Có một Hàng Bè tấp nập bến sông…

Phố Hàng Bè là một trong những con phố cổ của Hà nội được xây dựng trên nên đất xưa vốn thuộc thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương.
Có một Hàng Bè tấp nập bến sông…

Phố Hàng Bè bắt đầu từ ngã ba phố Hàng Mắm – Hàng Bạc đến ngã tư Cầu Gỗ - Hàng Thùng với chiều dài có 172 mét. Nay phố này thuộc phường Hàng Bạc - quận Hoàn Kiếm – Thành phố Hà Nội…

Trước kia Hàng Bè là một khúc của con đê cũ của sông Hồng, khi dòng chảy còn ở sát chân đê, các bè gỗ, tranh tre nứa lá, sản vật rừng và trên mạn ngược xuôi bè về đậu nơi đây nên khúc này thành phố có tên HÀNG BÈ và chợ trên con đê phố ấy là CHỢ HÀNG BÈ. Thời thuộc Pháp phố đã có tên Pháp là Rues des Radeaux.

Trong tâm tưởng người Hà nội xưa có một phố Hàng Bè tấp nập bến sông mà trước kia con đường thủy xuôi sông Hồng là một trong những con đường chính thông hàng hóa, sản vật từ vùng núi phía Bắc qua miền trung du xuôi về Kinh Kỳ. Bến sông bè mảng dập dềnh đổ lên bến nào là tre, nứa, lá gồi, củ nâu, trẩu, sở, quế, hồi, mộc nhĩ, nấm hương… rồi chè Tuyên, chè Thái, chè Phú Thọ cũng theo con đường này về Kinh.

 Tết đến lá dong gói bánh chưng, giang làm lạt buộc bánh từ mạn ngược đổ về phục vụ cho cả vùng lân cận Kinh Đô. Không mấy người xưa quên Hàng bè xưa còn là những lều quán lá gồi (lá cọ) bán cau, vỏ chay, vỏ quạch, trầu không - chợ đổ buôn, bán lẻ tấp nập một mặt hàng có mặt tứ thời trong cuộc sống hàng ngày của các bà các mẹ ăn trầu Bắc Bộ, trong đình đám, cưới hỏi, lễ hội quanh năm.

Nhớ thời miếng trầu là đầu câu chuyện, nhớ người má thắm, răng hạt na, ăn trầu môi đỏ, mắt lá liếc nhẹ qua mà sắc như dao cau làm các anh khóa ra trọ học đất Kinh Kỳ cứ say đứ đừ mà tập ăn trầu cay... Nghe đâu số nhà 15 từng là của nhà văn Nhất Linh, một nhà buôn cau khá phát đạt một thời.

Cho đến những năm năm mươi phố vẫn khấp khểnh nhấp nhô đan xen nhà gạch, nhà gỗ, nhà lợp lá gồi và hàng quán cũng đủ chủng loại. Phố nhỏ hẹp, cây cối hình như do các nhà tự trồng lấy bóng mát, chủ yếu là dâu da xoan- thứ cây dễ trồng, dễ sống, tán lá xanh rộng như chiếc ô, đủ bóng mát cho khoảng hè trước mỗi nhà. Ấy mà nó lại là cái ô che cho những hàng quà rong từ bên kia sông Cái sang như: bánh giò, bánh tro, bánh cuốn mà sau này thì có cả trứng vịt lộn, bánh rán nhân đường, nhân mật, bánh bèo, bánh trôi chay, tào phớ…

Cũng đủ loại quà vặt như các phố cổ lân cận cho du khách qua lại dừng lại thưởng thức hoặc lót dạ tiếp bước dạo chơi. Cho những người dân phố thị bận buôn bận bán nhưng ngày mấy lượt quà, cho ai qua lại không đói nhưng vẫn muốn dừng lại vì nhớ quà vặt. Người xưa Kinh Kỳ ăn chọn nơi ngon và chơi chọn chỗ (nhưng chính là chọn bạn).

Hàng Bè còn nổi tiếng về CHỢ HÀNG BÈ dù giờ nó nằm trên con phố đối diện cắt giữa phố là phố GIA NGƯ. Cả khu phố cổ đi chợ hàng bè mua thực phẩm dù xa hơn có chợ hàng Da, chợ Hôm hay gần có chợ Đồng xuân và giờ là các quán nhỏ hay hàng dong, chợ cóc góc phố. Các bà, các mẹ chợ này chiều, hiểu, nhớ khách hàng như một chuyên môn nghề nghiệp.

Nổi tiếng là những món chế biến sẵn từ cá kho, thịt kho tàu, nấu đông, gà xôi sắp lễ… mà nức tiếng đến tận trời Mỹ, trời Âu là món: Mắm tép chưng thịt – đóng hộp nhãn mắc, tiêu chuẩn đầy đủ gửi cho các bạn bè năm châu và con cái du học xa nhà nhớ quê.

Món giả cầy ở đây ướp đúng vị Hà nội, đậm đà, ngon ngọt cứ qua làm một túi về cho nồi hầm với bún con, bún lá mượt mà trắng nõn của chợ này là có bữa ăn tươi, ngon đến tận cuối bữa nhậu… Hoa quả đủ bốn mùa từ khắp nơi đổ về đều là hàng tuyển chọn cho dân phố cổ sành ăn mà giá cả không hề vênh ngược lên như một số cành cao phố thị hàng hoa quả cao cấp. Thật tấp nấp một chợ xưa đã trật tự ngăn nắp bán hàng trong nhà, không căng lều giữa phố như cách đây chục năm trước.

Giờ đây cũng giống mấy phố lân cận như Đinh Liệt, mã Mây, Hàng Bạc… khu phố cổ phục vụ khách du lịch thăm quan, khách hàng quốc tế tìm bạn hàng nên nó có nhiều khách sạn mini, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may cho nhu cầu tiêu dùng của chủ yếu khách du lịch và nhất là cho bạn hàng mua buôn khắp nơi trên thế giới. Trong dòng chảy lưu thông hàng thủ công mỹ nghệ quốc tế, ra mặt phố lớn, có thương hiệu, bản doanh và hàng mẫu, catalog cho khách chọn là một sự tất yếu.

Mỗi thương gia trên phố này đều có những mặt hàng chiến lược của mình. Nhiều nhất phải kể đến hàng thủ công sơn mài cho tiêu dùng và xuất khẩu rồi những phòng tranh đã đậu lại phố này cả chục năm. Không thể không tính đến văn phòng du lịch, quán bar kết hợp khách sạn mini trên tầng hàng chục chiếc luôn đầy khách. Phố Hàng Bè xưa cũ đặc trưng của đồng bằng châu thổ trên bến dưới thuyền qua thời gian nay là một trong những con phố sầm uất bậc nhất khu phố cổ.

Bài: Nguyễn Thúy Vân
Ảnh: Nguyễn Thúy Vân, tư liệu

Có thể bạn quan tâm