Cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp đôi, vì sao vẫn được lựa chọn để dẫn dắt thị trường?

Nhà nước vẫn đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng, bản thân các ngân hàng cũng nỗ lực tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II và xử lý gần hết các trái phiếu đặc biệt VAMC… đang tạo nên câu chuyện hấp dẫn
Cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp đôi, vì sao vẫn được lựa chọn để dẫn dắt thị trường?

Các diễn giả tại buổi Hội thảo

Trong hơn 1 năm qua, với vai trò là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường chứng khoán, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều có sự tăng trưởng ấn tượng về giá với mức tăng trên 100%. Cùng với đó, chỉ số P/E của nhóm này đều không thấp hơn 15 lần. Thế nhưng dường như sức nóng của cổ phiếu vua chưa thể hạ nhiệt trong năm 2018 khi chúng vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường những tháng đầu năm.

Điều gì khiến cho cổ phiếu ngân hàng được ưa chuộng như vậy?

Tại buổi tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Cấp cao của Đại học Hawaii tại Hà Nội (còn gọi là Chương trình VEMBA) đồng tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số lý do. 

Theo bà Lê Thị Lệ Hằng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), ngân hàng là một ngành tốt để đầu tư trong năm nay. Lý do thứ nhất, Nhà nước vẫn đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Thứ hai, các Ngân hàng phải tăng vốn để tuân theo chuẩn mực Basel II để tăng năng lực và điều đó tạo nên câu chuyện hấp dẫn cho cổ phiếu ngành này. Thứ ba, trong năm ngoái đã có 3 ngân hàng lớn là Vietcombank (VCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đã xử lý gần hết các trái phiếu đặc biệt của VAMC, giảm tỷ lệ nợ xấu. Bà Lệ Hằng đánh giá trong năm nay, xu hướng đó sẽ tiếp tục xảy ra với việc một số ngân hàng lớn xử lý hết trái phiếu VAMC để giảm tỷ lệ nợ xấu.

Tổng giám đốc của SSIAM nhắc đến một vấn đề vẫn được gọi là "con dao hai lưỡi" của các ngân hàng, đó là công ty tài chính tiêu dùng. Các công ty này có thể đem lại lợi nhuận khổng lồ cho ngân hàng, mà VPBank là ví dụ điển hình. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng bày tỏ e ngại rằng các công ty tài chính tiêu dùng – với cách thức cho vay có phần đơn giản - có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu tăng vọt trong 3-4 năm tới.

Dù vậy, bà Lệ Hằng cho rằng Việt Nam đã có bài học về quản lý tín dụng từ năm 2008 nên Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tốt hơn vấn đề này.

Chuyên gia Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cũng phát biểu: "Tôi cho rằng chưa cần lo về rủi ro tín dụng tiêu dùng".

Dẫn số liệu thống kê, ông Lực cho biết, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng hiện tại khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 20%, ở Úc là 36%, nhiều nước ở mức trên 35%. Tức là còn rất nhiều dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, theo ông Cấn Văn Lực, một số khoản như cho vay mua nhà, sửa nhà được tính vào tín dụng tiêu dùng và làm tăng quy mô dư nợ là chưa hợp lý vì nó nên được tính vào dư nợ cho vay bất động sản.

Một cơ hội khác với ngành ngân hàng là bancassurance. Bancassurance là sự kết hợp của hai thuật ngữ "Ngân hàng" và "Bảo hiểm". Một cách tổng quát, hoạt động này là việc các ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của mình. Việc tham gia của ngân hàng có thể ở nhiều cấp độ khác nhau tuỳ theo hình thức Bancassurance.

Hoạt động Bancassurance mới nở rộ hơn một năm nay nhưng đã đem lại lợi nhuận rất tốt cho ngân hàng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là một điển hình. Do đó, bà Hằng đánh giá đây có thể trở thành "kho báu" mới của ngành ngân hàng.

Một khán giả đặt câu hỏi riêng về cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Việc giá của BID tăng gấp đôi trong năm qua dựa trên sự tăng trưởng lợi nhuận tích cực của ngân hàng nhưng đồng thời là câu chuyện bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, liệu có xảy ra nguy cơ "rụng giá" của BID nếu việc bán vốn không thành công? 

Kinh tế trưởng của Ngân hàng này trả lời: "Tại thời điểm hiện nay, giá 39.000 đồng của BID thực ra chưa phản ánh hết kỳ vọng của câu chuyện tìm kiếm NĐT nước ngoài. Trong trường hợp thông tin này được công bố gần hơn nữa thì giá cổ phiếu sẽ còn tăng".

Ông Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, với những lý do mà bà Lệ Hằng đã nêu, giá cổ phiếu của ngân hàng nói chung đều tăng tốt chứ không chỉ có riêng BID.

Cùng tham gia buổi hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn nữa đến hệ số CAR bởi nó liên quan đến cách thức tăng vốn của NH.

Ông Cấn Văn Lực cho hay, một trong các hình thức tăng vốn đang được NHNN khuyến khích là bán cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Đây là lần đầu tiên NHNN cho phép bán ESOP của ngân hàng và thời gian gần đây đã có một số ngân hàng tích cực triển khai. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn hoặc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo Mai Linh/Trí thức trẻ

>> Năm 2017 BIDV báo lãi 8.800 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2%

Có thể bạn quan tâm