Có thể hoàn tất sáp nhập HDBank và PGBank vào cuối năm 2019

Lãnh đạo HDBank cho biết, cả HDBank và PGBank và các cơ quan liên quan đang lựa chọn thời điểm sáp nhập thích hợp để để đảm bảo hiệu quả cao nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Có thể hoàn tất sáp nhập HDBank và PGBank vào cuối năm 2019

Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank, mã: HDB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Tại Đại hội, trả lời chất vấn của cổ đông về tiến độ và thời gian hoàn thành việc sáp nhập PGBank và HDBank , lãnh đạo ngân hàng cho biết, tại kỳ họp thường niên năm 2018, cổ đông của cả hai ngân hàng đã thống nhất thông qua chủ trương sáp nhập.

Tháng 10/2018, NHNN đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho PGBank sáp nhập vào HDBank và đã hoàn thiện hồ sơ đang chờ NHNN xử lý.

Song song đó, công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập được HĐQT và Ban Điều hành của 2 ngân hàng tích cực để đảm bảo hai ngân hàng hoạt động tốt, hiệu quả trước thời điểm sáp nhập, tạo hiệu ứng cộng hưởng, đạt hiệu quả cao hơn nữa sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng sau sáp nhập đạt được các kế hoạch theo Đề án đã đề ra.

HDBank cũng sẽ cử người tham gia vào HĐQT của PG Bank. Ông Lý Vinh Quang, thành viên HĐQT độc lập của HDBank sẽ từ nhiệm thành viên HĐQT tại HDBank để ứng cử thành viên HĐQT PGBank trong kỳ họp thường niên năm nay của PGBank tổ chức vào ngày 25/04/2019.

Hiện hai ngân hàng và các cơ quan liên quan đang lựa chọn thời điểm sáp nhập thích hợp, để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho ngân hàng sau sáp nhập, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, khách hàng, người lao động. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất việc sáp nhập.

Một vấn đề nổi bật khác tại Đại hội là HDBank có kế hoạch áp dụng các mô hình quản trị ngân hàng hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế tốt nhất, tăng cường đổi mới công nghệ; áp dụng Basel II vào công tác quản trị rủi ro; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tái cấu trúc cơ cấu tài sản nhằm gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời.

Nói về lộ trình Basel II, HDBank cho biết từ năm 2017 đã thành lập tổ công tác thực hiện việc này. Cuối năm qua đã mua giải pháp phần mềm để thực hiện Basel II, đây cũng là đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm cho Vietcombank.

HDBank đã nộp hồ sơ xin áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn từ tháng 1/2019, chậm nhất đến cuối quý II/2019 sẽ được NHNN đồng ý cho áp dụng trước hạn.

Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 12.753 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 196 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Cổ đông hiện hữu được nhận cổ phiếu phổ thông phát hành thêm với tỷ lệ 100:20.

Song song đó là tăng thêm 981 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 98 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:10 từ lợi nhuận chưa phân phối của HDBank trong báo cáo tài chính 2018 đã kiểm toán sau khi trích lập các quỹ.

Thời gian thực hiện cụ thể sẽ do HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận từ cơ quan quản lý và dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Về vấn đề NHNN đang “siết” tỷ lệ cho vay tiền mặt của các công ty tài chính đã khiến cổ đông băn khoăn về HD Saison.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, lãnh đạo HDBank cho biêt, tỷ lệ cho vay tiền mặt/tổng dư nợ của HD SAISON chiếm tỷ trọng khoảng 35%, cho vay tiền mặt của HD Saison khác các công ty tài chính khác là HD Saison chỉ cho vay tiền mặt đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ của công ty chứ không cho vay tiền mặt đối với khách hàng mới. Chúng tôi đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự thảo, tỷ lệ cho vay tiền mặt của HD Saison tương đương với mức quy định của dự thảo.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, cổ đông đã thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng là 30%. Trong đó cổ đông HDBank sẽ được nhận cổ tức với tỷ lệ 10%, chi trả bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%.

>> Lãi đậm 4.000 tỷ đồng, HDBank sẽ chia cổ tức 10%

Có thể bạn quan tâm