởi nhà đầu tư, cổ đông đánh giá việc tái cơ cấu hoạt động để hiệu quả hơn không liên quan nhiều đến vấn đề niêm yết. Bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp niêm yết vẫn có thể tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp và hiệu quả hơn.

Chính vì thế, việc doanh nghiệp từ niêm yết “xin” xuống UPCoM giống như là “một bước lùi” và khiến nhà đầu tư không khỏi e ngại về mục đích thực hiện.Bởi lẽ sự khác nhau giữa niêm yết hay đăng ký giao dịch hiện nay chủ yếu nằm ở vấn đề minh bạch thông tin.

Có thể bạn quan tâm