Cổ phiếu thuỷ sản hụt hơi, duy nhất một cái tên tăng... "bất chấp"

Hầu hết các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đều kinh doanh giảm sút trong quý III/2019, thậm chí có nhiều doanh nghiệp lỗ nặng.Điều này đã có sự tác động không nhỏ đến cổ phiếu nhóm ngành này trên sàn chứng khoán trong suốt thời gian gần đây.
Cổ phiếu thuỷ sản hụt hơi, duy nhất một cái tên tăng... "bất chấp"

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) trong 9 tháng qua, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; với cá tra, giá trị xuất khẩu vào Mỹ giảm 40%, chỉ đạt 221 triệu USD do thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 ở mức cao.

Bức tranh kinh doanh màu xám

Là doanh nghiệp đứng đầu lĩnh vực xuất khẩu cá tra Việt Nam, CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã công bố BCTC quý III ghi nhận doanh thu thuần giảm 25% so với cùng kỳ còn 1.882 tỷ đồng.

Doanh thu giảm mạnh trong khi giá vốn không giảm tương ứng khiến lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn giảm tới 51%, chỉ còn 370 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 42% lên 65,2 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 254 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận 5.696 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.087 tỷ đồng, giảm 11%.

Nhắc đến các doanh nghiệp ngành thuỷ sản, không thể không nhắc tới "vua cá tra" CTCP Hùng Vương (Thuỷ sản Hùng Vương, mã: HVG).

Khác với hầu hết các doanh nghiệp khác, năm tài chính của Thủy sản Hùng Vương bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Thời điểm này công ty đã hoàn thành các hoạt động kinh doanh của năm tài chính 2018 – 2019 và đã bắt đầu niên độ tài chính mới được hơn 1 tháng.

Sau 2 quý đầu năm điều chỉnh từ lãi 27,6 tỷ đồng sang lỗ hơn 134 tỷ đồng, Thuỷ sản Hùng Vương tiếp tục ghi nhận thêm khoản lỗ 129 tỷ đồng trong quý III và lỗ thêm gần 240 tỷ đồng trong quý IV, nâng tổng lỗ cả năm lên hơn 496 tỷ đồng – đây là số lỗ lớn thứ 2 sau lần lỗ kỷ lục 713 tỷ đồng năm tài chính 2016-2017. Tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến 30/9/2019 lên đến 891 tỷ đồng.

Một "vị vua" khác trong ngành thuỷ sản chính là "vua tôm" Minh Phú (mã: MPC) cũng đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu khiến hạn chế ký kết các đơn hàng mới.

Kết thúc quý III/2019, doanh thu thuần của công ty đạt 5.213 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của Minh Phú còn 605 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỷ đồng, giảm 29,4% so với quý III/2018.

Nhìn chung quý III/2019 hầu hết các doanh nghiệp ngành thủy sản trên sàn đều có kết quả kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận quý III của Thủy sản Cửu Long An Giang (mã: ACL) chỉ bằng 1/5 cùng kỳ, đạt 19,2 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm cũng giảm hơn 10,5%, còn 132 tỷ đồng.

Tương tự, Caminex (mã: CMX) cũng vừa có một quý III không mấy suôn sẻ khi lợi nhuận giảm một nửa còn 18,6 tỷ đồng; IDI cũng giảm sút 57% lợi nhuận quý III/2019 so với cùng kỳ.

Hầu hết các doanh nghiệp thuỷ sản đều kinh doanh kém hiệu quả trong quý III/2019
Hầu hết các doanh nghiệp thuỷ sản đều kinh doanh kém hiệu quả trong quý III/2019

Cổ phiếu cũng ảm đạm

Kinh doanh khó khăn khiến giá cổ phiếu MPC trên sàn chứng khoán kém hấp dẫn và liên tục sụt giảm. Tính đến phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu MPC đang có giá 21.700 đồng/cp, so với đầu năm MPC đã giảm gần 40% từ mức giá 38.720 đồng/cp (giá điều chỉnh).

Chỉ tính riêng trong quý III/2019, MPC ghi nhận mức giảm 22,7% từ mức giá 33.500 đồng/cp xuống 25.900 đồng/cp.

Không nằm ngoài xu hướng chung, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu VHC đang có giá 78.600 đồng/cp, giảm 17,3% so với mức giá 95.000 đồng/cp hồi đầu năm. Riêng quý III, góp vào đà giảm chung 7,5%.

Kết quả kinh doanh yếu kém cũng kéo theo giá cổ phiếua IDI đi xuống. Hiện, IDI đang giao dịch tại mức giá 5.280 đồng/cp, nếu so với đầu năm thì giá cổ phiếu IDI không giảm nhiều.

Tuy nhiên, so với mức giá gần mệnh giá đạt được cuối năm 2018 thì cổ phiếu IDI đã mất gần 50% giá trị. Cổ phiếu CMX cũng giảm mạnh hơn một nửa so với vùng giá đỉnh lập được mấy tháng trước, hiện giao dịch quanh vùng giá 16.500 đồng/cp.

Giữa diễn biến ảm đạm của nhiều cổ phiếu thuỷ sản trên sàn, cổ phiếu HVG lại gây chú ý khi đi ngược xu thế khi tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ.

Từ vùng giá dưới 3.000 đồng/cp trước ngày 21/10/2019, đến nay sau hơn nửa tháng, HVG có 14 phiên tăng trần trong tổng số 18 phiên giao dịch, lên 7.770 đồng/cp (phiên 13/11), tương đương mức tăng đạt 174,6%.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dù cổ phiếu tăng, nhưng vẫn dưới mệnh giá, Thủy sản Hùng Vương cũng đang dự định đưa 5 triệu cổ phiếu quỹ ra bán theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định trước khi đăng ký bán.

Trước đà tăng bất chấp của HVG cho rằng, một chuyên gia chứng khoán đã nhận định rất có thể cổ phiếu HVG đang được một “bàn tay vô hình” can thiệp, vì những nhà đầu tư bình thường sẽ rất ít khi chọn HVG trong ngành thủy sản.

Lý do được đưa ra là Thủy sản Hùng Vương đã lỗ và nợ quá nhiều nhưng lại không rõ ràng về có kế hoạch trả nợ cũng như thoát lỗ. Thực tế, HVG đã điều chỉnh giảm sàn 2 phiên liên tiếp (14,15/11) xuống 6.730 đồng/cp.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng những điểm xấu của Hùng Vương đã lộ hết và cũng đã phản ánh vào cổ phiếu HVG từ năm 2017 – giai đoạn bắt đầu những khó khăn.

Đến nay, những khoản lỗ đã không còn là sự bất ngờ, bất thường khiến các nhà đầu tư phải tháo chạy như quãng thời gian trước đây. Thay vào đó là sự bình tĩnh đón nhận, nếu doanh nghiệp báo lãi thì đó là niềm vui, nhưng nếu lỗ cũng không lạ.

Có thể bạn quan tâm