Cổ tức "giấy": Điểm nóng mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng

Việc NHNN yêu cầu không chia cổ tức bằng tiềm mặt để dành nguồn vốn vượt khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được xem là sự “giải tỏa” đối với các ngân hàng nhưng lại mang đến nhiều nỗi niềm cho cổ đông.
Cổ tức "giấy": Điểm nóng mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng

Thực tế, việc chia cổ tức của các ngân hàng chưa bao giờ hết nóng từ những ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước cho đến những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã niêm yết cũng như chưa niêm yết.

Dù là một trong những ngành hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận cao, nhưng chính sách chia cổ tức của các ngân hàng dường như hiếm khi làm hài lòng cổ đông, nhất là khi không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu khiến không ít cổ đông ngán ngẩm.

Năm được mùa

Tính đến thời điểm hiện tại nhiều ngân hàng đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) những ngân hàng chưa tổ chức thì cũng đã dần công bố tài liệu dự kiến sẽ trình cổ đông.

Theo thông tin được đưa ra tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu năm 2020, ACB dự kiến chia cổ tức năm 2019 ở mức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Trước yêu cầu của NHNN, khả năng ACB sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 30/6/2020, HĐQT OCB sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25-27%.

Năm 2019, OCB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 6.600 tỷ đồng lên 7.899 tỷ đồng. vào Vào giữa tháng 3/2020, OCB tiếp tục được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 8.767 tỷ đồng sau khi cổ đông Ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu (tương đương 11% vốn điều lệ) cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản.

Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phần OCB (tương đương 18,68% vốn) sau 10 năm đầu tư vào đây. Theo công bố mới nhất, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ, do một quỹ của VinaCapital nắm giữ và sắp được lấp đầy bởi Aozora.

Tương tự, SHB cũng cho biết ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 11% thời gian chi trả muộn nhất là vào quý III/2020 theo đúng quy định của NHNN. Trong quý I/2020, SHB đã phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 20,9% của 2 năm 2017, 2018 và chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu.

Năm 2019, HDBank chia cổ tức cho cổ đông ở mức 30% bằng cổ phiếu và năm 2020 dự kiến tiếp tục duy trì mức cổ tức này. Tương tự, VPBank cũng đặt mục tiêu chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu trong năm nay.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu dù vẫn là được chia cổ tức nhưng có thể cổ đông của nhiều ngân hàng đối diện với việc “không nhận được gì”. Vì một số ngân hàng đơn cử như ABBank đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, đồng nghĩa với việc không chia cổ tức.

Trước đó, vào năm 2019, ĐHĐCĐ ngân hàng này cũng thông qua kế hoạch không chia cổ tức cho cổ đông, toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2108 là 624 tỷ đồng được giữ lại để tiếp tục gia tăng năng lực tài chính. Do đó, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối hiện đã lên tới trên 1.403 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng tiếp tục không chia cổ tức là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Điều này đã khiến nhiều cổ đông của Sacombank “bức xúc” trước việc nhiều năm rồi, ngân hàng này không chia cổ tức dù kết quả kinh doanh rất tốt, lợi nhuận tích lũy cũng đạt mức khá cao.

Toan tính nào của ngân hàng

Thực tế, cho đến thời điểm tháng  2 của năm 2020, không ít cổ đông ngành ngân hàng "khấp khởi". Vì năm 2019 là năm mà ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tốt và kỳ vọng cổ tức các ngân hàng sẽ “thay đổi” với khoản cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm tan biến "tin vui chưa kịp đến" của các cổ đông. Cuối tháng 3, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ðáng chú ý tại Chỉ thị, NHNN đã nhấn mạnh, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Trong mắt các chuyên gia tài chính và lãnh đạo các ngân hàng thì yêu cầu trên là hoàn toàn hợp lý vì diễn biến dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng 2020, đặc biệt khi các ngân hàng giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ.

Tuy nhiên, đối với các cổ đông của ngân hàng thì lại là một nỗi niềm bâng khuâng vì đầu tư mà không nhận lại không được như mong muốn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5 vừa qua, cổ đông MSB thắc mắc tại sao không dùng khoản lợi nhuận còn lại giá trị gần 900 tỷ của năm 2019 để chia cổ tức (tỷ lệ 5%), ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức khi chưa xử lý xong nợ xấu.

Theo ông Quang, hiện tại, MSB còn 900 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến quý III/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi hơn. Tương tự, Sacombank và Eximbank cũng chưa có kế hoạch trả cổ tức do đang phải tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, chưa tất toán hết trái phiếu VAMC.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã nhiều năm không chia cổ tức, trong khi tổng tài sản đã tăng lên nhiều lần. Điều này khiến không ít cổ đông tỏ ra không đồng tình, yêu cầu chia cổ tức. Nhưng theo lãnh đạo SCB, việc chia cổ tức mà chưa được phép thì rất khó, bởi ngân hàng vẫn đang trong quá trình xử lý nợ xấu đang được quản lý tại VAMC.

Có thể bạn quan tâm