Cổ phiếu Vinhomes có cứu được thị trường?

Ngày 17/5 tới đây, Vinhomes dự kiến sẽ niêm yết gần 2,68 tỷ cổ phiếu lên HoSE, ước tính giá trị vốn hóa khoảng 250.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vinhomes có cứu được thị trường?

CTCP Vinhomes vừa công bố thông tin liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu VHM trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Sau khi Vinhomes lên sàn, hệ thống của Vingroup sẽ có 3 doanh nghiệp niêm yết, gồm Vingroup (mã: VIC), Vincom Retail (mã: VRE) và Vinhomes.

Hiện , cổ phiếu VRE  đang giao dịch tại mốc giá 45.800 đồng/cp, tăng 35,5% so với khi chào sàn, vốn hóa thị trường đạt 88.970 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).

VIC hiện giao dịch tại mức giá 124.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 327.075 tỷ đồng, vượt Vinamilk trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Trước đó Bloomberg đã thông tin, Vinhomes, nhánh phát triển bất động sản cao cấp của Vingroup, sẵn sàng chào bán cổ phần trị giá 1,35 tỷ USD cho các nhà đầu tư.

Nếu thành công phiên IPO của Vinhomes dự kiến sẽ trở thành thương vụ bán cổ phần lớn nhất ở Đông Nam Á, vượt qua phiên IPO 922 triệu USD từ Techcombank hồi tháng trước. Đây cũng là thương vụ bán cổ phần lần đầu lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.

Ngay trước thông tin chào bán cổ phần,  quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ  Singapore đã có thông báo mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes - tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% - trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20/4/2018.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup cho biết, Quỹ GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD, tương đương 29.500 tỷ đồng vào Vinhomes.

Việc đầu tư này thực hiện dưới 2 hình thức  là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án.

Được biết, Vinhomes là công ty con phụ trách mảng phát triển bất động sản nhà ở của Vingroup, có vốn điều lệ 26,377 tỷ đồng. Tiền thân Vinhomes là Công ty Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (mã: NHN), phụ trách phát triển khu đô thị Time City Hà Nội.

Tháng 7/2017, công ty đã hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu NHN trên sàn UpCOM sau khi không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Đầu tháng 2/2018, Vingroup sáp nhập 2 thành viên khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Liên Phát và CTCP Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes (Vinhomes Management), tăng vốn NHN từ 2.000 tỷ lên 28.365 tỷ đồng, đổi tên thành CTCP Vinhomes.

Trong đó, Công ty Tân Liên Phát là chủ đầu tư trực tiếp của dự án Vinhomes Central Park tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời gián tiếp sở hữu một số dự án khác.

Ngay sau đó, Vingroup đã tái cấu trúc công ty Vinhomes với việc thành lập một pháp nhân mới mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Nam Hà Nội có vốn điều lệ xấp xỉ 1.569 tỷ đồng. Vinhomes nắm giữ 100% vốn tại pháp nhân mới này.

Tuy nhiên, với việc sở hữu quỹ đất khủng lên tới 16.410ha, với hàng loạt dự án đã và sẽ triển khai với 2 thương hiệu chính là Vincity (phân khúc nhà ở đại chúng) và Vinhomes (phân khúc nhà ở cao cấp), Vinhomes  được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều tiềm năng khi lên sàn. 

Kết thúc quý I/2018, Vinhomes đạt 10.540 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh, lên gần 10.238 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án lớn như Vinhomes Central Park và Vinhomes Green Bay.

Thanh lý các khoản đầu tư được hơn 1.033 tỷ đồng đã góp phần đẩy doanh thu tài chính của Vinhomes tăng gấp 12 lần cùng kỳ năm 2017, đạt hơn 1.196 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng Vinhomes đạt 3.990 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến 31/3/2018, tổng tài sản Vinhomes đạt 94.693 tỷ đồng, gấp 2 lần so với đầu kỳ, vốn chủ sở hữu đạt 38.248 tỷ đồng.

>> Vinhomes Riverside được APPA vinh danh “Khu đô thị tốt nhất Việt Nam 2018”

Có thể bạn quan tâm