Cổ phiếu FPT Retail tăng trần ngày chào sàn

Ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu FRT đã tăng hết biên độ lên 150.000 đồng/cp.
Cổ phiếu FPT Retail tăng trần ngày chào sàn

Ngày 26/4, 40 triệu cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Retail đã chính thức chào sàn HoSE với giá tham chiếu 125.000 đồng/cp.

Với mức giá tham chiếu này, cổ phiếu FRT có giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt đến 5.000 tỷ đồng. Biên độ dao động giá trong ngày chào sàn là +/-20% so với giá tham chiếu.

Ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch, cổ phiếu FRT đã tăng hết biên độ lên 150.000 đồng/cp.

Giao dịch FRT đã diễn ra khá sôi động với khối lượng khớp lệnh lên tới 871 nghìn cổ phiếu chỉ sau 1h đầu tiên và lực mua chủ yếu đến từ khối ngoại khi họ đã mua ròng 840 nghìn cổ phiếu FRT, tương ứng giá trị 126 tỷ đồng.

FRT hiện đang dư mua trần 333 nghìn cổ phiếu, trái ngược với tình trạng ảm đạm đang diễn ra trên thị trường chung. 

Được biết, tập đoàn FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 47% cổ phần FPT Retail. Hai cổ đông lớn tiếp theo của công ty là Dragon Capital (nắm giữ 20%) và VinaCapital (nắm giữ 15%).

Kết thúc năm 2017, FPT Retail đạt doanh thu 13.147 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 290 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2016.Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2.034 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15,47% tổng doanh thu của công ty.

Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu lên mức 16.020 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lên mức 377 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Với kế hoạch đã đề ra, FPT Retail dự kiến sẽ chia cổ tức không thấp hơn 20% bằng tiền mặt, thời gian chi trả được ủy quyền cho HĐQT quyết định.

Quý I/2018, doanh thu FRT đạt 3.884 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt 64 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 17% kế hoạch năm.

Tại buổi chào sàn, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail, chia sẻ công ty đặt kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018 – 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) là 19,5%/năm cho doanh thu và 26%/năm cho lợi nhuận sau thuế.

Hiện nay, FPT Retail đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán lẻ sản phẩm công nghệ) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple) với khoảng 480 cửa hàng trên cả nước. Con số cửa hàng đã tăng trên 7 lần trong giai đoạn 2012 - 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

>> FPT Retail sắp chào sàn HOSE với giá 125.000 đồng/cổ phiếu

Có thể bạn quan tâm